Những cách đơn giản giúp bạn giữ bình tĩnh hiệu quả
(Dân trí) - Khả năng quản lý cảm xúc và giữ bình tĩnh trước áp lực có ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu suất làm việc của mỗi người.
Công ty đánh giá, đào tạo và tư vấn trí tuệ cảm xúc hàng đầu thế giới TalentSmart đã tiến hành nghiên cứu với hơn một triệu người và nhận thấy rằng 90% những người làm việc năng suất nhất thường có khả năng quản lý cảm xúc. Họ có cho mình những chiến lược đối phó với căng thẳng và giữ bình tĩnh rất hữu hiệu.
Ngừng đặt câu hỏi "Sẽ ra sao nếu…?"
Mãi xoay quanh câu hỏi "Sẽ ra sao nếu?" sẽ chỉ làm bản thân thêm căng thẳng và lo lắng. Sự việc có thể phát triển theo vô vàn hướng khác nhau và bạn càng dành nhiều thời gian để lo lắng càng có ít thời gian để tập trung vào hành động.
Những người bình tĩnh biết rằng câu hỏi "Sẽ ra sao nếu?" sẽ chỉ dẫn họ đến những điều không mong muốn hoặc không cần thiết.
Tạm ngưng kết nối khi cần
Thường xuyên tạo cho mình những khoảng thời gian "ngoại tuyến", đơn giản như việc không kiểm tra email, có thể giúp cơ thể nạp lại năng lượng cho trí óc đều đặn hàng tuần, kiểm soát căng thẳng tốt hơn và dễ dàng lấy lại bình tĩnh.
Nếu bạn lo lắng về những hậu quả tiêu cực của việc làm này, trước tiên hãy thử thực hiện nó vào những thời điểm khi không hoặc ít ai liên lạc như sáng Chủ Nhật là khá hợp lý. Khi bạn cảm thấy thoải mái hơn, đồng nghiệp bắt đầu hiểu và chấp nhận thời gian đó là thời gian ngoại tuyến của bạn, hãy dần dần mở rộng thêm khoảng thời gian rời xa công nghệ.
Hạn chế lượng caffeine nạp vào cơ thể
Đồ uống chứa caffeine sẽ kích hoạt việc giải phóng adrenaline, một loại hormone gây nên phản ứng "chiến đấu hoặc lẩn trốn". Đây là một cơ chế sinh tồn buộc bạn phải chiến đấu hoặc chạy trốn trước những mối đe dọa sống còn và sẽ tác động lên suy nghĩ để bạn có phản ứng nhanh hơn. Điều này sẽ rất hữu ích khi bạn đang trong tình cảnh bị một con gấu đuổi theo, nhưng sẽ không ổn lắm khi ngay lập tức đáp lại một email gây khó chịu nào đó với lời lẽ cộc lốc.
Khi caffeine khiến não bộ và cơ thể rơi vào trạng thái căng thẳng cao độ như vậy, hành vi sẽ gần như hoàn toàn chịu sự chi phối của cảm xúc, gây nên sự mất bình tĩnh.
Trong tâm trí không có chỗ cho hai chữ "tiêu cực"
Một cách hữu hiệu trong việc kiểm soát căng thẳng và giữ bình tĩnh là kiểm soát bản thân không nghĩ/nói những điều tiêu cực.
Hầu hết những ý nghĩ tiêu cực của chúng ta chỉ là suy nghĩ chứ không phải sự thật. Khi bạn thấy mình tin vào những điều tiêu cực và bi quan mà bạn tự nhủ trong lòng, hãy nhanh chóng dừng lại và viết nó ra giấy. Một khi đã dành một chút thời gian để làm chậm đà tiêu cực trong suy nghĩ, bạn sẽ suy nghĩ thấu đáo hơn nhiều và sẽ đủ sáng suốt để đánh giá tính xác thực của những ý nghĩ tiêu cực đó.
Hít thở
Thực hiện hít thở trong giây lát sẽ khiến não bộ bạn tập trung vào công việc hiện tại, tránh khỏi những suy nghĩ mông lung và giúp bạn tránh khỏi căng thẳng.
Việc này nghe có vẻ đơn giản hoặc thậm chí là hơi ngớ ngẩn, nhưng kết quả thu được sẽ khiến bạn ngạc nhiên. Sau khi hít thơ, bạn sẽ cảm thấy bình tĩnh hơn nhiều và dễ dàng loại bỏ những suy nghĩ rối bời trong tâm trí.
Tìm kiếm sự hỗ trợ
Bạn luôn cố gắng tự giải quyết tất cả mọi việc nhưng không phải lúc nào nó cũng hiệu quả. Để bình tĩnh và xử lý công việc hiệu quả, mỗi người cần nhận ra điểm yếu của mình và yêu cầu sự trợ giúp khi cần. Hay nói cách khác, hãy nhờ đến sự trợ giúp của người thân, bạn bè hay những người đồng nghiệp khi gặp phải tình huống bạn thấy quá sức.
Điều này sẽ giúp bản thân cảm thấy được giải tỏa lo lắng và căng thẳng, đồng thời cho bạn những góc nhìn mới về tình huống gặp phải. Đôi khi, người ngoài cuộc có thể nhìn ra giải pháp mà bạn không nhìn thấy.