1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nhọc nhằn chở Tết lên non

(Dân trí) - Cuối năm mất mùa, đường sá sạt lở, hàng hóa khó vận chuyển đến nơi, tất cả như dự báo cho người dân nơi biên giới Tây Giang (Quảng Nam) về một cái Tết buồn. Mùa xuân vẫn còn chưa tới nơi này.

Nỗi lo đón Tết

 

Năm nay thời tiết bất thường cộng thêm trận lũ lớn trong tháng 11 vừa qua nên mùa màng thất bát, đường sá sạt lở nặng nề làm cho người dân ở các xã A Xan, Ch'ơm, Tr'hy, Gary (Tây Giang) có nguy cơ thiếu đói. Đặc biệt ngày tết đã cận kề mà việc vận chuyển lương thực, hàng hóa lên những nơi reo cao này lại gặp rất nhiều khó khăn.
 
Nhọc nhằn chở Tết lên non - 1

Cung đường bầm dập do lũ gây sạt lở

Nhọc nhằn chở Tết lên non - 2

Các xe ôm đang chờ trung chuyển hàng hóa qua cung đường bầm dập lên các xã biên giới.
 

Anh Blinh Hân người dân của xã Tr'hy cho biết: “Người dân ở đây chủ yếu bám vào nương rẫy và vài đám ruộng bậc thang nhưng đợt lũ vừa rồi đã làm sạt lở và vùi lấp gần hết, phần còn lại thì bị ngập úng không thu hoạch kịp, lúa gạo dự trữ cũng vơi đi rồi nên tết này không được vui là cái chắc!”.

 

Chỉ còn chưa đầy 10 ngày nữa là đến tết Nhâm Thìn, đường sá lên các xã biên giới của huyện Tây Giang chưa khắc phục xong nên lương thực, thực phẩm phục vụ tết khó có thể vận chuyển kịp thời. Người dân Cơ tu đang nóng lòng chờ đợi.

 

Chủ tịch xã Ch'ơm- Ploong Năng chia sẻ: “Chưa bao giờ người dân xã mình lại lo lắng như năm ni, trận lũ đi qua làm cho ruộng vườn tan hoang nên hộ nghèo, hộ thiếu đói cũng tăng lên. Tết đến sau lưng mà hầu hết các hộ gia đình trong xã chưa sắm được cái chi để ăn tết hết. Rứa là tết ni không vui vẻ chi rồi”.

 

Nhìn những đứa trẻ Cơ tu áo quần lấm lem, rách rưới, già làng Alăng Lăng buồn buồn: “Mình chịu khổ quen rồi nhưng mấy đứa con nít háo hức đón tết lắm, bọn hắn đòi mua quần áo mới, mua bánh kẹo ăn tết nhưng có được mô. Tiền mô mà mua, ai bán mà mua. Giàng không thương làng mình rồi”.
 
Nhọc nhằn chở Tết lên non - 3

Lương thực thực phẩm...

Nhọc nhằn chở Tết lên non - 4

... mặt hàng phục vụ tết...
 
Nhọc nhằn chở Tết lên non - 5
... và hàng mã tìm đường lên với bà con dân tộc ngày tết.

 

Nhọc nhằn vận chuyển hàng tết

 

Đường lên các xã biên giới Tây Giang tắc nghẽn do sạt lở đến nay vẫn chưa khắc phục xong. Các loại phương tiện vận tải lớn hầu như không thể qua lại được. Việc vận chuyển hàng tết bằng xe thồ, cõng chuyến đã phát huy tác dụng nhưng cũng lắm nhọc nhằn.

 

Anh Huỳnh Đăng trong đội xe thồ thị trấn Tây Giang cho biết: “Anh em xe thồ bọn tui ở đây chủ yếu là chuyên chở hàng hóa chứ chở khách được bao nhiêu người đi đâu. Năm nay đường sá như vậy nên anh em chúng tôi thấy ngán ngẩm nhưng vì nhu cầu phục vụ các mặt hàng thiết yếu ngày tết của người dân nơi đây nên khó khăn mấy cũng phải cố gắng”.
 
Nhọc nhằn chở Tết lên non - 6
Bằng mọi giá chuyển hàng tết ên vùng cao

 

Phía sau yên xe chiếc Win 100 của anh Đăng là những mặc hàng thực phẩm thiết yếu như muối, dầu ăn, nước mắm, bắp cải, cà chua... Còn trên chiếc xe Dream của chú Nguyễn Hùng là một cuộn chiếu được bó lại gọn gàng, phía trước là một bao hương, đèn cùng cái bơm tay cũng được bó buộc chắc chắn. Theo lời chú Hùng thì những ngày cận tết giá xe ôm, giá các mặt hàng chuyển lên bán tại các bản làng heo hút giá cao gấp 3 gấp 4 dưới xuôi.

 

Đoạn đường từ xã Lăng lên các xã khu Bảy huyện Tây Giang được anh em xe thồ đặt cho cái tên mới là “cung đường bầm dập”. Bởi sau trận lũ hồi tháng 11 đường sá bị sạt lở nghiêm trọng, trời mưa nước đọng từng vũng sinh sình lầy nên nhiều đoạn đường không thể đi mà phải thay phiên nhau đẩy, bùn đất ngập kíp bánh xe. Rồi nhiều đoạn đường không thể đi được thì trung chuyển bằng gùi bằng gánh. Đưa được chuyến hàng đến nơi thì cũng “trào mồ hôi sôi nước mắt”...
 
Nhọc nhằn chở Tết lên non - 7
Người dân mong chờ hàng tết

 

Chị Bloong Thị La xã Ch'ơm nói: “Nếu không có mấy bác xe thồ thì dân mình không biết làm răng sắm tết hết. Quen biết nên họ cho kí nợ đến khi con heo nhà mình lớn mới bán trả nợ cũng được. Rồi dân mình cũng đổi được mấy buồng chuối, vài kí măng khô cho họ để lấy hàng hóa mà lo ăn tết. Có khi mấy chú xe thồ giúp dân mình chở người đau ốm đi cấp cứu cho kịp thời nữa”.

 

Đông Phước