1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nhọc nhằn người “báo tin” Xuân

(Dân trí) - Trong tiết trời buốt giá của đêm mùa đông Hà Nội, giữa những ngày rét mướt kỷ lục, phải để ý kỹ lắm chúng ta mới thấy ở một góc phố nào đó có những người đang co ro, ngủ gà ngủ gật đợi sớm mai rao bán mùa xuân cho thiên hạ.

Nhọc nhằn những chuyến đào tết báo tin xuân

Có lẽ Tết năm nay là một trong những cái Tết buồn nhất của những người trồng đào. Hầu hết các vườn đào đều “trắng hoa”. May mắn lắm, trên cả vựa đào Nhật Tân, La Cả… mới vớt vát được dăm cây đáng tiền. Và lẽ ra, với dăm cây ít ỏi ấy, họ chỉ cần ngồi tại vườn đợi khách chơi xuân đến “đấu giá” cũng “cháy hàng”. Nhưng nhiều người vẫn sắp xếp xe thồ xuống phố như thường lệ. Có bác đứng bán đào bên vỉa hè đường Láng thủ thỉ với tôi rằng thồ đào đi cho bớt nhớ chứ sang năm làng La Cả của bác, người ra xây hết chung cư, đô thị rồi… Buồn lắm!

Đã nhiều năm nay, đường Lê Văn Lương là điểm bán đào Tết quen thuộc của bác Nguyễn Văn Thành - làng đào Phú Thượng. Cắm “đại bản doanh” ở đây từ 20 tháng Chạp, khu đào của bác cũng chỉ lác đác đôi chục cây. Khách mua đào nhìn bác đứng chăm chút, tỉa tót từng bông nụ, cánh hoa mà cứ ngỡ bác lưu luyến chưa muốn bán cây. Cả hai vợ chồng chọn từ 3 sào trồng đào những cây tàm tạm nhất mới được ngần này để rong xe xuống phố.

 
Nhọc nhằn người “báo tin” Xuân - 1

Một người bán đào chờ khách mua

Nhà có ba đứa con, đứa con lớn đang học đại học năm đầu, hai đứa nhỏ cùng học cấp ba nên vườn đào không những là cái Tết mà còn là “niêu cơm” cho đến nửa năm tới của cả nhà. Chỉ vào những cây đào còn đang co ro trong từng cơn gió lạnh, bác chia sẻ: “Nhiều khách mua chê năm nay đào không nhuận sắc cũng phải. Thế nhưng để có được cây đào báo xuân như thế này là cả nhà chúng tôi còn phải thức nhiều hơn cả đào thức đấy. Từ sau mùa đào năm ngoái đã phải bắt đầu chăm chút uốn cành, tỉa lá. Không trồng cây nào mà công phu và vất vả như cây đào.

Nhìn vườn đào phải căn ngày để tỉa lá, thông thường sẽ phải tỉa lá trước khoảng trên dưới một trăm ngày. Đặc biệt là trận rét vừa rồi, đêm nào cả nhà cũng phải thay phiên nhau kiếm củi, kiếm rơm đốt lửa thức trắng cùng đào. Thế mới được như thế này chứ đâu phải dễ mà có được sắc xuân đón Tết”.

Thấy chúng tôi dừng xe, hai vợ chồng anh chị Loan Khánh đang thấp thỏm bên vườn đào hồ hởi chạy lại mời mua. “Tập kết” được khoảng chục cây đào tại gần vườn hoa Hà Đông là tất cả hi vọng cho cái Tết này của hai đứa con nhỏ đang đợi bố mẹ ở nhà. Hỏi ra mới biết, anh chị là những người trồng đào truyền thống tại làng đào La Cả. Vốn trước đây, ông bà có cả mẫu đất trồng đào thế nhưng do đô thị hóa mà đến nay, anh chị cũng chỉ còn được dưới một sào đào.

Những tưởng thế đã là ít ỏi. Thế nhưng, năm nay cả sào đào anh chị chăm chút suốt năm ròng “nín bặt” không hé ra dù chỉ một nụ nhỏ. Nỗi lo chồng chéo nỗi lo khi Tết sắp đến mà trong nhà vẫn sạch trơn không một đồng lẻ. Bàn đi tính lại, hai anh chị quyết định đi… buôn đào. Ngậm ngùi nói chuyện với tôi, chị Loan bảo: “Mấy đời ông bà mình vẫn tự hào với cây đào cho thiên hạ đi báo tin xuân. Vậy mà năm nay, mình đành ngậm ngùi đi buôn đào thiên hạ. Nói thế chứ đâu phải dễ, chẳng có đào mà buôn. Hai vợ chồng phải chạy khắp xóm cạy cục người làng người xóm để lại cho ít cây thồ ra đây gọi là “luộc” lại mong kiếm ít lãi lo tết cho con”.

Có điều, đào “luộc” lại nên giá vườn đào của chị thường đắt hơn các vườn đào bên cạnh. Vì thế mà khách mua thường lắc đầu bỏ đi. Đang dở câu chuyện, tôi thấy chị rơm rớm nước mắt bảo: “Hai vợ chồng tôi lo thắt ruột. Nhỡ ra mà lại không bán được hết chỗ đào này thì thành ra lại mang thêm nợ vào thân. Tất cả số tiền tích cóp và vay mượn thêm được hai chục triệu, hai vợ chồng dồn cả vào chuyến buôn này, không khéo lỗ mất”.

Bởi vậy năm nay dù thế nào hai vợ chồngchị cũng sẽ bám trụ “trận địa” này đến đêm ba mươi Tết, đợi bán hết đào mới thôi. Thắc mắc thời gian đâu sắm Tết? Chị cười: “Nhà quê chúng em đã có sẵn con gà. Đêm 30 về vào chuồng bắt làm thịt. Chỉ có tranh thủ trên đường dừng lại mua cho hai cháu cái áo mới là xong Tết anh ạ”.

Thấp thỏm nỗi lo…

Có lẽ đáng lo nhất là đào núi, đào cành. Đào cây dù có ế vẫn còn ngậm ngùi vớt vát trồng lại đợi năm sau, chứ đào núi mà ế thì chỉ có nước mất trắng.

 
Nhọc nhằn người “báo tin” Xuân - 2

Lều bạt dựng tạm ngủ qua đêm cùng những cành đào báo tin mùa xuân được sưởi ấm bằng đèn điện trong đêm giá rét.

Ròng rã suốt một tháng trước Tết đi lùng đào, anh Lê Thành Nam đã phải lặn lội lên tận Sơn La, tập hợp cả một đội thanh niên trai tráng người Thái vào rừng tìm đào núi. Đầu tư cho chuyến đào mấy chục cành trên đoạn đường Nguyễn Trãi đã đến gần 100 triệu đồng mà suốt mấy ngày qua, anh mới thu lại khoảng gần 30 triệu. Chị vợ anh đang đốt lửa sưởi ấm góp chuyện: “Từ hôm mang đào ra đây, chúng em dựng luôn lều bạt để ngủ. Anh ấy lo lắng quá cộng với trời rét thành ra ốm đấy. Em bảo anh ấy đêm đến thuê cái nhà trọ bình dân nào mà ngủ để mình em trông đào cho mà anh ấy nhất định không nghe”.

Nhìn “đại bản doanh” của hai vợ chồng anh chị ngổn ngang xoong nồi, bát đĩa và một bó củi dự phòng bên cạnh lều bạt, tôi tự hỏi không biết như vậy có đủ để anh chị chống chọi với cái giá rét kỷ lục đêm Hà Nội hay không?

Nhọc nhằn người “báo tin” Xuân - 3
Vợ chồng chị Loan Khánh thấp thỏm bên hàng chục cây đào lộc với nỗi lo...mất tết!

Dựng gần chục cành đào phờ phạc vì gió cạnh Cầu Đen - Hà Đông, anh Mai Xuân Hội từ Hòa Bình xuống vẫn còn chưa hết ngỡ ngàng vì sự chen lấn của thành phố. Chỉ những cành đào “bố” to lớn phải mấy người khiêng, anh bảo ra giá hơn 2 triệu mà chẳng ai mua nên phải chuyển từ đường Khuất Duy Tiến về đây. Tưởng tôi không tin, anh thanh minh: “Công bọn em đi chặt rồi xe chở đã mất ngần ấy, giờ chỉ mong bán được để về thôi”.

Kể về hành trình của những cành đào “bố” này, anh bảo cả 6 anh em trai trong nhà dắt cơm nắm đi vào rừng ăn sương nằm gió suốt 10 ngày. Mang được đào ra khỏi núi thì 4 anh em ốm nằm liệt luôn. Chỉ còn hai anh em phải gắng sức đưa về thành phố bán cho kịp Tết.

Thấy chúng tôi chỉ hỏi mà không mua, anh Hội thất vọng nhưng vẫn gắng gượng tươi cười nhờ có ai muốn mua thì chỉ giúp. Trò chuyện với những người "báo tin" Xuân, thấy chút mặn mòi nơi khóe mắt.

Anh Thế - Quốc Đô