1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hậu “cơn lốc vàng”:

Những cái chết được báo trước

Gần chục người đã chết, mạng sống của hàng chục người khác đang bị đe dọa bởi một căn bệnh lạ sau đào vàng. Không chỉ thế, cơn bão HIV/AIDS bắt nguồn từ các bãi vàng cũng để lại hậu quả hết sức nặng nề cho Quảng Nam.

 
Hàng chục năm trở lại đây, Quảng Nam là một trong những địa phương có nạn khai thác vàng trái phép nhức nhối nhất trên cả nước. Đã có biết bao người ra đi mong tìm giàu sang nhưng xác thân nằm lại rừng hoang vu, hoặc có về được thì cũng thân tàn ma dại, bệnh tật đầy mình. 
 
Căn bệnh lạ của những phu vàng

 

Những ngày gần đây, dư luận xôn xao về một căn bệnh lạ đã cướp đi mạng sống của gần một chục người từng là phu đào vàng và đang đe doạ sự sống của hàng chục người khác ở hai xã Bình Trị và Bình Định Bắc (huyện Thăng Bình).

 

Cái chết của anh Phan Văn Dũng (SN 1974, ở thôn Châu Long, xã Bình Trị) vào trước Tết Kỷ Sửu mà nghe phong thanh là do đi đào vàng đã khiến những người dân ở đây rất hoang mang. Bởi trong xã có hàng trăm thanh niên cũng từng đến làm thuê tại một số mỏ vàng tự phát tại khu vực thôn Động Giá (xã Bình Trị), nơi mà anh Dũng từng khai thác.
 

Những cái chết được báo trước  - 1

 

Chị Nguyễn Thị Huỳnh Hoa - vợ anh Dũng thắp nén nhang lên bàn thờ rồi ràn rụa nước mắt kể: Chị là vợ hai của anh Phan Văn Dũng. Người vợ đầu chẳng may mất sớm để lại hai đứa con. Lấy nhau năm 2003, sau khi có một đứa con, cuối năm 2007 anh Dũng đổ bệnh do lao tâm, lao lực kiếm tiền nuôi gia đình. Một năm sau thì anh qua đời để lại nợ nần chồng chất, mẹ già và cả gia đình lâm vào cảnh khốn khổ.

 

Anh Lại Tấn Công (1976), một thanh niên lực lưỡng thời phá đá, nổ mìn, đào vàng, nay sau hơn một năm nằm viện đã teo tóp. Công cho biết:  “Những năm trước nhiều người “trúng đậm” tại  bãi vàng Động Giá nên mấy anh em trong làng rủ nhau vào đào đãi. Những ngày đó, do sức hút của vàng khiến anh em không biết chi mệt mỏi. Từ dưới hầm sâu dài cả trăm mét ngoi lên để thở một chút lại chui xuống. Làm cả ngày lẫn đêm. Khi lên khỏi mặt đất chỉ thấy nhức mỏi hai bả vai và tức ngực, khó thở. Lúc đó tụi tui cứ nghĩ chắc ở dưới hầm sâu thiếu khí nên tức ngực. Ai ngờ bây chừ lại mang bệnh vào mình”. 

 

Ở xã Bình Trị và xã Bình Định Bắc đã có nhiều người chết với những triệu chứng tương tự, như trường hợp: Lê Văn Quang (30 tuổi), Đặng Văn Bình (31 tuổi), Lê Thanh Nam (26 tuổi),  Lê Quang (32 tuổi), Phan Văn Dũng (31 tuổi), Nguyễn Văn Hiển (31 tuổi), Nguyễn Hùng cũng mới độ tuổi ba mươi... Hiện tại, ở BV Phạm Ngọc Thạch, Quảng Nam còn 8 bệnh nhân đang điều trị, 4 trường hợp bệnh nặng, khó chữa.

 

Theo Giám đốc Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, Quảng Nam (BV Lao và Bệnh phổi) Trần Ngọc Pháp thì bệnh này không lạ gì, chỉ là bệnh nghề nghiệp (khai thác vàng ở khu vực xã Bình Trị), nhưng do hạn chế về phương tiện kỹ thuật cũng như nghiệp vụ nên chưa xác định rõ loại bệnh.

 

Bệnh nhân có triệu chứng đau ngực, ho, khám phát hiện trên phổi mờ. Sơ bộ đưa ra nhận định đây là tình trạng viêm nhiễm ở phổi do hóa chất hoặc vi sinh vật trong hầm mỏ liên quan đến bệnh lao. Tuy nhiên, các bệnh nhân  tập trung tại hai xã và bệnh nhân lao tử vong trong độ tuổi trẻ, điều này hơi bất thường. Điều đó cho thấy, do điều kiện làm việc và sự chủ quan của những người đào đãi vàng tại hai xã nói trên đã để lại thảm cảnh đau lòng.

 

Và nỗi đau HIV/ AIDS

 

Trong thời gian đi tìm hiểu về “bệnh lạ” ở xã Bình Trị, chúng tôi được nghe và biết về “hậu vàng” với nỗi đau mang hình hài HIV/ AIDS mà... giật mình. Xã Bình Trị-làng quê nghèo bên chân núi Chóp Chài này đã chứng kiến gần ba chục cái chết mang tên “AIDS”. Ông Võ Hồng Sơn - Trưởng CA xã Bình Trị cho biết, 3- 4 năm trước đây có hàng loạt thanh niên địa phương từng đào đãi vàng tại các bãi vàng Phước Sơn, Hiệp Đức, Bắc Trà My bị nhiễm HIV/ AIDS.

 

Theo thống kê của Công an xã Bình Trị, từ 2001 đến nay có trên 30 thanh niên từng đi đào đãi vàng nhiễm HIV/AIDS (đa số từ 18- 25 tuổi), hiện nay chỉ còn 8 người còn sống, trong đó 4 trường hợp đi khỏi địa phương.

 

Một thanh niên ở xã Tam Dân tên Th. từng làm vàng, nhiễm HIV thổ lộ: “Lớn lên ai cũng muốn có công ăn việc làm, nhưng học đến cấp hai thì gia đình không có điều kiện cho học tiếp, em út lại đông, thế thì biết làm gì? Thấy một số chủ bãi vàng trong ngoài xã khai thác trúng, kéo nhiều người cùng đi làm, thanh niên chúng tôi sức dài vai rộng cũng đi kiếm đồng ra đồng vào. Ai dè, lên các bãi vàng thì thú thực: nhiều cái không muốn “chơi” cũng phải “chơi”, thế là sa ngã và lãnh hậu quả”.
 
Bác sĩ Đặng Văn Hải - phụ trách Bộ phận Phòng chống HIV/ AIDS, thư ký Chương trình HIV/ AIDS của Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Quảng Nam cho biết, dân đào đãi vàng có một “luật” bất thành văn là chích chung, dùng chung bơm kim tiêm (kể cả gái mại dâm?). Việc “cắt máu ăn thề” này thật nguy hại, bởi sự lây lan thừa cơ tấn công.

 

Theo số liệu bác sĩ Hải cung cấp, đến cuối năm 2008 Quảng Nam có khoảng 1.000 trường hợp nhiễm HIV/AIDS. Trong số này có 70- 80% là tiêm chích ma túy, mà đối tượng này phần lớn lại tập trung tại các bãi vàng.

 

Hàng trăm người chết vì sập hầm khai thác vàng

Không chỉ đối diện với những bệnh tật mà vì điều kiện lao động sơ sài nên tính mạng của các phu đào vàng luôn bị đe doạ bởi những vụ sập hầm. Vụ sập hầm vàng vào do lở núi ngày 10- 12/ 10/ 2008 tại khu vực thôn Sũng Mùn, xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh khiến 6 người chết, trong đó có 5 người trong một gia đình. Theo những người dân sở tại, khu vực Sũng Mùn là nơi làm vàng cũ có cách đây đã hàng chục năm. Ngày thường, thi thoảng dân Tam Lãnh vẫn vào đây đãi vàng xái, kiếm ăn qua ngày.

Theo những người dân sở tại, những hầm khai thác vàng trái phép ở Quảng Nam hàng chục năm nay đã lấy đi mạng sống của hàng trăm người. Cũng tại xã Tam Lãnh (huyện Phú Ninh), cuối năm 2006 cũng xảy ra vụ sập hầm khai thác vàng, khiến 3 người dân ở xã Tam Vinh (huyện Phú Ninh) tử vong.

Khoảng giữa tháng 12/2007, cũng tại Quảng Nam, một vụ sập hầm tại Phước Kim (huyện Phước Sơn) cướp đi 4 sinh mạng. Cả 4 nạn nhân trên là công nhân làm vàng cho một chủ hầm tên là Phạm Tính, quê tại tỉnh Hoà Bình vào mua bãi khai thác vàng trái phép tại bãi vàng Khe Tăng, xã Phước Kim, huyện Phước Sơn.

Trong trận lũ hồi tháng 11-1999, tại những bãi đào vàng ở các xã Phước Công, Phước Chánh (huyện Phước Sơn) có trên 40 người bị chôn lấp vĩnh viễn dưới lòng đất vì một mảng núi khổng lồ bị mưa lớn làm sạt lở. Bi thảm không kém, cơn mưa lũ giữa đêm 13/11/2003 đã làm núi lở vùi chết 19 người đào vàng ngay tại lán trại ở xã Phước Thành (huyện Phước Sơn). Đó là những vụ lớn, còn những vụ nhỏ thì khó thống kê hết. 

 

 

Theo Xuân Hoài
Gia đình và Xã hội