1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Thanh Hóa:

“Nhịn” quạt giữa mùa hè vì giá điện quá cao!

(Dân trí) - Hàng trăm hộ dân trên địa bàn xã Mậu Lâm (huyện Như Thanh, Thanh Hóa) không dám dùng ti vi, tủ lạnh. Những hộ nghèo không dám dùng điện giữa mùa hè vì giá điện quá cao.

Thấp thỏm lo tiền điện

Thông tư 17/2012/TT ngày 29/6/2012 của Bộ Công thương quy định, giá bán điện mức thang từ 0 - 100kWh là 1.204 đồng/kWh. Thế nhưng người dân xã Mậu Lâm từ lâu đã phải chịu mức giá 2.200 đồng/kWh. Những gia đình có thêm máy xát gạo bị quy vào điện kinh doanh với giá 3.200 đồng/kWh.

Trạm biến áp của xã Mậu Lâm bị xuống cấp nghiêm trọng
Trạm biến áp của xã Mậu Lâm bị xuống cấp nghiêm trọng

Thực trạng trên đã tồn tại khá lâu khiến người dân nơi đây e ngại dùng điện, dù chỉ để phục vụ những nhu cầu thiết yếu nhất. Nhiều hộ kinh tế eo hẹp không dám sử dụng ti vi, tủ lạnh, nồi cơm điện... Những hộ nghèo thậm chí không dám dùng cả quạt điện, dù giữa mùa hè nắng gắt.

Ông Vũ Duy Khương nhẩm tính: “Gia đình tôi tháng nào tiết kiệm hết mức cũng hơn hai trăm nghìn tiền điện. Mấy tháng nay không dám nấu cơm bằng nồi cơm điện, không dám dùng tivi. Mấy ông bà nhà tôi còn dùng mo cau làm quạt chứ không dùng quạt điện nữa. Các cụ bảo một ngày không làm ra đồng nào mà cứ ngồi quạt thì sốt ruột lắm”.

Cũng theo ông Khương thì năm 2004, người dân xã Mậu Lâm phải đóng mỗi hộ 860.000 đồng để cùng nhau đóng góp đưa điện về thôn. “Sau đó điện được giao cho HTX dịch vụ điện Thanh Lâm quản lý, rồi họ tự đưa ra giá điện, chẳng có thông báo hay hóa đơn chứng từ gì cả, cứ đến tháng họ đến xem công tơ rồi cứ thế lấy tiền” - ông Khương bức xúc.

Chủ nhiệm HTX điện “tác oai tác quái”?

Không chỉ khốn đốn với mức giá điện quá cao, người dân xã Mậu Lâm còn bất bình với kiểu cách làm việc “tác oai tác quái” của ông Nguyễn Ngọc Chúc, Chủ nhiệm HTX điện Thanh Lâm.

Theo người dân phản ánh, trong quá trình đi kiểm tra điện, thấy nhà nào dùng hết ít số điện so với số đồ điện trong nhà là họ vu ăn cắp điện, rồi cho cắt điện luôn, không lập biên bản hay thông báo gì; khi nào chủ hộ mang 1 triệu đến nộp mới được đóng điện trở lại.

Cuối tháng 12/2012, trạm biến áp bị cháy attomat và cầu dao, cả 4 thôn trong xã bị mất điện trong mấy ngày liền. Người dân kiến nghị thì HTX không khắc phục mà bắt mỗi hộ phải đóng 15.000 đồng mới sửa.

Anh Vũ Trọng Kỳ, thôn Đồng Nghiêm, nói: “Chúng tôi rất bức xúc nhưng kêu không thấu, cuộc họp nào chúng tôi cũng ý kiến nhưng chẳng thấy biến chuyển gì cả. Họ thu tiền điện hàng tháng với giá cao ngất ngưởng nhưng hư hỏng cái gì, dù là nhỏ nhất, chúng tôi cũng phải bỏ tiền ra đóng góp để sửa chữa. Tiền thu thì không có biên lai, hóa đơn”.

Ông Nguyễn Ngọc Chúc, Chủ nhiệm HTX dịch vụ điện Thanh Lâm
Ông Nguyễn Ngọc Chúc, Chủ nhiệm HTX dịch vụ điện Thanh Lâm

Qua tìm hiểu được biết, năm 1997, khi xã chưa có điện thắp sáng, UBND xã Mậu Lâm đã phát động người dân đóng góp xây dựng đường điện. Từ năm 1997 đến năm 2004, toàn xã huy động nhân dân đóng góp được tổng cộng 1,2 tỷ đồng xây dựng hoàn chỉnh đường điện. Năm 2004, HTX dịch vụ điện Thanh Lâm được thành lập để tiến hành quản lý đường điện trong xã. Kể từ khi tiếp nhận đường điện đến nay, HTX không hề đầu tư nâng cấp lại đường dây khiến mạng lưới điện bị xuống cấp, hao hụt điện năng lớn.

Ông Nguyễn Ngọc Chúc, Chủ nhiệm HTX dịch vụ điện Thanh Lâm phân trần: “Do đường dây nơi đây đã xuống cấp nghiêm trọng nên chúng tôi phải cộng công tơ tổng lại rồi chia ra, sau đó tính giá điện cho người dân, do hao tải đường dây lớn nên giá điện mới bị đẩy lên cao”.

Khi được hỏi về việc thu tiền phạt, tiền điện hàng tháng đều không có hóa đơn, phiếu thu, ông Chúc nói chỉ ghi vào... sổ theo dõi. Cũng theo ông Chúc, từ đầu năm đến nay HTX đã phạt 4 trường hợp "ăn cắp điện" với số tiền phạt hơn 5 triệu đồng. Số tiền đó dùng làm gì, chạy vào túi ai, không ai rõ.

Được biết, từ năm 2010 đến nay, HTX dịch vụ Điện Thanh Lâm không có giấy phép hoạt động điện lực, không ký lại hợp đồng với ngành điện mà vẫn hoạt động kinh doanh điện; không có hợp đồng mua bán điện đến các hộ dân, không có hóa đơn mua bán điện, không có sổ sách hạch toán kinh doanh theo quy định…

Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Hữu Hòa, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Mậu Lâm, cho biết, xã đã có ý kiến lên cấp trên, chủ trương bàn giao mạng lưới điện của xã cho ngành điện quản lý từ năm 2008, nhưng đến nay chỉ có một trạm được ngành điện tiếp nhận. Ba trạm còn lại xã đang giao cho HTX dịch vụ điện Thanh Lâm quản lý. Việc HTX có nhiều sai phạm trong công tác quản lý cũng đã được thanh tra huyện làm rõ. Tuy nhiên, hiện nay ngành điện thì không nhận, còn địa phương không ai có trình độ và năng lực để quản lý, nên xã vẫn giao cho HTX dịch vụ Thanh Lâm (!).

Cũng theo ông Hòa, việc HTX tự ý cắt điện của dân xã có biết và đã nhắc nhở ông Chúc. Còn việc có phạt tiền hay không xã... không rõ.
 
Ông Nguyễn Hoàng Ngọc, Trưởng Phòng Công thương huyện Như Thanh, nói: “Đây là việc mà chúng tôi đang khó xử lý, không chỉ Mậu Lâm mà đang còn 13 xã chưa được ngành điện tiếp nhận với 20 trạm. Huyện Như Thanh cũng đã nhiều lần đề xuất ngành điện, đã có nhiều cuộc họp diễn ra giữa các ngành liên quan để đi đến thống nhất việc bàn giao, nhưng đến nay việc tiếp nhận của ngành điện rất chậm”.

“Việc HTX dịch vụ điện Thanh Lâm thu với giá cao cũng có lý do, chúng tôi đã kiểm tra và được biết do đường dây hao tải quá lớn, có nơi lên đến 42%, bộ máy hoạt động của HTX cồng kềnh, việc cải tạo tự tiện không có kế hoạch nên chi phí lớn. Chúng tôi cũng đã nhiều lần nhắc nhở ngành điện không nên tăng giá điện tùy tiện, nên hạn chế đến mức thấp nhất. Nhưng nếu ngành điện không sớm tiếp nhận thì cũng khó, bởi HTX này cũng không còn mặn mà với điện nữa”, ông Ngọc nói.

Nguyễn Thùy