1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Quảng Bình:

Những câu chuyện vớt xác của người thợ lặn trên sông Son

(Dân trí) - Gần 20 năm chống lại “lời nguyền của Hà Bá”, bằng cái tâm của mình, anh Ngô Thiên (SN 1973) đã vớt nhiều xác người chết trên dòng sông Son.

“Cướp cơm của Hà Bá”

Mỗi lần ngang qua dòng sông Son chảy qua thôn Trằm Mé, xã Sơn Trạch (huyện Bố Trạch, Quảng Bình), chúng tôi lại được nghe nhiều người kể câu chuyện về người thợ lặn có biệt danh là “người cá”. Hễ có ai gọi đi vớt xác người bị chết do trôi sông, hay tắm mà bị đuối nước chết, anh Thiên lại lên đường.

Gặp anh với dáng người cao gầy bên dòng sông Son để nghe anh kể những câu chuyện về cái nghề vớt xác người, chúng tôi mới thấu hiểu phần nào những khó khăn, lắm những rủi ro và có khi là phải bỏ mạng vì cái nghề đầy rẫy những nguy hiểm này.

Bên dòng sông Son, anh Thiên đã vớt được nhiều xác chết
Bên dòng sông Son, anh Thiên đã vớt được nhiều xác chết

Sinh ra trong một gia đình nghèo, lớn lên anh Thiên lấy vợ, sinh tới 6 người con. Dù mới chỉ 41 tuổi nhưng anh đã có gần 20 năm thâm niên làm nghề lặn thuê. Hễ ai thuê lặn tìm gì thì anh đều vui vẻ nhận lời, nhưng đặc biệt là lặn tìm xác chết thì anh không mảy may suy nghĩ.

Đến với cái duyên lặn vớt xác người, anh Thiên kể lại, vào năm 1997, khi một ông lái đò tên Tam cùng thôn Trằm Mé với anh, đang khỏe mạnh, bỗng một ngày tắm sông mà chết đuối. Sống trên sông nước, nhiều người dân trong thôn tình nguyện lặn tìm xác ông Tam lái đò nhưng đến 2 ngày vẫn không tìm thấy.

Sau khi hay tin ông Tam chết nước đã lâu mà vẫn chưa tìm thấy xác, anh Thiên liền bàn với vợ xin đi lặn tìm xác ông Tam về cho người thân, nhưng khi anh Thiên vừa nói, vợ anh liền ngăn cản vì sợ. “Lúc đó tui xin đi nhưng vợ không cho, đợi đến lúc vợ đi chợ khoảng 9h sáng. Tui liền giấu vợ nói là đi sang bạn chơi nhưng thực ra tui đã đến bờ sông tìm lặn tìm xác ông Tam” – anh Thiên kể lại.

Khi anh Thiên đến, nhiều người vui mừng vì trong thôn ai cũng đã biết đến Thiên “người cá”, chỉ sau hơn 3 giờ ngụp lặn dưới nước, anh Thiên đã tìm được xác ông Tam và đưa lên bờ, khiến ai nấy chứng kiến cũng nể phục vì tài nghệ của anh.

“Lần đầu tiên vớt xác chết, tôi cũng rất sợ, vì nhiều người xưa nói rằng chuyện giữa người dương khi gặp với người âm dưới nước sẽ bị hút lại và mình sẽ chết theo người đó. Nhưng tôi đã thử mà vẫn không bị răng cả” – anh Thiên tâm sự.

Sau sự việc vớt được xác chết ông Tam, trên dòng sông Son và con suối Mộc (thuộc VQG Phong Nha – Kẻ Bàng) xảy ra nhiều vụ chết đuối, tất cả các thợ lặn thuê đều bỏ cuộc một phần vì sợ một phần vì nguy hiểm, nhưng đối với người đàn ông dáng người mảnh khảnh này, đó chỉ là một công việc rất giản đơn.

Bên dòng sông Son, anh Thiên đã vớt được nhiều xác chết
Ở vùng này, hễ có vụ người đuối nước chết hay mất tích mà các thợ lặn "bó tay" thì phải nhờ đến anh Thiên mới thành công

Trường hợp thứ 2 mà anh Thiên kể lại là sau đó 1 năm kể từ khi anh vớt xác người đầu tiên, khi một anh tài xế của Ban Quản lý VQG Phong Nha – Kẻ Bàng có tên là Hà đang đi tắm ở suối nước Mộc cùng với đám bạn, không may bị trôi nước mất tích không tìm thấy. Khi đó lãnh đạo VQG này đã thuê nhiều thợ lặn chuyên nghiệp có tiếng ở Quảng Bình huy động tìm kiếm anh Hà, nhưng đến 2 ngày không ai tìm thấy.

Khi nhiều người tới nhà nhờ đến anh Thiên “người cá”, anh lại lên đường vào suối nước Mộc để vớt xác người xấu số nói trên. “Sau khi quan sát một hồi, tui thấy địa hình rất phức tạp, 2 bên bờ suối nhiều có vách đá sâu, sắc nhọn nguy hiểm, giữa dòng thì nước xoáy nên tui cũng có cảm giác rất sợ. Xung quanh có rất nhiều thợ lặn mang cả bình ôxy đi theo mà không tìm được xác, vậy mà tui vẫn đánh liều sống chết một phen…” – anh Thiên kể.

Theo lời anh Thiên, sau khi một mình ngụp lặn dưới con suối, vì quen với địa hình, nên anh cứ mò xung quanh hai bên vách đá nghĩ rằng có khi xác anh Hà chết bị mắc kẹt chỗ nào đó. Và quả không sai, gần 3 giờ đồng hồ mò quanh từng ngóc ngách của 2 bên bờ chằng chịt đá, xác người xấu số trên đã tìm thấy nhưng bị mắc kẹt trong vách đá sâu.

Để lấy được xác anh Hà đưa lên bờ thì quả là rất khó, vì do anh chết đã hơn 2 ngày ngâm dưới nước. Sau một hồi suy nghĩ, anh Thiên đã tự mình xuống chui đầu vào vách đá, sẵn sàng đối mặt với nguy hiểm, dùng tay đưa dần xác chết ra khỏi điểm mắc kẹt. Phải mất gần 1 giờ đồng hồ xác anh Hà mới ra khỏi vị trí và đưa lên bờ. 

Kể từ đó hễ trên dòng sông Son hay bất cứ một con sông, suối nào đó có xác chết mất tích không tìm thấy hay biết mà không vớt được thì anh Thiên lại lên đường. Như vụ cậu bé 15 tuổi ở xã Phúc Trạch tắm suối Mộc bị đuối nước chết mất tích 2 ngày và là vụ anh công nhân làm cầu… phải nhờ đến anh Thiên mới thấy xác.

Công việc này đã gắn bó với gần nửa cuộc đời của anh, không kể hiểm nguy vất vả. Với anh công việc này đã là một cái nghiệp, anh làm vì cái tâm với những người đã khuất.

Nhọc nhằn mưu sinh kiếp thợ lặn

Do gia cảnh khó khăn, sống ở địa hình vùng cao, không có ruộng vườn để làm ăn nên anh Thiên xem như nghề thợ lặn là cái nghiệp mưu sinh để trang trải kiếm sống cho gia đình mình. Ai thuê gì liên quan đến nghề lặn anh đều làm hết.

Vào những năm 1990, anh Thiên bắt đầu lặn dưới nước sành sỏi và thường chỉ lặn "tay bo” không có bình ôxy. Mặc dù dáng người khá gầy nhưng anh được Trời phú cho sức khỏe và khả năng bơi lội tốt, khi hành nghề thợ lặn anh không hề học qua lớp học kỹ thuật hay khóa đào tạo bơi lặn nào.

Khi chúng tôi hỏi về tiền công sau mỗi lần lặn vớt xác người, anh Thiên trầm ngâm cho biết: “Mình làm việc này bằng chính lương tâm thôi, công cán chi. Mà dù họ có chi mình cũng chả lấy, ba ngày giỗ kỵ họ xem mình như ân nhân thì đến uống chén rượu nhạt với gia đình thôi. Còn ai thuê lặn kiếm vật gì tôi mới lấy tiền vì đó là cái nghề nuôi sống cả nhà tui mà”, anh Thiên tâm sự.

Là một thợ lặn có tiếng trong vùng, nếu Công ty xây dựng cầu đường nào cần phải xử lý mủi khoan nhồi hay lặn đặt dụng cụ dưới nước thì đều mời anh Thiên đến hỗ trợ. Anh kể anh đã từng lặn đặt khoan cho Công ty xây dựng công trình 510, hay Công ty Trường Sơn trong việc xây dựng hang động Phong Nha hay đặt trạm lấy nước sạch ở Cảng Hòn La...  

Nghề thợ lặn là một nghề rất chứa đựng nhiều hiểm nguy, nếu sơ sẩy một chút thì nhẹ cũng tàn phế, còn nặng có khi trao mạng sống cho “Hà bá”. Nhưng vì cuộc sống quá khó khăn nên người thợ lặn đành bất chấp mọi nguy hiểm để kiếm miếng cơm manh áo để nuôi sống gia đình.

Trước cửa động Phong Nha, trong một lần lặn anh Thiên suýt mất mạng vì bị cá Chình tấn công
Trước cửa động Phong Nha, trong một lần lặn anh Thiên suýt mất mạng vì bị cá Chình tấn công

“Có lần đi lặn bắt cá chình ở động Phong Nha, tui suýt mất mạng vì con cá chình to, lại khỏe kéo kéo tui chìm sâu dưới nước, mắc theo dây quấn quanh chân, nhưng nhờ kinh nghiệm, với xử lý bình tĩnh nên tui đã từ từ gỡ dây quấn quanh chân, mới may mắn thoát chết” - anh Thiên kể lại.

Từ khi chế được cái máy lặn bằng bình ôxy anh Thiên có thể lặn được 8h dưới nước mỗi ngày, mỗi ca 4 giờ và có thể lặn sâu tới 60m. Anh cũng cho biết do máy mình tự chế không phải máy hiện đại nên khi lặn cũng có nhiều khó khăn.

Cuộc đời người làm nghề lặn thuê như anh Thiên, mỗi ngày mưu sinh là một ngày chiến đấu giữa lằn ranh sự sống và cái chết!

Hoàng Phúc - Đặng Tài

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm