1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Thanh Hóa:

Nhiều vùng vẫn ngập sâu, cảnh sát cứu hỏa giúp dân chống "giặc nước"

(Dân trí) - Trong nhiều ngày qua, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa xảy ra mưa rất to, gây lũ ống, lũ quét làm nhiều địa phương bị cô lập, thiệt hại nghiêm trọng về người, nhà cửa, hoa màu, gia súc và các công trình công cộng.

Ngay sau khi mưa tạnh, một số điểm ngập lụt trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa nước lũ đã rút. Lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) tỉnh Thanh Hóa vẫn tiếp tục duy trì lực lượng, cùng nhân dân, phối hợp với các cấp, các ngành, các lực lượng chức năng khắc phục hậu quả sau mưa lũ, sớm ổn định cuộc sống.

Tại thôn Đoài, xã Hà Lan, thị xã Bỉm Sơn, mưa lũ đã làm nhiều diện tích lúa và hoa màu của người dân chưa kịp thu hoạch đã bị ngập sâu trong nước lũ. Để giúp đỡ người dân thu hoạch mùa, Phòng Cảnh sát PCCC Số 3, Cảnh sát PCCC Thanh Hóa đã huy động gần 20 cán bộ, chiến sĩ xuống địa bàn hỗ trợ người dân thu hoạch hoa màu, tránh bị ngập úng gây hư hại.

Cùng với đó, Phòng Cảnh sát PCCC Số 5 và Phòng Cảnh sát PCCC Số 6, Cảnh sát PCCC tỉnh Thanh Hóa cũng đã điều động hàng chục cán bộ chiến sĩ xuống địa bàn các huyện Thọ Xuân, Vĩnh Lộc cùng người dân dọn dẹp nhà cửa, trường học; khơi thông lại các đường rãnh, mương nước, đường giao thông nông thôn, đảm bảo vệ sinh sạch sẽ.

Đồng thời, hơn 60 đoàn viên thanh niên Cảnh sát PCCC tỉnh Thanh Hóa tham gia phối hợp với đoàn viên thanh niên phường Đông Hải, thành phố Thanh Hóa tham gia dọn dẹp vệ sinh các khu vực trên địa bàn đóng quân.

Ngoài ra, lực lượng Cảnh sát PCCC tỉnh Thanh Hóa vẫn tiếp tục duy trì lực lượng, phương tiện, khẩn trương tiếp cận vùng đang bị cô lập để tiếp tế lương thực, nước uống cho các hộ dân.

Trong những ngày tới, lực lượng Cảnh sát PCCC tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục tập trung lực lượng, phương tiện, sát cánh cùng cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương ngập lụt khắc phục hậu quả sau mưa lũ, sớm ổn định cuộc sống.

Cảnh sát PCCC tỉnh Thanh Hóa đã xuống đồng giúp dân gặt lúa
Cảnh sát PCCC tỉnh Thanh Hóa đã xuống đồng giúp dân gặt lúa

Ngâm mình trong nước lũ gặt lúa giúp dân

Ngâm mình trong nước lũ gặt lúa giúp dân


Nước trên những cánh đồng ngập sâu ngang người.

Nước trên những cánh đồng ngập sâu ngang người.

Đoàn viên thanh niên Cảnh sát PCCC Thanh Hóa giúp dân dọn dẹp nhà cửa sau khi lũ rút
Đoàn viên thanh niên Cảnh sát PCCC Thanh Hóa giúp dân dọn dẹp nhà cửa sau khi lũ rút
Dọn dẹp đường giao thông nông thôn
Dọn dẹp đường giao thông nông thôn
Nhiều vùng vẫn ngập sâu, cảnh sát cứu hỏa giúp dân chống "giặc nước" - 6

Dọn dẹp trường học giúp học sinh sớm được đi học trở lại.

Dọn dẹp trường học giúp học sinh sớm được đi học trở lại.

Nhiều vùng vẫn ngập sâu, cảnh sát cứu hỏa giúp dân chống "giặc nước" - 8

Tiếp tế lương thực, nước uống giúp người dân vùng lũ.

Tiếp tế lương thực, nước uống giúp người dân vùng lũ.

Hàng nghìn hộ dân vẫn chìm trong nước lũ

Đến trưa nay (13/10), tại tỉnh Thanh Hóa, lũ lụt đã làm chết 14 người, 5 người mất tích và 5 người bị thương. Dù trời đã ngừng mưa nhưng tình trạng ngập lụt vẫn đang rất nghiêm trọng tại nhiều khu vực. Các công trình thủy lợi, đê điều, đường giao thông bị hư hỏng nặng. Hàng nghìn hộ dân tại các huyện Thọ Xuân, Thường Xuân, Thạch Thành, Nông Cống, Thiệu Hóa… đang bị chia cắt.

Hiện nay, hơn 17.600 hộ dân tại các huyện Thường Xuân, Thọ Xuân, Thạch Thành và Nông Cống... của tỉnh Thanh Hóa đang bị ngập sâu. Ngoài hơn 16.600 hộ dân đã được di dời từ những ngày trước, sáng nay, các địa phương của tỉnh Thanh Hóa tiếp tục di dời thêm những hộ dân ở những vùng bị ngập sâu ra khỏi vùng nguy hiểm.

Nhiều vùng vẫn ngập sâu, cảnh sát cứu hỏa giúp dân chống "giặc nước" - 10

Sáng nay, nhiều nơi trên địa bàn huyện Thạch Thành vẫn ngập sâu trong nước
Sáng nay, nhiều nơi trên địa bàn huyện Thạch Thành vẫn ngập sâu trong nước

Tại huyện Nông Cống hồ Yên Mỹ và hồ Bến En liên tục xả lũ, đồng thời mưa lớn, nước sông Yên lên cao mức báo động 3, khiến 60% diện tích Nông Cống, đặc biệt là các vùng hạ lưu bị ảnh hưởng nặng nề. Huyện có 14 xã, thị trấn thì có đến 12 xã bị ngập từ 50cm đến 1,2m.

Sáng nay, rất nhiều xã trên địa bàn này như Tế Nông, Tượng Sơn, Trung Chính… người dân vẫn chưa thể ra khỏi nhà vì nước lũ vẫn ngập cao.

Toàn bộ những xã bị chia cắt đã được các lực lượng tiếp cận để hỗ trợ người dân chuyển đến nơi an toàn và tiếp tế lương thực, thực phẩm và nước uống. Ngoài ra, các huyện lân cận như Quảng Xương, Tĩnh Gia cũng chịu ảnh hưởng nặng. Nhiều hoa màu, gia súc, gia cầm bị chết trôi trong biển nước, ước tính thiệt hại nhiều tỉ đồng cho người dân.

Nhiều vùng vẫn ngập sâu, cảnh sát cứu hỏa giúp dân chống "giặc nước" - 12

Người dân huyện Nông Cống vẫn sống chung với lũ
Người dân huyện Nông Cống vẫn sống chung với lũ

Bà Lê Vinh ở thôn 11, xã Tế Nông, huyện Nông Cống cho biết: “Cá trong ao trôi hết ra rồi, cá trắm, cá mè, 1-2 tạ trôi hết không vớt được con nào cả. Sau lũ là dân chúng tôi trắng tay”.

Gia đình anh Lê Cao Thành, thôn 7, xã Trung Chính, Nông Cống làm nghề sản xuất bánh mì. Tài sản của gia đình trôi theo nguồn nước lũ hết. Anh bảo tiếc của mà mấy ngày lũ chẳng nghĩ đến ăn uống nữa. Vợ con thì sơ tán hết.

Ngồi trên chiếc ghế, phía dưới nước vẫn mênh mông, anh buồn rầu: “Nước lũ đến nhanh quá, chỉ mới sáng đến trưa là nước ngập đến ngực rồi, không kịp mang đi cái gì. Toàn bộ lò bánh mì hư hỏng, đường điện cháy hết, máy giặt, tủ lạnh cũng hỏng, lợn, gà, cá theo dòng nước lũ đi hết sạch”.

Nhiều gia đình tài sản bị hư hỏng hoặc bị lũ cuốn trôi hết
Nhiều gia đình tài sản bị hư hỏng hoặc bị lũ cuốn trôi hết

Ông Bùi Xuân Hiểu, Bí thư xã Trung Chính cho biết: “Năm 1996 ở đây cũng có một cơn lũ lớn nhưng so với cơn lũ năm nay thì còn thua xa. Đúng là trận lũ lịch sử khiến dân điêu đứng. Xã Trung Chính có 8 thôn thì có đến 7 thôn bị ngập hoàn toàn. Hiện toàn xã vẫn còn hơn 1000 hộ ngập trong nước”.

Hiện nay, lũ trên các sông Chu, sông Bưởi, sông Mã, sông Hoàng tại tỉnh Thanh Hóa đang rút chậm. Nước trên sông Bưởi vẫn đang cao hơn mức báo động 3. Theo thống kê ban đầu, tỉnh Thanh Hóa đã có gần 28 nghìn 300 ha lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ngập nước và thiệt hại. Các tuyến đê sông Chu và sông Mã bị sạt lở dài 152m, thuộc xã Thọ Trường (huyện Thọ Xuân), xã Thiệu Tiến, Thiệu Thịnh (huyện Thiệu Hoá) và xã Phú Quảng ( thành phố Thanh Hoá).

Để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân, Ban Chỉ huy quân sự tỉnh Thanh Hóa cũng huy động 600 cán bộ, chiến sỹ thường trực và hơn 8.500 lượt dân quân tự vệ xuống các địa phương để giúp người dân chống lũ lụt. UBND tỉnh Thanh Hóa cũng huy động các lực lượng công an, quân sự và lực lượng tại chỗ khẩn trương khắc phục sự cố tại các điểm đê bị vỡ, các trạm bơm và cống tiêu thoát nước và các hồ, đập để ứng phó với tình hình mưa lũ có thể xảy ra trong những ngày sắp tới.

Đê bao sông Mậu Khê vỡ trong đêm

Gần 1h sáng nay, ngày 13/10, một đoạn đê bao của sông Mâu Khê, đoạn chảy qua địa bàn xã Thiệu Duy, huyện Thiệu Hóa đã bị vỡ.

Hiện trường sự cố vỡ đê
Hiện trường sự cố vỡ đê

Đoạn đê bị vỡ dài khoảng 4m, đây là đê bao của sông Mậu Khê. Do sự cố xảy ra trong đêm khiến nhiều người dân địa phương lo lắng nên suốt đêm không dám ngủ.

Ngay sau khi phát hiện sự cố vỡ đê, chính quyền địa phương đã huy động nhân lực, vật lực khẩn trương có mặt tại hiện trường, tiến hành gia cố, “vá” lại đoạn đê bị vỡ.

Hiện mực nước sông Mậu Khê không lớn nên dòng chảy không mạnh. Tuy nhiên, một số trang trại chăn nuôi của người dân ở khu vực trang trại Đồng Ngòn, thị trấn Vạn Hà bị thiệt hại về tài sản.

Theo người dân địa phương cho biết, vào lúc nửa đêm, người dân nhận được thông báo của chính quyền địa phương là đê bao sông Mâu Khê ở xã Thiệu Duy bị vỡ, nhiều người chỉ kịp lo chạy người, còn tài sản không kịp di chuyển đi.

Sự cố khiến một số vùng bị ngập lụt
Sự cố khiến một số vùng bị ngập lụt

Ông Lê Xuân Đào, Phó Chủ tịch UBND huyện Thiệu Hóa, cho biết đoạn đê bị vỡ thuộc loại đê bao của sông tiêu nội đồng, nên không gây thiệt hại nhiều cho người dân địa phương.

Nước sông không lớn, lũ đã rút nên khi đê bị vỡ, cũng không phải di dân. Hiện nay, công tác khắc phục đê vẫn đang được chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng tiến hành.

Duy Tuyên - Nguyễn Thùy