Những bữa cơm “khuyết”
(Dân trí) - Thay vì những bữa cơm ấm áp, cả gia đình quây quần với nhau là những bữa ăn nguội ngắt, những miếng cơm nuốt vội. Họ cũng thèm những bữa cơm nóng sốt, tràn ngập yêu thương nhưng vì mưu sinh, ước mơ nhỏ nhoi đó cũng khó thành hiện thực.
Trưa tháng 6, nắng hè như đổ lửa. Những tán lá không đủ sức để chống những tia nắng gay gắt xuyên qua. Dưới những tán cây nắng rọi xuyên như hoa ấy là những người lao động phổ thông đang nuốt vội bữa cơm trưa. Hỏi về Ngày gia đình, tất thảy họ đều lắc đầu bởi với họ, ngày nào cũng giống ngày nào, khác chăng chỉ là những ngày giỗ, Tết.
Giở cặp lồng cơm đã nguội ngắt, đặt nắp cặp lồng chỏng chơ khúc cá biển kho mặn và đũa rau muống xào, rưới ít nước sôi nguội lên phần cơm, chị Hoa (Nghi Lộc, Nghệ An) ngồi nhai rệu rạo. Cũng như những “đồng nghiệp” của mình, chị chẳng biết Ngày Gia đình Việt Nam là ngày gì và cũng chẳng quan tâm đến ngày này.
“Sáng mờ đất đã dậy, ăn vội bát cơm nguội, chuẩn bị cơm để đạp xe vào Vinh tìm việc làm. Trưa lại tiếp tục điệp khúc cơm nguội. Tối, bữa nào may mắn có người thuê thì tối mịt tối mù mới về đến nhà. Khi đi con chưa dậy, về con ngủ rồi. Có những khi, suốt ngày cả nhà chẳng ăn chung với nhau bữa cơm nào”, chị Hoa cho biết.
Chẳng có thời gian để ăn với nhau bữa cơm thì lấy đâu ra thời gian mà chuẩn bị bữa cơm cho tươm tất. Cha mẹ đều đi kiếm tiền, con cái ở nhà tự mà nấu nướng lấy. Cũng chẳng có gì phức tạp, cá thì mua lúc cả chục con, kho mặn để đấy ăn dần, rau dưa thì trong vườn, ăn lúc nào thì hái lúc đó. Cũng chẳng cần biết ở nhà chúng có nấu nướng tử tế mà ăn không. Bữa ăn “tươm” nhất trong ngày có lẽ là bữa cơm tối nhưng sau một ngày mệt lả vì mưu sinh, ai cũng ăn quấy quá cho xong. Với đa số người lao động như chị Hoa, ăn chỉ để mà sống, mà lấy sức để ngày mai lại tiếp tục với công việc “cửu vạn”.
Có chăng thì ngày giỗ, Tết mọi người mới quây quần đông đủ quanh mâm cơm. Bữa ăn những dịp này cũng vì thế mà nhiều chất tươi hơn. Ngày thường chỉ mong cho no cái bụng là được rồi, làm gì có tiền, có thời gian mà bày biện món này, món nọ. Quanh đi quẩn lại cũng chỉ có canh với cà muối, cá biển kho mặn. Bữa nào sang hơn thì có ít lạng ba chỉ kho”, chị Mẫn ngồi bên “đế” vào.
Trưa quá Ngọ, bên cái quán nước nhỏ xíu trước Cổng bến xe Vinh, bà Tuyết cũng mang cặp lồng cơm ra ăn. Cái mê nón che trên đầu, tay phe phẩy cái quạt nan, bà “đánh vật” với bữa cơm khi mồ hôi ròng ròng trên má. Nhà cũng không phải là xa nhưng việc buôn bán không bỏ được, vậy là ăn cơm tại chỗ luôn.
Lúc nào vãn khách thì ăn cơm. Vừa ăn vừa tiếp khách vào mua hàng. Quán nước của bà Tuyết mở từ sáng tới tối khuya nên gần như việc ăn cơm ở nhà là điều hiếm hoi. Cứ đến bữa, người nhà thay nhau đưa cơm ra, nếu không bà tự chuẩn bị từ trước. Ăn cơm một mình mãi rồi cũng thành thói quen, chẳng còn thầy buồn nữa.
Bà Xoan (quê Can Lộc, Hà Tĩnh) sang Tp Vinh (Nghệ An) ở trông cháu cho con gái đi làm. Chị Yến - con gái bà làm công nhân trong một công ty nước ngoài đóng trên địa bàn. Tiền lương công nhân ít ỏi, chia cho 3 con người phải tằn tiện lắm mới đủ. Con gái bà tăng ca suốt. Sáng bảnh mắt là đi, có khi tối mịt mới về. Hai bà cháu ở nhà đánh vật với bữa cơm.
Sinh được 3 đứa con, 2 đứa làm thuê trong Nam, cô con gái út sang Tp Vinh làm công nhân, bữa cơm thành ra chỉ có hai ông bà. 4 năm trước, ông qua đời, từ đó một mình bà Xoan một mâm cơm. Mãi thành quen nên giờ sang ở với con gái cũng vậy. Nhưng thân già, lủi thủi ăn cơm một mình cũng chạnh lòng lắm!
Hoàng Lam