1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nhiều vụ việc bị dồn vào chân tường mới tìm đến Cục Bồi thường nhà nước!

Nguyễn Trường

(Dân trí) - "Người ta coi công tác bồi thường nhà nước là mang tính sự vụ và họ cần chúng tôi khi mà họ bị dồn đến chân tường, bắt buộc phải giải quyết" - lãnh đạo Cục Bồi thường nhà nước nói.

Đây là chia sẻ của ông Lê Thái Phương - Phó Cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước (Bộ Tư pháp) tại buổi gặp mặt một số cơ quan báo chí nhằm thông tin về các hoạt động liên quan đến dịp kỷ niệm 10 năm ngày thành lập Cục Bồi thường nhà nước (23/5/2011 - 23/5/2021) sáng nay (25/3).

Nhiều vụ việc bị dồn vào chân tường mới tìm đến Cục Bồi thường nhà nước! - 1

Sáng 25/3, Cục Bồi thường nhà nước (Bộ Tư pháp) tổ chức gặp mặt một số cơ quan báo chí nhằm thông tin về các hoạt động của Cục (Ảnh: Nguyễn Trường).

Ông Phương cho biết, 10 năm qua, các cơ quan báo chí đã luôn đồng hành để thông tin về công tác quản lý nhà nước, trong đó có công tác bồi thường nhà nước.

"Nhiều bài viết liên quan đến vụ việc bồi thường, yêu cầu bồi thường, xem xét trách nhiệm hoàn trả đã được đăng tải và có thể nói rằng, báo chí giữ vai trò hết sức quan trọng… Nhiều vụ việc nổi cộm như vụ ông Huỳnh Văn Nén, Nguyễn Thanh Chấn nếu không có cơ quan báo chí vào cuộc, tìm hiểu cặn kẽ tình tiết vụ việc để đến mức Đại biểu Quốc hội phải đưa ra diễn đàn Quốc hội thì có lẽ những người bị thiệt hại này phải rất lâu mới được bồi thường" - ông Phương nhận định.

Cũng theo ông Phương, thời gian gần đây vẫn xảy ra tình trạng nhiều vụ việc liên quan đến trách nhiệm bồi thường nhà nước nhưng phía Cục hoàn toàn không được báo cáo. Chỉ đến khi báo chí phản ánh thì Cục Bồi thường nhà nước mới biết.

"Như năm 2019, TPHCM không báo cáo về vụ việc ông Bùi Minh Lý (Bí thư Chi đoàn ở Long An) bị oan. Nhờ báo chí phản ánh vụ việc này, chúng tôi đã lập tức yêu cầu báo cáo tại một cuộc họp kiểm tra; đôn đốc tiến hành xử lý, xin lỗi công khai..." - ông Phương dẫn chứng và cho rằng, báo chí đã "tạo ra sức ép nhất định để cơ quan công quyền thực hiện đúng trách nhiệm của mình".

Nhiều vụ việc bị dồn vào chân tường mới tìm đến Cục Bồi thường nhà nước! - 2

Ông Lê Thái Phương - Phó Cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước tại buổi họp sáng 25/3 (Ảnh: Nguyễn Trường).

Trả lời câu hỏi của báo chí về việc cán bộ, cơ quan nhà nước có nhận thức thế nào về trách nhiệm bồi thường, còn xu hướng "né tránh, không nhìn thẳng vào bản chất sự việc" không, ông Phương cho biết, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 đã có tác động tích cực đến bộ phận cán bộ, công chức.

Bởi lẽ, Luật này ban hành với 2 mục tiêu, trong đó mục tiêu đầu tiên là để bảo vệ những người bị thiệt hại; mục tiêu thứ 2 là răn đe và phòng ngừa.

Theo ông Phương, trước đây có giai đoạn cơ quan nhà nước né tránh, đùn đẩy và không coi việc bồi thường là trách nhiệm của mình mà của cơ quan khác.

"Người ta coi rằng công tác bồi thường nhà nước là mang tính sự vụ và họ cần chúng tôi khi mà họ bị dồn đến chân tường, bắt buộc phải giải quyết. Nhưng bây giờ nhận thức của họ đã thay đổi rất nhiều, đồng thời cán bộ, công chức nhà nước cũng được đào tạo bài bản hơn. Qua đó làm hạn chế hành vi sai phạm làm phát sinh trách nhiệm bồi thường nhà nước" - ông Phương nói.

Thành lập Cục Bồi thường nhà nước

Ngày 23/5/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 767/QĐ-TTg thành lập Cục Bồi thường nhà nước trực thuộc Bộ Tư pháp để giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác bồi thường.

Cục Bồi thường nhà nước có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng; có trụ sở làm việc tại thành phố Hà Nội. Bộ trưởng Bộ Tư pháp sẽ quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Bồi thường nhà nước.

Việc thành lập đơn vị chuyên trách là Cục Bồi thường nhà nước trực thuộc Bộ Tư pháp nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường.

Đối với người bị thiệt hại, việc thành lập Cục Bồi thường nhà nước sẽ thiết lập một địa chỉ thuận lợi để cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp tìm đến khi cần có sự hỗ trợ của Nhà nước trong quá trình thực hiện quyền yêu cầu bồi thường của mình…