1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nhớ nhà báo Hữu Thọ

(Dân trí) - Trong ký ức của ông Nguyễn Túc, nhà báo Hữu Thọ ngoài đời giản dị, khiêm tốn bao nhiêu thì trang viết của ông lại đầy lửa, sắc bén và thâm thúy bấy nhiêu.

“Người góp công lớn “chấm dứt” khoán độ

Ông Nguyễn Túc -   Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn các vấn đề văn hóa xã hội của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chia sẻ, với ông, nhà báo Hữu Thọ không chỉ là một người anh em thân thiết mà còn là một người đồng nghiệp trân quý, một tấm gương nhân cách, bản lĩnh đặc biệt một nhà báo suốt đời đấu tranh vì lẽ phải.

Ông Túc chia sẻ: “Tôi nhận được thông tin về sự ra đi của anh Thọ qua một người bạn, chúng tôi cùng lặng người đi trong điện thoại. Tôi biết và thân thiết với anh Thọ từ khi anh còn công tác ở Thành ủy Hải Dương. Sau này, hai anh em có dịp gặp gỡ và làm việc cùng nhau nhiều hơn khi cùng công tác trong lĩnh vực văn hóa – tư tưởng. Khó mà diễn tả được cảm xúc của tôi lúc này, một cảm giác giác hụt hẫng và đau buồn…”.

Trong ký ức của ông Nguyễn Túc, nhà báo Hữu Thọ ngoài đời giản dị, khiêm tốn bao nhiêu thì trang viết của ông lại đầy lửa, sắc bén và thâm thúy bấy nhiêu.

Ông Nguyễn Túc nhớ lại, nhà báo vốn được gọi vui là "người hay cãi" này lúc nào cũng tự làm khó bản thân với những đề tài gai góc, nhạy cảm. Có lẽ, vì chưa bao giờ thôi đặt mình ở vị thế người “hay lo”, “hay cãi” tìm cách phản biện, đấu tranh với tiêu cực đã đưa Hữu Thọ đến với những thành công trong sự nghiệp của mình và trở thành một trong những nhà báo có nhiều đóng góp cho tiến trình đổi mới và phát triển của đất nước.

Ông Túc cho biết, chính nhờ loạt bài phân tích sâu sắc về thực trạng quản lý HTX, về cách làm ăn kiểu đánh kẻng khiến năng suất lúa suốt 20 năm dẫm chân tại chỗ của Hữu Thọ đã góp phần “đưa” Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh xuống cơ sở kiểm tra để từ đó “dứt khoát” với khoán độ, đưa đất nước vững bước trên con đường đổi mới: “Phải nói khi ấy, Hữu Thọ gần như là một nhà báo duy nhất dám can đảm, đứng thẳng, nói lên thực trạng bấy giờ một cách mạnh mẽ, thuyết phục.

Sự thành công của Hữu Thọ trở thành niềm tự hào chung của báo giới bấy giờ. Sau này, khi có dịp gặp lại anh Hữu Thọ, tôi mới hỏi tại sao không làm nông nghiệp mà anh lại có những bài viết sâu sắc và thực tế đến thế thì Hữu Thọ mới trả lời rằng, nhà báo cần có trái tim đồng cảm với nông dân và cần cả những giọt mồ hôi trên đồng ruộng”, ông Túc nói.

 

81-1708-99e81
Nhà báo Hữu Thọ - nhà báo cả đời đấu tranh vì lẽ phải, chính nghĩa (Ảnh: Tư liệu)

“Không bao giờ khoan nhượng với cái xấu, tiêu cực trong xã hội”

Không chỉ là một cây bút sắc bén mà ngoài đời, Hữu Thọ cũng là một người thẳng thắn, cương trực “dám nói, dám làm”. Ông Túc kể, trong những cuộc họp, tổng kết báo cáo của các ban nghành, lãnh đạo, cứ lần nào có sự tham dự của nhà báo Hữu Thọ là hội trường khi ấy lại được dịp nóng lên với những chất vấn, mổ xẻ thực tế.

Còn nhớ, trong một cuộc họp ở Bộ Lâm Nghiệp, khi nghe những trang báo cáo thành tích “dài dằng dặc” của lãnh đạo ngành mà tuyệt nhiên không thấy một chút “khuyết điểm” nào, nhà báo Hữu Thọ đã mạnh mẽ đứng lên thẳng thừng phê bình những yếu kém trong quản lý dẫn đến tình trạng quan liêu, lãng phí. Nhiều lãnh đạo khi ấy chỉ biết “tái mặt”, “cúi đầu”. Một câu chuyện nhỏ nhưng theo ông Túc là một minh chứng rõ rệt cho thấy quan điểm sống, nhân cách không bao giờ khoan nhượng trước cái xấu, cái tiêu cực trong xã hội của ông Hữu Thọ.

Nhà báo Nguyễn Minh Phong – Phó ban tuyên truyền của báo Nhân dân cũng xúc động chia sẻ, với ông, nhà báo Hữu Thọ không chỉ là một tài ba, một cây viết suất sắc mà còn là một người lãnh đạo cương trực thẳng thắn, dám đấu tranh, phản biện. Hữu Thọ luôn dùng ngòi bút của mình để viết lên những câu chuyện đời, chuyện người một cách thâm thúy, sâu sắc.

Trước đây khi còn công tác ở vị trí Tổng biên tập Báo Nhân dân hay cả khi đã về hưu, nhà báo Hữu Thọ vẫn không ngừng viết, ông là cây bút chủ lực trong nhiều chuyên mục và trên các diễn đàn. Những bài báo của ông đôi khi chỉ là những câu chuyện ngắn, nhưng lại đề cập đến nhiều vấn đề lớn, có chất thời sự, chua cay. Nhà báo Minh Phong cho rằng, Hữu Thọ có khả năng thời sự hóa những chuyện đã cũ và vĩnh cửu hóa những chuyện tưởng như là thời sự, có những chuyện vụn vặt hàng ngày mà chúng ta thấy rồi bỏ qua, nhưng Hữu Thọ vẫn có thể dựng chúng thành một bài báo đọc không nhạt, ăm ắp dòng chảy cuộc sống.

Nói về nhà báo Hữu Thọ, nhà báo Minh Phong xúc động cho biết, chính những bài báo và quan điểm làm nghề của Hữu Thọ đã truyền cảm hứng rất nhiều để ông viết lên tác phẩm “chống tham nhũng trong báo chí”: “ Tôi tâm đắc nhất với câu nói của nhà báo Hữu Thọ khi nói về định hướng làm nghề của người cầm bút: Mỗi bài báo như một thông điệp có thông điệp yêu thương, có thông điệp căm ghét nhưng tất cả phải xuất phát từ tính nhân văn, tính xây dựng…. Đây cũng chính là câu nói được tôi đưa vào phần mở đầu trong một tác phẩm viết về chống tham nhũng gần đây và tôi luôn coi điều này là một chuẩn mực mà bất cứ người làm báo nào cũng cần phải hướng tới khi đặt bút viết”.

Không chỉ nổi tiếng với những tác phẩm báo chí có tính phản biện, đấu tranh chống lại những vấn đề tiêu cực trong xã hội mà nhà báo Hữu Thọ còn nổi tiếng với những câu nói về nghề báo. Trong lời đề cuốn sách “Người hay cãi”, ông viết: "Tôi không biết viết thế nào để thành công vì mỗi bài báo là một sự thử thách nhưng tôi chắc chắn bài báo sẽ thất bại nếu làm vừa lòng mọi người”. Trong “Mắt sáng, lòng trong, bút sắc”, cuốn sách được coi như giáo trình trong các trường báo chí, nhà báo Hữu Thọ đúc kết: “Làm báo trung thực, công bằng, đúng mực thì sẽ được tin cậy. Sự tin cậy của xã hội là phần thưởng cao quý nhất đối với người làm báo".

Nhà báo Hữu Thọ tên thật là Nguyễn Hữu Thọ, sinh ngày 8-1-1932 tại Hà Nội. Ông nguyên là Tổng Biên tập Báo Nhân Dân; Chủ nhiệm Khoa Báo chí - Học viện Báo chí và Tuyên truyền; nguyên ủy viên Trung ương Đảng các khóa VII, VIII; ủy viên Ủy ban Đối ngoại Quốc hội các khóa IX, X; nguyên Trưởng Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương (1995-2001); nguyên trợ lý Tổng Bí thư (2001-2006); nghỉ hưu từ năm 2007.

Nhà báo Hữu Thọ từng được trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng nhất, Huân chương Lao động hạng nhất, Huân chương Độc lập hạng nhất, Huy chương “Chiến sĩ văn hóa”, Huy chương “Vì sự nghiệp báo chí Việt Nam”...

Hà Trang