1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Tuyển sinh 2010:

Nhiều ý kiến không đồng tình “bỏ bắt buộc thi ngoại ngữ”

(Dân trí) - Nếu không bắt buộc thi ngoại ngữ, chất lượng giáo dục phổ thông sẽ giảm, học sinh không có động lực học đúng đắn, năng lực của công dân tương lai bị ảnh hưởng… Đó là ý kiến của nhiều đại biểu dự “Hội nghị thi và tuyển sinh toàn quốc năm 2010”, ngày 9/1.

Nhiều ý kiến không đồng tình

 

Đa số ý kiến đều cho rằng, với chủ trương như vậy thì chất lượng học ngoại ngữ của học sinh sẽ giảm xuống và chắc chắn mục tiêu của đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020” khó thực thi.

 

Giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng Huỳnh Văn Hoa cho rằng, không nên bỏ thi ngoại ngữ với tư cách là một môn thi bắt buộc bởi vì cần phải coi trọng vai trò và vị trí môn ngoại ngữ trong giáo dục hiện nay. Hơn thế nữa môn ngoại ngữ đã được tổ chức thi tốt nghiệp THPT rất nhiều năm nay và đã có tác động theo hướng tích cực đối với việc dạy và học ở nhà trường phổ thông các cấp.

 

“Hiện nay chúng ta đang triển khai đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020” nên chúng tôi đề nghị thi tốt nghiệp THPT với 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ Văn, Ngoại Ngữ”, Giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng nhấn mạnh.

 

Cũng theo ông Huỳnh Văn Hoa thì đối với các địa phương và các vùng khó khăn thì có thể cho thi thay thế môn ngoại ngữ như quy định trước đây của Bộ GD-ĐT là hợp tình hợp lý.

 

Chung quan điểm với Giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng, bà Phan Thị Thu Hà - Phó giám đốc Sở GD-ĐT Đồng Tháp cho rằng: “Nếu chúng ta không xác định môn Ngoại ngữ là môn thi bắt buộc ngay từ đầu thì liệu động lực của học sinh và giáo viên có được xác định đúng đắn hay không. Điều này sẽ làm ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng thi, cũng như không đảm bảo được nhu cầu về năng lực ngoại ngữ của công dân tương lai”.

 

GS Nguyễn Ngọc Hợi, Hiệu trưởng trường ĐH Vinh cho rằng, nếu không xác định môn Ngoại ngữ là môn thi bắt buộc thì chắc chắn chất lượng ngoại ngữ ở giáo dục phổ thông sẽ giảm xuống và sẽ kéo theo sự khó khăn cho các trường ĐH.

 

GS Hợi dẫn chứng: Những năm qua trường ĐH Vinh chỉ có khoảng 30% sinh viên trúng tuyển vào trường đáp ứng được kì kiểm tra ngoại ngữ đầu vào, có đến 70% vẫn phải tiếp tục rèn luyện và bồi dưỡng ngoại ngữ thì mới có thể theo kịp. Như vậy nếu không xác định ngoại ngữ là môn thi bắt buộc thì sẽ ra sao?

 

Bộ sẽ xem xét lại

 

Giải thích về việc Bộ GD-ĐT có chủ trương không coi ngoại ngữ là môn thi bắt buộc, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho rằng, ngoại ngữ chỉ là môn học công cụ. Trước đây sở dĩ đưa ngoại ngữ là môn thi bắt buộc vì lúc đó các địa phương chưa có tổ chức thi và học ngoại ngữ nên mục đích là phủ rộng việc học ngoại ngữ lên các trường.

 

Hiện nay, việc dạy ngoại ngữ ở nhiều địa phương còn khó khăn, chất lượng giáo viên chưa đáp ứng yêu cầu. Do đó, nếu cứ tiếp tục coi ngoại ngữ là môn thi bắt buộc thì chắc chắn sẽ có những bất cập.

 

Thứ trưởng Phạm Vũ Luận bộc bạch: “Đối với học sinh vùng cao và miền núi, học tiếng Việt đã là rất khó chứ chưa nói đến chuyện học ngoại ngữ. Có những nơi thì các em được học môn ngoại ngữ đầy đủ nhưng năng lực giáo viên vẫn còn nhiều hạn chế nên chưa đáp ứng được. Chính vì thế chúng ta cần phải cân nhắc cho phù hợp với tình hình”.

 

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ: “Nếu tốt nghiệp THPT có điểm sàn, học sinh phải đạt mức điểm sàn mới đỗ được. Như vậy, nếu điều kiện dạy không đạt sàn mà cứ bắt phải thi đạt sàn thì có nên không?.

 

Tuy nhiên, thông qua ý kiến đóng góp tại hội nghị, chúng tôi sẽ bàn lại. Nên chăng chúng ta sẽ xem ngoại ngữ là môn thi bắt buộc đối với một diện đối nào đó để đảm bảo không gây khó cho các em”.

 

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân thì ngay ngày mai (10/1), lãnh đạo Bộ sẽ họp bàn để đánh giá lại các ý kiến đóng góp tại hội nghị và thông báo chính thức để toàn xã hội được biết.  

Nguyễn Hùng