Nhọc nhằn nghề lặn hến
(Dân trí) - Mấy con sông nhỏ của thành phố Huế dạo gần đây đặc quánh những đụn rác vô tội vạ, nước sông đen kịt, hôi hám. Cuộc sống của những người dân nghèo, sống bám vào dòng sông vì thế mà bị ảnh hưởng nặng nề. Những người chuyên lặn hến đáy sông lại bớt những ngày vui…
Ghé sông An Cựu, xuống chiếc thuyền câu bé nhỏ của anh Xã, chị Hoa - đôi vợ chồng có “thâm niên” 13 năm trong nghề lặn sông mò hến - nghe anh chị than thở: “Khổ lắm, làm cái nghề ni cực mà chẳng đủ ăn, ngày mô cũng giăng câu thả lưới, dìm mặt xuống đáy sông mà vẫn bữa no, bữa đói”.
Nói dứt, anh Xã cởi áo nhảy tùm xuống sông, mất hút trong dòng nước. Chị Hoa ở trên giữ thuyền khỏi trôi, xóc lại mớ ốc hến vừa mò được. Chừng vài chục phút, anh Xã ngoi đầu lên, ngực lấm lem bùn, đưa cho vợ chiếc chậu nhôm chứa một “hỗn hợp” đặc quánh gồm bùn, hến, ốc,… rồi phồng mồm lấy hơi lặn tiếp.
Trên ghe, công việc của chị Hoa là cần mẫn ngồi phân loại, rửa sạch “sản phẩm” để chuẩn bị cho buổi chợ chiều.
Cứ như thế, anh Xã ngoi lên lặn xuống dăm sáu lần nữa mà rổ hến của chị Hoa vẫn chưa đầy. Hai anh chị lại kéo ghe bơi vào chân cầu Phú Cam, nơi mà anh gọi là “mỏ hến”.
Trong lòng chiếc ghe được vá chằng vá đụp những mảnh phên nứa, hai đứa con của vợ chồng anh Xã ê a đánh vần. “Đứa lớn năm nay lên chín tuổi đang học lớp 2 trường tình thương trên phường An cựu, còn đứa nhỏ mới lên năm, ban đêm cũng theo chị nó đi học tại lớp học tình thương”, chị Hoa cho biết.
Anh Xã tiếp lời: “Đời mình khổ rồi, nghèo không có tiền cho con cái học đàng hoàng nhưng đêm nào cũng cố gắng dẫn hai cháu đến trường tình thương học chữ, dù thế nào cũng không để các con thất học, may ra thì mới thoát được cái nghiệp mò lặn của ba mẹ”.
Ở một mái ghe khác, hai em Tâm, Thoa cũng chăm chỉ học bài. Thoa hồn nhiên: “Ba mẹ cháu nghèo lắm, nhưng cả hai chị em vẫn được đến trường, sáng ra ba đưa anh em lên bờ đi học, trưa lại ghé ghe đón về, cháu đang học lớp 5 tại trường tiểu học Thủy Biều”.
Gia đình anh Trung vất vả hơn, có một ngôi nhà che chắn tạm bợ sát khu ổ chuột sông An Cựu, lấy làm nơi các con anh nghỉ ơi, ăn uống buổi trưa để chiều đi học tiếp. Còn vợ chồng anh đi mò hến suốt ngày.
Anh Kiên, một “tay” mò hến ở sông Như Ý, bùi ngùi tâm sự “Mỗi ngày đi lặn cũng kiếm được mươi lăm ngàn bạc, cộng thêm mớ cá cũng tạm đủ cho bữa cơm cả nhà. Mùa đông về lạnh nên ốc hến hiếm, hai vợ chồng tranh thủ lên phố tìm chân phụ hồ hoặc rửa bát cho quán cơm. Mùa lũ về thì giăng câu thả lưới. Trước đây hai vợ chồng chủ yếu làm cá nhưng mấy năm ni do nuớc sông bẩn nên cá tôm cũng ít dần, chỉ có ốc hến là vẫn còn nhiều”.
Anh Xã vừa sột soạt gãi tấm lưng đầy mẩn đỏ, vừa tiếp chuyện: “Sông ô nhiễm quá nên cá tôm hiếm dần, nhưng hến thì lại khá nhiều, con lại to. Mỗi hôm lặn cũng được tầm 7 ký, đem ra chợ bán cũng kiếm đủ tiền đong gạo”.
“Tụi tui biết là bẩn, nhưng cũng phải ráng chịu đựng vì đó là cái nghề. Đâu chỉ có bẩn, nói thiệt có hôm đi mò, vơ thấy cục gì tròn tròn, giơ lên thì chết khiếp khi trong tay mình là một quả lựu đạn tịt”, anh Xã nói vui, cái nguy hiểm chết người ấy, đôi khi lại là cái thú vị của nghề.
Thái Bá Dũng