Những chuyến công du đặc biệt và biểu tượng ngoại giao vaccine chưa từng có
(Dân trí) - Năm 2021 ghi dấu ấn đặc biệt những chuyến công du của Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội. Mỹ lập trung tâm CDC tại Hà Nội được coi là hình ảnh biểu tượng chiến lược trong ngoại giao vaccine.
Hai năm thế giới chìm trong đại dịch Covid-19 khiến các hoạt động đối ngoại trực tiếp bị ảnh hưởng, những cuộc làm việc hầu hết đều chuyển sang trực tuyến. Thời gian gần đây, khi tình hình dịch bệnh dần được kiểm soát, những chuyến thăm chính thức đã được nối lại, lãnh đạo cấp cao Việt Nam trực tiếp tham dự nhiều hội nghị toàn cầu, thể hiện sự phát triển trong khuôn khổ hợp tác song phương và đa phương, khẳng định vai trò quan trọng của Việt Nam trên bình diện khu vực và thế giới.
Lào, Cuba, Campuchia - chuyến thăm lịch sử, nghĩa tình
Đầu tiên là chuyến thăm hữu nghị chính thức nước Cộng hòa DCND Lào của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (từ ngày 9-10/8/2021). Đây là chuyến thăm chính thức nước ngoài đầu tiên của một lãnh đạo cấp cao Việt Nam sau Đại hội Đảng XIII và bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, cũng là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trên cương vị mới.
Chuyến thăm diễn ra chỉ trong hai ngày nhưng mang ý nghĩa quan trọng, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt - Lào, thể hiện mối quan hệ có "một không hai", thủy chung, gắn bó như anh em một nhà.
Trong dịp này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự Lễ trao tặng công trình tòa nhà quốc hội Lào. Đây là công trình của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam tặng cho Lào - một món quà vô cùng ý nghĩa và được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào nhấn mạnh "4 nhất": "Hiện đại nhất, hài hòa bản sắc văn hóa dân tộc nhất, vững chắc nhất và đầu tư lớn nhất".
Ngay sau chuyến thăm Lào, từ ngày 18-20/9, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc có chuyến thăm chính thức Cộng hòa Cuba với nhiều ý nghĩa hết sức đặc biệt.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Hoàng Giang cho biết, Cuba luôn đi đầu trong việc ủng hộ cuộc kháng chiến giành độc lập và thống nhất đất nước của Việt Nam. Với tinh thần trong câu nói bất hủ của Chủ tịch Cuba Fidel Castro "vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình", trong suốt 60 năm qua, hai nước luôn dành cho nhau tình cảm chân thành, trong sáng và những gì tốt đẹp, cần thiết nhất.
Dù nguồn vaccine trong nước chưa đủ cho toàn dân, nhưng Cuba đã cam kết cung cấp 10 triệu liều vaccine Abdala và chuyển giao công nghệ sản xuất cho Việt Nam. Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam dù còn không ít khó khăn nhưng đã tặng nhân dân Cuba anh em 23.000 tấn gạo từ khi dịch Covid-19 bùng phát, riêng trong chuyến thăm này tặng 6.000 tấn gạo cùng một số thiết bị, vật tư y tế, giống ngô lai, máy tính…
Từ ngày 21-22/12/2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm cấp Nhà nước tới Vương quốc Campuchia theo lời mời của Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni. Chuyến thăm mang nhiều ý nghĩa quan trọng đối với cả hai nước.
Chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam luôn dành ưu tiên cao cho việc phát triển quan hệ với các nước láng giềng, trong đó có quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện với Campuchia cũng như tình cảm tốt đẹp của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam dành cho Campuchia anh em.
Những đối tác chiến lược, quan trọng hàng đầu
Từ ngày 31/10-5/11/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26); thăm, làm việc tại Vương quốc Anh và thăm chính thức Cộng hòa Pháp. Đây là hai nước lớn trên thế giới, là Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, thành viên Nhóm G7 và là đối tác chiến lược của Việt Nam.
"Mặc dù phải tập trung cao cho Hội nghị COP26, nhưng cả Hoàng gia và Chính phủ Anh đều coi trọng sự tham dự của Việt Nam. Thủ tướng Boris Johnson, Thái tử Charles, Thủ hiến ba vùng Scotland, Wales và Bắc Ireland đều dành thời gian, kể cả ngày nghỉ để hội kiến và tiếp xúc riêng với Thủ tướng Phạm Minh Chính. Pháp dành cho Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn Việt Nam các nghi lễ hơn cả thông lệ, trọng thị và rất thân tình" - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng nhấn mạnh.
Thăm chính thức Nhật Bản từ ngày 22-25/11/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính là vị khách nước ngoài đầu tiên của Chính phủ mới Nhật Bản - đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam, quốc gia có ảnh hưởng ngày càng lớn trong các vấn đề khu vực và quốc tế.
Suốt chuyến thăm này, thông điệp được nhắc đến nhiều lần là Việt Nam luôn coi Nhật Bản là bạn, là đối tác tin cậy, quan trọng hàng đầu chia sẻ nhiều lợi ích chiến lược chung.
"Liên bang Nga luôn coi Việt Nam là đối tác chiến lược hàng đầu tại khu vực" - Tổng thống Vladimir Putin khẳng định khi đón tiếp Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức Liên bang Nga, chuyến thăm diễn ra từ ngày 29/11-2/12/20-21. Tổng thống Nga Putin đánh giá chuyến thăm sẽ tạo động lực mạnh mẽ tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Nga, đánh giá cao thành tựu Việt Nam đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao uy tín trên trường quốc tế.
Trong khi đó, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng thăm lại Liên bang Nga và gặp Tổng thống Putin - người bạn lớn và thân thiết của Nhân dân Việt Nam; khẳng định Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống và đối tác chiến lược toàn diện với Liên bang Nga, mong muốn tăng cường mạnh mẽ hơn nữa hợp tác trên tất cả các lĩnh vực, vì lợi ích chung của hai đất nước.
Đặc biệt, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Putin đã ra Tuyên bố chung về tầm nhìn quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Nga đến năm 2030, nhằm định hướng cho hợp tác tin cậy sâu sắc giữa hai nước trên tất cả các lĩnh vực ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả, đáp ứng lợi ích lâu dài của hai quốc gia, dân tộc, góp phần vào hòa bình, an ninh và phát triển bền vững tại khu vực và trên thế giới.
Cũng vào cuối tháng 11/2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức Thụy Sỹ và được người đồng cấp Guy Parmelin đánh giá cao. Tổng thống Guy Parmelin bày tỏ tin tưởng chuyến thăm sẽ là dấu mốc quan trọng, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác Việt Nam - Thụy Sỹ lên tầm cao mới.
Tổng thống Guy Parmelin khẳng định Việt Nam là một đối tác sử dụng ODA hiệu quả và Chính phủ Thụy Sỹ đã quyết định tiếp tục ưu tiên cung cấp 70 triệu Franc Thụy Sỹ vốn ODA cho Việt Nam trong giai đoạn 2021-2024, tập trung cho các lĩnh vực bảo vệ môi trường và cải cách kinh tế.
Từ ngày 12-19/12/2021, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm chính thức Hàn Quốc và Ấn Độ. Chuyến thăm nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác chiến lược Việt Nam - Hàn Quốc và quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ trên các lĩnh vực nhất là phục hồi kinh tế hậu đại dịch Covid-19, tăng cường giao lưu nhân dân, giao lưu với các địa phương.
Một nội dung rất quan trọng trong chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tới Hàn Quốc lần này là chứng kiến đại diện Chính phủ hai nước ký kết Hiệp định về Bảo hiểm xã hội, tương trợ lẫn nhau trong lĩnh vực này để bảo đảm quyền lợi của người lao động Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc và người lao động Hàn Quốc làm việc tại Việt Nam. Đây là hiệp định đầu tiên của Việt Nam ký với nước ngoài, có nội dung khác với quy định của pháp luật Việt Nam. Trên bình diện kinh tế và giao lưu nhân dân, Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Park Byeong-seug khẳng định hai nước đã đạt được những tiến triển mà không quốc gia nào có thể sánh kịp.
Chủ tịch Quốc hội thăm chính thức Ấn Độ thể hiện sự coi trọng, mong muốn của Việt Nam và Ấn Độ trong việc làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước nói chung và quan hệ giữa các cơ quan lập pháp hai nước nói riêng.
Việt Nam chủ động, tích cực và trách nhiệm
Sự chủ động, tích cực của Việt Nam với hoạt động ngoại giao song phương và đa phương được thể hiện rõ ở quan điểm quốc gia, ở vai trò và vị trí của các nhà lãnh đạo trong các chuyến công du làm việc liên lục địa và đạt được kết quả hợp tác toàn diện trên mọi lĩnh vực.
Từ ngày 5-11/9/2021, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ có chuyến công tác tại châu Âu, tham dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 tại Cộng hòa Áo, kết hợp làm việc tại Bỉ, Liên minh châu Âu và thăm chính thức Phần Lan. Chuyến đi đã thể hiện mục tiêu Việt Nam rất coi trọng gắn kết quan hệ với khu vực này.
Với hơn 70 hoạt động dày đặc, liên tục tại 3 nước và làm việc với 5 đối tác, chuyến đi của Chủ tịch Quốc hội khẳng định chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước, thể hiện sự chủ động, tích cực và trách nhiệm, nâng cao vị thế của Việt Nam, đóng góp vào nỗ lực ngoại giao chung của Đảng và Nhà nước vì lợi ích quốc gia, dân tộc; tạo đà phát triển cho đối ngoại Quốc hội trên bình diện song phương và đa phương, phát huy mạnh mẽ vai trò, vị thế của Quốc hội nước ta tại các cơ chế hợp tác nghị viện khu vực và thế giới.
Chuyến công tác đã đạt kết quả toàn diện về chính trị, đối ngoại, ngoại giao phục vụ kinh tế và công tác người Việt Nam ở nước ngoài. Đặc biệt, thời điểm diễn ra chuyến công tác của Chủ tịch Quốc hội cũng là lúc Việt Nam đang rất khan hiếm vaccine Covid-19 và dành ưu tiên hàng đầu là ngoại giao vaccine trong các hoạt động đối ngoại. Kết thúc chuyến đi, Chủ tịch Quốc hội trở về Hà Nội với 200.000 liều vaccine cùng thiết bị y tế trị giá hơn 1.000 tỷ đồng.
Trong khuôn khổ chuyến đi tham dự phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 76 tại New York - Mỹ hồi tháng 9, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã truyền đi thông điệp mạnh mẽ ra thế giới về đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, Việt Nam là bạn bè tin cậy, là thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, với sự chủ động, tích cực tham dự và phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại các phiên họp cấp cao của Đại hội đồng và Hội đồng Bảo an cùng nhiều phiên họp quan trọng khác của Liên Hợp Quốc, Việt Nam tiếp tục khẳng định mạnh mẽ, rõ ràng với bạn bè quốc tế về một nước Việt Nam yêu chuộng hòa bình, khát vọng phát triển, có trách nhiệm và đóng góp một cách tích cực vào các vấn đề hòa bình, an ninh và phát triển trên thế giới, đặc biệt là phòng chống dịch Covid-19, phục hồi, phát triển bền vững trong và sau đại dịch.
"Các thông điệp, đề xuất của Chủ tịch nước tại các phiên họp của Liên Hợp Quốc được nhiều lãnh đạo các nước, các đối tác chia sẻ, đánh giá cao và hưởng ứng tích cực" - Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nói và thông tin Chủ tịch nước đã tranh thủ tối đa dự họp Liên Hợp Quốc để gặp gỡ hơn 30 nguyên thủ, người đứng đầu Chính phủ các nước và các tổ chức quốc tế lớn, trao đổi với gần 50 tập đoàn hàng đầu thế giới. Ngoài vaccine và vật phẩm y tế, việc tiếp xúc, gặp gỡ nhiều tập đoàn hàng đầu của Chủ tịch nước đã thúc đẩy ký kết nhiều hợp đồng, thỏa thuận hợp tác trị giá hàng tỷ USD với các doanh nghiệp Việt Nam ngay trong chuyến thăm.
Biểu tượng chiến lược trong ngoại giao vaccine
Theo các nhà phân tích, trong thời gian qua, Việt Nam chủ động đẩy mạnh ngoại giao song phương và đa phương nên đã tạo được những uy tín và ảnh hưởng trong quan hệ quốc tế. Thế giới biết đến Việt Nam và Việt Nam biết tới các nước. Hội nhập của Việt Nam với thế giới rất sâu rộng.
Bằng chứng là trong tháng 8/2021, chuyến thăm Việt Nam của Phó Tổng thống Mỹ - bà Kamala Harris đã dành sự quan tâm lớn đến ứng phó với đại dịch, quan hệ thương mại và vấn đề an ninh khu vực. Đặc biệt, việc hỗ trợ vaccine và đặt một trong bốn Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) lớn nhất thế giới của Mỹ tại Hà Nội đã thể hiện chính sách ưu tiên của chính quyền Tổng thống Joe Biden đối với Việt Nam.
Trao đổi với PV Dân trí, Đại sứ Phạm Quang Vinh - nhà ngoại giao cấp cao, nguyên Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Mỹ - cho biết: "Tôi rất ấn tượng với tuyên bố của Phó Tổng thống Mỹ về việc hỗ trợ Việt Nam một triệu liều vaccine ngay trong đêm. Sự kiện biểu tượng quan trọng là việc lập CDC Đông Nam Á tại Hà Nội, việc này không chỉ thể hiện sự gắn kết của Mỹ với khu vực mà còn chỉ rõ Việt Nam là một mắt xích quan trọng của cả khu vực. Tôi đã trực tiếp trao đổi với các bạn Mỹ và được biết rằng chính quyền Tổng thống Joe Biden rất coi trọng Việt Nam. Những việc vừa qua thể hiện sự tin cậy đối với Việt Nam và họ muốn cùng chia sẻ với Việt Nam trong ứng phó khẩn cấp về dịch bệnh - điều mà Việt Nam đang cần nhất lúc này".
Thông điệp mạnh mẽ của Việt Nam về biến đổi khí hậu
"Phải có công bằng, công lý về biến đổi khí hậu. Đây là đòi hỏi tất yếu để cùng nhau kiềm chế mức tăng nhiệt độ của Trái đất" - Đó là thông điệp mạnh mẽ được Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ tại Hội nghị COP26, diễn ra ở Vương quốc Anh hồi đầu tháng 11/2021.
Tại diễn đàn đa phương có gần 200 quốc gia thành viên, trong đó có 120 nguyên thủ và Thủ tướng các nước cùng khoảng 36.000 đại biểu, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam nhấn mạnh mặc dù là nước đang phát triển mới chỉ bắt đầu tiến trình công nghiệp hóa trong hơn 3 thập kỷ, Việt Nam là nước có lợi thế về năng lượng tái tạo, sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris để đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.
Với việc tham gia đóng góp tại Hội nghị, Việt Nam đã tái khẳng định thông điệp mạnh mẽ tới quốc tế về một Việt Nam trách nhiệm, chủ động, tích cực trong tham gia xử lý một trong những thách thức chung toàn cầu lớn nhất và được quan tâm cao nhất hiện nay là biến đổi khí hậu.
Cũng nêu quan điểm của Việt Nam về biến đổi khí hậu, trong phiên họp cấp cao của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về an ninh khí hậu ngày 24/9/2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tác động khốc liệt hiện hữu của biến đổi khí hậu ở khắp các châu lục tiềm ẩn nguy cơ bùng phát căng thẳng, bất ổn địa chính trị, ảnh hưởng trực tiếp đến hòa bình, an ninh và sự phát triển thịnh vượng ở nhiều khu vực trên thế giới.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định quyết tâm và cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển nền kinh tế xanh, bền vững, phát thải ít các-bon; khẳng định ủng hộ mọi nỗ lực ứng phó với các thách thức liên quan đến biến đổi khí hậu tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, các diễn đàn đa phương và các khuôn khổ hợp tác song phương, khu vực khác.