Những "chuyện lạ" ở thôn 100% hộ nghèo
(Dân trí) - Điện, nước sạch, đường bê tông là ước mơ bao đời nay của người dân thôn Đồng Lách. Ở đây có nhiều "chuyện lạ" như người bệnh đi viện bằng... võng; cả làng xem chung một cái ti vi; cuốc bộ 4-5 cây số vào hang sâu lấy nước về ăn...
Đi viện bằng... võng
Chúng tôi tìm đến thôn Đồng Lách, xã Tân Trường - được xem là thôn nghèo nhất của huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa. Con đường vào thôn Đồng Lách toàn dốc núi. Trước kia, con đường này chỉ là một lối mòn lâu năm của người dân trong thôn; muốn vào được thôn chỉ có cách đi bộ qua con đường này hết nửa ngày đường.
Kể từ khi nhà máy xi măng Công Thanh mở rộng đường để vào núi lấy đất, đá làm nguyên liệu phục vụ cho sản xuất xi măng, con đường vào thôn Đồng Lách mới được mở rộng. Tuy nhiên, đây vẫn là con đường đất núi, đá lởm chởm, gồ ghề và nhiều ổ gà, ổ voi, đi lại rất khó khăn và nguy hiểm. Vì không có đường giao thông thuận tiện nên cuộc sống của người dân thôn Đồng Lách vẫn còn nhiều khốn khó.
Người Đồng Lách kể, mới đây có một trường hợp bị đau ruột thừa, phải khiêng bằng võng đi viện. Chị Hà Thị Cận cho biết: “Chỉ cách đây chưa đầy 3 tháng, chị Hà Thị Tình bị đau ruột thừa. Vì lúc này trời mới mưa xong đường đi rất trơn nên không thể đưa đi bệnh viện bằng xe máy được. Chính vì thế mà người dân chúng tôi phải thay nhau khiêng bằng võng. Đường dài, khó đi, đến khi ra đến bệnh viện thì ruột thừa đã bị bục. May mà được các bác sĩ cứu sống không ảnh hưởng đến tính mạng”.
Không chỉ riêng trường hợp chị Tình, mà trước đó trường hợp của ông Vi Văn Tý (40 tuổi) cũng đã xảy ra tương tự. Và còn nhiều trường hợp khác cũng bị đau ốm phải đưa đi cấp cứu bằng võng…
Anh Vi Văn Luân - Trưởng thôn Đồng Lách - cho biết: “Có những đợt mùa mưa kéo dài, đường bị lầy lội nên xe không thể đi được, phải mất hơn 10 ngày người dân trong thôn chúng tôi không giao thương được với bên ngoài. Không còn gì để ăn, tôi phải gọi điện để nhờ cứu trợ thực phẩm từ bên ngoài vào”.
Thôn không điện, không nước và 100% nghèo
Hiện nay, điện lưới quốc gia đang ngày một được kéo đến phủ khắp các bản làng xa xôi từ đồng bằng cho đến các huyện miền núi. Nhưng với người dân thôn Đồng Lách, điện sáng vẫn là ước mơ cả đời đối với họ. Có những người già trước khi chết đi vẫn mong làm sao cho con cháu có được điện thắp sáng. Cuộc sống không còn trong cảnh đèn dầu tối tăm như bây giờ.
Ông Lô Văn Thân (70 tuổi) cho hay: “Thế hệ chúng tôi giờ đã già hết cả, có những người đến khi chết đi cả đời vẫn không được thấy điện lưới cũng chẳng sao, khổ nhất là các cháu. Xã hội giờ văn minh rồi mà vẫn chưa biết điện lưới là gì, quanh năm ngày tháng chỉ quanh quẩn bên ngọn đèn dầu”.
Hàng ngày, người dân thôn Đồng Lách chỉ thắp sáng bằng pin hoặc bình ắc quy. Nhà nào có điều kiện thì mua pin điện, khi dùng hết điện rồi vứt đi. Hoặc dùng bình ắc quy thì cứ 3 - 4 ngày lại phải đi 4 -5 cây số để sạc điện, mỗi lần xạc mất 5 - 10 nghìn đồng. Nhà nào nghèo không có tiền thì dùng đèn dầu để thắp sáng.
Cả thôn Đồng Lách hơn 100 hộ nhưng chỉ có đúng một chiếc tivi của gia đình anh Phạm Văn Xuân. Gia đình anh Xuân được coi là hộ khá giả nhất thôn khi có được chiếc tivi này đã gần 5 năm nay. Để có điện dùng cho tivi, anh Xuân đã phải dùng máy nổ của chiếc máy cày, sau đó bắt vào mô tơ phát điện tự chế để lấy điện xem tivi và thắp sáng.
Đây cũng là chiếc máy phát điện gắn với hàng chục đám cưới cũng như đám tang của thôn. Gia đình nào có việc, anh Xuân lại đánh chiếc máy cày có bộ phát điện của mình đến để phát giúp gia đình lo việc đại sự.
Hàng ngày, người dân trong thôn muốn được xem tivi, cứ chiều tối đến lại tập trung về nhà anh Xuân. Từ người già cho đến trẻ em ngồi quây quần bên nhau dưới sân đất trước màn hình tivi nhỏ xíu từ thế kỷ trước.
Nước sinh hoạt cũng là một vấn đề với người dân, cả thôn chỉ có 5 chiếc giếng, mùa mưa còn đỡ, mùa nắng muốn có nước sinh hoạt, người dân ở đây đi bộ cả cây số để vào tận trong núi có hang sâu lấy nước về ăn. Ở đây cũng đã được đầu tư bể nước dẫn từ trên nguồn xuống, tuy nhiên đến nay công trình này đã không thể hoạt động được. Bể nước quanh năm khô ráo do đường ống dẫn nước đã bị tắc, mặt khác không có nước từ đầu nguồn dẫn về.
Toàn thôn Đồng Lách hiện nay có 106 hộ với 508 khẩu, người dân tại đây chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái. Theo ông Lê Hồng Quế, Phó Chủ tịch xã Tân Trường cho biết thì hiện nay 100% hộ dân của thôn thuộc hộ nghèo. Người dân tại đây quanh năm lao động vất vả nhưng cũng vẫn không thoát được nghèo do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, đường giao thông đi lại khó khăn, không có nguồn nước tưới tiêu phục vụ sản xuất.
Anh Vi Văn Luân cho biết: “Từ xa xưa, bà con trong thôn sống bằng nông nghiệp. Đất canh tác ngày càng ít đi khi dân số của thôn ngày càng tăng lên. Mặt khác, đất ruộng ở đây cũng không màu mỡ, không có nước tưới tiêu chủ động mà dựa hoàn toàn vào thiên nhiên nên hàng năm chỉ làm được một vụ lúa. Gia đình nào may cũng đủ gạo ăn không thì phải đi mua ăn”.
Trong thôn hiện nay chủ yếu là người gia và trẻ con, những thanh niên làng khi lớn lên cũng không chịu được cảnh khổ ở làng cũng đã phải đi làm ăn xa…
Bùi Thái Bá