Những chiến sĩ không quân hàm ngày đêm canh giữ "mắt biển"

Thanh Tùng

(Dân trí) - Không kể ngày nắng hay mưa, nhiệm vụ của họ là giữ cho "mắt biển" luôn sáng. Họ là những người lính không quân hàm ngày đêm canh giữ ngọn đèn soi đường, chỉ lối cho ngư dân vươn khơi bám biển.

Những chiến sĩ không quân hàm ngày đêm canh giữ "mắt biển".

 "Trái tim còn đập, đèn còn sáng"

Trạm đèn biển Lạch Trào, thuộc Tổng Công ty bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc được xây dựng từ những năm 1967, tại xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Trước đây, trạm đèn biển này thuộc Ty bảo đảm hàng hải. Đó là một vệt đèn dầu leo lét giữa mênh mông sóng nước. 

Những chiến sĩ không quân hàm ngày đêm canh giữ mắt biển - 1

Chiến trận phá thủy lôi của các nhân viên Ty bảo đảm hàng hải năm xưa (Ảnh: Tư liệu).

Trong những năm tháng chiến tranh, nơi đây từng bị máy bay Mỹ bắn phá ác liệt nhưng quân và dân địa phương đã anh dũng chiến đấu chống lại. Hơn 50 năm qua, người dân vùng biển nơi đây vẫn không thể nào quên được những ký ức về một thời oanh liệt ấy.  

Những ngày cuối tháng 6, trong một lần ghé thăm Trạm đèn biển Lạch Trào, tôi được anh Trần Văn Nhân - Trạm trưởng kể về những ngày tháng lịch sử hào hùng ấy.

"Những nhân viên gác đèn Lạch Trào đã chiến đấu anh dũng bảo vệ ngọn đèn biển. Đã có hai người hy sinh và được công nhận là liệt sĩ. Đặc biệt hơn, trận chiến phá thủy lôi Lê Mã Lương của Ty bảo đảm hàng hải lúc bấy giờ", anh Nhân nói. 

Những chiến sĩ không quân hàm ngày đêm canh giữ mắt biển - 2

Trạm đèn biển Lạch Trào cao 27 m so với mực nước biển, có 94 bậc thang hình xoắn ốc.

Một trong những nhân chứng sống trong chiến trận phá thủy lôi mà anh Nhân kể đến không ai khác chính là cha đẻ của anh, ông Trần Văn Báo - người đã có hai lần làm cảm tử quân phá thủy lôi địch. 

Vào năm 1972, Mỹ bắn phá điên cuồng, các luồng và cảng biển miền Bắc bị phong tỏa bằng thủy lôi. Phân đội phá thủy lôi Lê Mã Lương được Ty bảo đảm hàng hải lúc bấy giờ thành lập.

Cha anh Nhân là ông Trần Văn Báo đã được đồng đội hai lần làm lễ truy điệu trước khi xung phong làm cảm tử quân phá thủy lôi của giặc ở Hòn Dáu và Long Châu (Hải Phòng). 

Những chiến sĩ không quân hàm ngày đêm canh giữ mắt biển - 3

Không quản ngại thời tiết, những nhân viên gác đèn vẫn ngày đêm chăm sóc và hoàn thành tốt công việc của mình.

Vị Trạm trưởng tâm sự, những năm chiến tranh, người gác đèn không phải chỉ lo thắp sáng mà công việc còn gắn với nhiệm vụ bảo vệ ngọn đèn biển khỏi sự tàn phá của quân địch.

Cho đến nay, anh vẫn thường được cha căn dặn phải luôn cố gắng, dù trong hoàn cảnh nào cũng phải giữ ngọn đèn không bao giờ tắt. Đó là nhiệm vụ cao cả mà những người làm nghề gác đèn như anh phải luôn ghi nhớ.

Trải qua hàng chục năm với nhiều lần tu sửa, Trạm đèn biển Lạch Trào hiện nay là một trong ba trạm đèn biển quan trọng đối với vùng biển Thanh Hóa. Trạm cao 27 m so với mực nước biển, có 94 bậc cầu thang hình xoắn ốc. Để đảm bảo cho ngọn đèn luôn sáng, hiện tại Trạm có 5 cán bộ, nhân viên ngày đêm chăm sóc và gác đèn. 

Những chiến sĩ không quân hàm ngày đêm canh giữ mắt biển - 4

Anh Nguyễn Đăng Hương - người đã có 25 năm gắn bó với công việc gác đèn vẫn luôn tự hào về công việc mình đã chọn.

Những chiến sĩ không quân hàm ngày đêm canh giữ mắt biển - 5

"Nhiều năm trong nghề, chúng tôi luôn làm việc với phương châm khi nào trái tim còn đập thì ngọn đèn còn sáng", anh Hương chia sẻ.

Trong số những nhân viên gác đèn tại Trạm, anh Nguyễn Đăng Hương là người đã có nhiều năm kinh nghiệm nhất. Năm nay 47 tuổi, nhưng anh Hương đã có 25 năm gắn bó với công việc gác đèn. 

Gặp tôi, anh vui mừng vì đã khá lâu chưa có người ghé thăm Trạm: "Người dân vẫn thường gọi chúng tôi với cái tên quen thuộc là những người cô đơn. Bởi, cả năm sống và làm việc chỉ quẩn quanh cây cột đèn, lâu lâu mới có khách tới thăm là niềm vui lớn đối với chúng tôi rồi".  

Những chiến sĩ không quân hàm ngày đêm canh giữ mắt biển - 6

Để cho "mắt biển" luôn luôn sáng, những nhân viên gác đèn phải thay nhau túc trực ngày đêm.

Những chiến sĩ không quân hàm ngày đêm canh giữ mắt biển - 7

Ngọn hải đăng không chỉ soi sáng đường đi cho ngư dân ra biển, vào bờ, mà còn có ý nghĩa quan trong trong bảo vệ sự bình yên cho Tổ quốc.

Vốn sinh ra và lớn lên ở vùng biển xã Hoằng Thanh, huyện Hoằng Hóa, từ khi còn nhỏ anh Hương đã được theo cha đi gác đèn. Năm 1996, anh quyết định theo nghề và thay cha viết tiếp trang nhật ký giữ ánh sáng cho "mắt biển".

Nhớ lại năm 22 tuổi, lần đầu tiên anh Hương xa gia đình, đến công tác tại Trạm đèn biển Cửa Sót (Hà Tĩnh). Những ngày tháng đầu anh nhớ nhà đến không ngủ được. Đã có lúc anh muốn từ bỏ, nhưng tình yêu với ngọn đèn biển đã thôi thúc anh cố gắng và vượt qua tất cả. 

Những chiến sĩ không quân hàm ngày đêm canh giữ mắt biển - 8

Ngoài việc chăm sóc đèn, họ phải thường xuyên kiểm tra và lau chùi bình ắc quy để đảm bảo nguồn điện chiếu sáng hải đăng luôn thông suốt.

"Ngày đầu tiên chính thức làm việc là một ngày dài với tôi. Giữa bốn bề biển mênh mông nước, chỉ có mấy anh em với nhau, cảm giác cô đơn và buồn đến tột cùng. Phải mất gần một tháng, tôi mới làm quen được với công việc.

Những người gác đèn như chúng tôi ai cũng phải trải qua sự cô đơn ấy. Nếu không có tình yêu và sự nhiệt huyết, sự hy sinh để giữ cho ngọn đèn luôn sáng thì không thể theo được cái nghề này. Nhiều năm trong nghề, chúng tôi luôn làm việc với phương châm khi nào trái tim còn đập thì ngọn đèn còn sáng", anh Hương tâm sự. 

Những chiến sĩ không quân hàm ngày đêm canh giữ mắt biển - 9

Các nhân viên gác đèn tại Trạm đèn biển Lạch Trào đang phân công nhiệm vụ cho các ca trực.

Công tác ở Cửa Sót một thời gian thì anh Hương được điều chuyển đến Cửa Lò (Nghệ An), rồi Cửa Tùng (Quảng Trị)… Sau 15 năm công tác xa nhà, anh được điều chuyển về Trạm đèn biển Lạch Trào ở quê hương. 

Theo anh Hương, do đặc thù công việc nên những người gác đèn như anh phải luân chuyển nơi công tác thường xuyên. Có những người khi đi còn trai trẻ, nhưng đến lúc được trở về gần quê hương thì tóc cũng đã pha sương. 

Vừa gác đèn vừa chăm vợ liệt giường

Đặc thù của công việc gác đèn phải túc trực suốt ngày đêm khiến những nhân viên phải "chạy đua với thời gian" khiến họ không còn thời gian để chăm lo cho gia đình. Theo quy định của ngành, 9 tháng, mỗi cán bộ, nhân viên gác đèn mới được nghỉ phép một lần. Vì vậy, dù có đi đến đâu, với họ, trạm công tác vẫn luôn là nhà. 

Những chiến sĩ không quân hàm ngày đêm canh giữ mắt biển - 10

Ngoài công việc, các nhân viên gác đèn còn tranh thủ tăng gia sản xuất bằng việc nuôi ong.

Trong số 5 nhân viên gác đèn tại đây thì anh Nguyễn Tiến Thường (37 tuổi, quê xã Hoằng Đại, thành phố Thanh Hóa) có hoàn cảnh vô cùng éo le. Năm 2019, vợ anh là chị Vũ Thị Thêm không may mắc bệnh u tủy, u não. Sau nhiều lần phẫu thuật, chị đã bị liệt hai chân không thể đi được nữa.

Nhìn vợ nằm liệt giường không ai chăm sóc, anh chỉ biết trách bản thân mình đã không lo được cho vợ, có nhiều lúc anh như gục ngã, muốn buông bỏ tất cả. Nhưng chính ý chí kiên cường của người gác đèn biển đã giúp anh gắng gượng vì vợ và hai con. Ngoài những lúc làm việc, anh tranh thủ từng giờ chạy qua chăm sóc cho vợ và hai con đang ở trong căn nhà tạm cạnh Trạm. 

Những chiến sĩ không quân hàm ngày đêm canh giữ mắt biển - 11

Anh Nguyễn Tiến Thường, người có hoàn cảnh vô cùng éo le tại trạm đèn biển Lạch Trào.

Tôi gặp người đàn ông khốn khổ này khi anh vừa tranh thủ giờ giải lao để qua nấu cơm cho vợ. Anh tâm sự: "Công việc ở Trạm đèn rất căng thẳng, nếu để vợ ở nhà thì sẽ không có thời gian chạy về chăm sóc. Ở nhà, ông bà đã già, không thể chăm nom như trước kia được nữa. Vừa qua tôi phải đưa vợ ra gần nơi làm việc để tiện bề chạy qua chạy lại chăm sóc cô ấy". 

Theo anh Thường, công việc gác đèn biển phải túc trực thường xuyên, đặc biệt là những ngày mưa bão. Càng mưa bão, các anh càng phải làm việc nhiều hơn bình thường, phải giữ ngọn đèn luôn luôn sáng để ngư dân an tâm vươn khơi bám biển.

"Đối với chúng tôi, dù đi đến đâu, dù có thế nào thì Trạm vẫn luôn là nhà. Mình đã chọn nghề phải biết chấp nhận và hy sinh tất cả để cống hiến cho sự bình yên của Tổ quốc", anh Thường bộc bạch. 

Những chiến sĩ không quân hàm ngày đêm canh giữ mắt biển - 12

Để vừa đảm bảo công việc, vừa có thể chăm vợ liệt giường, anh đã đưa vợ về ở tại một căn nhà nhỏ gần cơ quan cho tiện bề chăm sóc.

Những chiến sĩ không quân hàm ngày đêm canh giữ mắt biển - 13

Khó khăn vất vả là vậy nhưng anh vẫn miệt mài vì công việc với mong muốn trời yên bể lặng, ngư dân có thể yên tâm ra khơi bám biển.