1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Những bóng hồng “sắt đá” của biệt động Sài Gòn

(Dân trí) - Thật khó tin khi những biệt hiệu “Chim sắt”, “Con thoi sắt” lại dành cho những người phụ nữ nhỏ nhắn, chân yếu tay mềm... Nhưng biệt hiệu ấy gắn với họ, bởi họ là Nữ biệt động Sài Gòn với những trận đánh kinh thiên động địa.

Nữ biệt động Sài Gòn năm xưa vốn là những cô sinh viên, học sinh, cô công nhân, chị bán rau... nhưng vì lòng yêu nước đã tự nguyện đứng vào hàng ngũ chiến đấu.
 
Trong buổi giao lưu tại nhà Văn hóa Phụ nữ TPHCM nhân kỷ niệm 83 năm ngày thành lập Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, “Chim sắt” Lê Thị Thu Nguyệt và “Con thoi sắt” Nguyễn Thị Mai đã chia sẻ với thế hệ trẻ những hồi ức về một thời lửa đạn.
 
Những chiến công lẫy lừng sống dậy trong buổi giao lưu cùng các nữ biệt động Sài Gòn
Những chiến công lẫy lừng sống dậy trong buổi giao lưu cùng các nữ biệt động Sài Gòn
 
Nguyễn Thị Mai (quê Quảng Nam), Đội biệt động 90C - người có biệt danh “Con thoi sắt”, ngày ấy là cô gái trẻ len lỏi khắp mọi nẻo đường để chuyển vũ khí và tài liệu từ các căn cứ Hóc Môn, Củ Chi, Đức Hòa... vào Sài Gòn.

Mai cải trang thành người bán rau, bên dưới xe rau là vũ khí, nhiều chuyến đi đã hoàn thành xuất sắc. Thế nhưng, năm 1964, Mai bị bắt trong một lần chuyển tài liệu và 30 kíp nổ. Bà nhớ lại: “Tui rất giỏi nói... "láo", tụi nó hỏi gì, tui cũng chỉ khai theo tờ căn cước giả”.

Nữ biệt động Sài Gòn có biệt danh “Con thoi sắt” Nguyễn Thị Mai

Nữ biệt động Sài Gòn có biệt danh “Con thoi sắt” Nguyễn Thị Mai

Oằn mình hứng chịu những kiểu tra tấn dã man như dốc ngược đầu xuống đất, bẻ xương, răng, đổ nước xà phòng rồi dí điện... cô gái gan dạ không hé miệng nửa lời. Sau những đòn tra tấn, Mai sốt triền miên và được đưa vào bệnh viện. Tại đây, bà được một bác sĩ giúp đỡ trốn thoát.

Sau thời gian điều trị ở căn cứ, “Con thoi sắt” tham gia đánh nhiều trận lớn trong chiến dịch chuẩn bị cho Mậu Thân 1968 của biệt động Sài Gòn như diệt tên ác ôn “Ba xe ngựa”, đánh Đề pô xe lửa (nơi có 20 đầu máy xe lửa diezel hiện đại nhất của Mỹ mới đưa qua bằng chiến hạm), đánh các tụ điểm thông tin bằng ổ bánh mì nhét thuốc nổ TNT...
 
Chim sắt Nguyễn Thị Thu Nguyệt ôn lại thời tuổi trẻ hào hùng đầy máu lửa

"Chim sắt" Nguyễn Thị Thu Nguyệt ôn lại thời tuổi trẻ hào hùng đầy máu lửa
 
Còn “Chim sắt” Lê Thị Thu Nguyệt nay đã ngoài 70, hiện sống tại quận Phú Nhuận (TPHCM). Ngày ấy, Nguyệt mới 19 tuổi, là thành viên đội biệt động 159. Năm 1963, bà được giao nhiệm vụ gài mìn nổ chậm vào máy bay Boeing 707 chở 80 cố vấn Mỹ. Đội biệt động đã gài người vào làm nhân viên điều khiển không lưu ở sân bay Tân Sơn Nhất, Thu Nguyệt đóng vai tình nhân của đồng chí này.
 
Bà kể lại: “Lúc đó tôi xấu hổ lắm, chân bước không nổi, mặt đỏ rần rần. Mình là con gái mà cặp kè với người đàn ông đã có vợ con. Gia đình buồn khổ mà tôi không thể nào thanh minh được…”. Nhưng Nguyệt đã vượt qua mọi thử thách bằng bản lĩnh của người nữ biệt động, diễn tròn vai, thường xuyên ra vào sân bay để bọn chúng quen mặt.

Ngày 25/3/1963, bà vào sân bay mang theo một gói thuốc nổ C4 cài đồng hồ hẹn giờ giấu trong chiếc túi du lịch, giống y hệt chiếc túi mà cố vấn Mỹ thường dùng. Khi khoác túi đến từ giã “người yêu”, Thu Nguyệt đánh tráo chiếc túi.

Theo kế hoạch, quả mìn sẽ nổ khi máy bay cất cánh 15 phút nhưng đồng hồ hẹn giờ bị trục trặc. Chiếc Boeing 707 hôm ấy chở 80 cố vấn Mỹ rời Sài Gòn sang San Francisco, quá cảnh sân bay Honolulu (Mỹ) mìn mới phát nổ, phá hỏng máy bay. Mặc dù các cố vấn thoát chết nhưng vụ nổ đã gây chấn động lớn cho quân đội Mỹ.

Có lần bà Nguyệt vận chuyển nụ xòe (một loại vũ khí) dưới đáy 2 thùng dầu phộng thì bị lính gác chặn lại tra xét. Bà toan giật nụ xòe để quyên sinh nhưng nhờ nhanh trí, bà giả vờ là con gái một tướng lĩnh cấp cao của Ngụy. Bọn lính cho qua và còn giúp bà khuân vác hai thùng dầu.

Qua những câu chuyện được các nhân chứng sống kể lại, các bạn trẻ hiểu hơn về cuộc chiến trong lòng địch, những cống hiến và hy sinh thầm lặng của các nữ biệt động năm xưa. Có những chuyến đi mà trước lúc khởi hành, họ được đồng đội “truy điệu sống”.

Bằng chất giọng Quảng Nam không còn mạnh khỏe, bà Nguyễn Thị Mai nhắn nhủ: “Đất nước, quê hương, thành phố thân yêu này, các cô, các chú, các bác đã hoàn thành nhiệm vụ rồi, bây giờ xin gửi lại các cháu. Hãy giữ gìn, xây dựng và bảo vệ đất nước để con cháu của các cháu cũng sẽ được hưởng hạnh phúc, sung sướng như các cháu được hưởng bây giờ”.

Hồng Nhung