Nhịn đói thi đại học
(Dân trí) - Có những điều tưởng chừng chỉ còn là dĩ vãng. Nhưng không ngờ, nó vẫn hiện diện trong những ngày thi đại học năm nay. Ở trường ĐH Sư phạm TPHCM, chúng tôi gặp thí sinh Bích Thị Xuân, mới hay rằng, em đã nhịn đói 3 ngày trong đợt thi khối A (3-5/7).
3 ngày không ăn cơm
Một mình đón xe vào Nam, Bích Thị Xuân, quê ở Bình Thuận gắng vượt qua nỗi sợ vùng đất lạ, nỗi nhớ nhà vây quanh. Cầm 500 ngàn dằn túi, Xuân được giới thiệu vào một chỗ trọ bên cạnh điểm thi ở trường THCS Hoa Lư (Q.9, TPHCM). Trong 6 ngày từ 30/6 đến 6/7/2009, Xuân chỉ phải trả 200 ngàn đồng. Nhưng bấy nhiêu cũng là quá nhiều với em. Liên tục trong 3 ngày trước buổi thi đầu tiên, em nhịn đói. Những người cùng phòng trọ thấy em học sinh này cứ nằm nhà suốt ngày, không ăn gì cả nên thấy lạ.
Rồi cô chủ nhà biết chuyện, hỏi vì sao em không ăn gì? Em nói tránh bảo đi xe khó chịu nên không ăn được. Nhưng thật ra, em sợ không đủ tiền cho đợt thi lần sau. Đến ngày thứ 4, em được cô chủ nhà mời cùng ăn chung bữa cơm. Thức ăn có thịt nhưng thiếu cá, món em vẫn thường ăn ở nhà. Vậy là em múc cơm chan nước tương. Sống ở vùng biển, Xuân không biết ăn thịt. Cả nhà em cũng vậy.
Bích Thị Xuân đang chờ thi ĐH đợt 2, vào trường ĐH Sư phạm TPHCM
Em chăn bò nuôi anh chị đi học
Làng của Bích Thị Xuân ở xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Làng Chăm với nắng nóng và đói nghèo quanh năm. Mẹ của Xuân đến mùa thì mót lúa. Bố ngày ngày đi chiếc xe đạp cà tàng ra biển cách nhà 1km để bán sức lao động cho những chủ thuyền đánh cá.
Khi còn tờ mờ sáng, bố Xuân ra biển, chờ chuyến tàu nào về thì người ta thuê khiêng cá cân ký. Mỗi ngày cũng được 30-40 ngàn đồng. Số tiền này trang trải cho cả gia đình, với 7 miệng ăn. Vậy nhưng, 5 đứa con thì 3 đứa vẫn còn cơ hội mang con chữ trên vai. Có đứa em áp út nghỉ học, đi chăn bò kiếm tiền lo cho mấy anh chị đi học.
Nhà có sổ hộ nghèo. Vậy nên được cấp cho 2 con bò. Đứa em của Xuân nghỉ học để có thời gian chăn mấy con bò ở nhà, rồi chăn thêm bò cho người ta. Tiền công trả một lần, 1 năm 1 triệu. Vậy là cũng đỡ. Nhà có 2 chiếc xe đạp. Xuân đi học xa nên ưu tiên một chiếc. Chiếc còn lại người cha đi ra biển. Mấy đứa em lội bộ đến trường.
Nhà cũng có ruộng, ít thôi nhưng chẳng ai làm. Vì không có tiền mua phân, mua giống. Cả làng ai cũng có ruộng thì làm ruộng. Chỉ riêng nhà Xuân, bố mẹ “đợ” lại (cho thuê) cho người ta làm với cái giá 500 ngàn đồng/năm. Lẽ ra, năm nay đã hết thời hạn cho “đợ” nhưng để có chút tiền cho Xuân vào TPHCM đi thi, mẹ Xuân lại cho thuê tiếp năm nay nữa.
Làm công nhân gửi tiền về cho mẹ
Là chị hai trong gia đình, thương em, thương mẹ, ngay từ hè lớp 10, Bích Thị Xuân nài nỉ mẹ cho em vào Nam làm công nhân. Chẳng quen biết ai, chẳng rành đường đi, Xuân tìm anh chị làm công nhân trong xã. Ai cũng bảo rằng: “Công nhân khổ lắm, em làm không nổi đâu”. Xuân chỉ đáp: “Để em làm thử xem sao”. Vậy là vào Bình Dương làm công nhân giày với mức lương 800 ngàn đồng/tháng.
Mấy tháng hè lớp 11, làm công nhân may với mức lương 1,2 triệu đồng/tháng. Ngày ăn cơm công ty, chủ nhật làm gói mì tôm. Em mang về cho mẹ 3 triệu đồng lo sách vở quần áo cho mấy đứa em. Những ngày tháng làm công nhân đối với Xuân sao dài dằng dặc, ngày nào cũng nhớ nhà, ngày nào cũng đếm thời gian cho cuối tháng lãnh lương. Xuân cũng nói một câu mà ngày trước anh chị trong xã em cũng đã nói: “Làm công nhân khổ lắm”.
Và Bích Thị Xuân chọn con đường vào đại học. Em thi vì ước mơ làm cô giáo. Đợt 1 em thi ngành Quản lý đất đai, ĐH Nông lâm TPHCM. Đợt 2 (9-10/7/2009) sắp tới, em thi ngành sư phạm Địa lý, ĐH Sư phạm TPHCM. Tôi hỏi: “Nếu em rớt đại học thì sao?”. Xuân trả lời: “Em sẽ lấy điểm để vào học trường Dự bị đại học. Học sư phạm còn được miễn phí tiền học. Học cao đẳng hay trung cấp không có tiền đóng học đâu”.
Những ngày chuẩn bị cho kỳ thi, Xuân được các anh chị sinh viên cùng phòng cho được 10 gói mì tôm. Em góp gạo nấu cơm chung với các anh chị. Bát cơm chan canh mì tôm. Trường thi sao xa quá, em nói. Vừa có xong chỗ trọ, em đã thử đi bộ tới điểm thi để hôm sau khỏi bị lạc đường.
Trước ngày đi thi, mẹ mua cho em cái sim để nhờ điện thoại người khác gọi về cho mẹ. Nhớ mẹ quá, vậy là gọi gần hết tiền trong sim điện thoại luôn. Nhớ nhà, nhớ mẹ nhưng Xuân không khóc. Bởi khóc cũng không thể thay đổi được gì.
Ngày 10/7 tới đây, thi xong môn cuối, Xuân bắt xe đò về Bình Dương xin lại vào công ty may cũ mà em từng làm. Từng ngày từng ngày trôi qua, em sẽ có tiền về cho mẹ, lo cho em, lo cho tương lai của mình trên vùng đất lạ.
Hiếu Hiền