Quảng Ngãi:
Nhiều vụ đánh chết người vì nghi “cầm đồ thuốc độc”
Nghi “cầm đồ thuốc độc” là một trong những tệ nạn xã hội của đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi Quảng Ngãi. Hậu quả của mỗi vụ “đồ, độc” là rất lớn, thường là tính mạng của một hoặc nhiều người và để lại hệ lụy kéo dài...
Những chuyện đau lòng
Đến xã Ba Dinh, huyện Ba Tơ hỏi chuyện Phạm Văn Xa bị người làng thôn Gòi Khôn đánh đến chết vì nghi có “đồ độc” thì không ai là không biết. Chuyện bắt đầu vào trung tuần tháng 7/2004, khi Xa chuyển sang nghề lái trâu. Để mua được giá rẻ, Xa luôn miệng nửa kín nửa hở là mình có đồ độc, bà con nếu không bán trâu cho Xa thì sẽ “đồ” cho trâu nhà đó chết.
Sự việc trở nên phức tạp khi ngay sau đó có vài con trâu của bà con bỗng dưng bị bệnh và lăn ra chết. Thế là cả làng kéo đến nhà lôi Xa ra đánh đập tàn nhẫn, đòi Xa phải giao ra “thuốc”, nếu không làng sẽ xử tội.
Để giải quyết, chính quyền địa phương và Công an huyện Ba Tơ phải vào cuộc, nhiều lần khuyên răn hòa giải nhưng làng vẫn không tha. Chuyện kéo dài âm ỉ đến cuối năm thì Xa lại bị dân làng đánh. Lần này thì Xa chết thật.
Lúc đó mới lộ ra rằng “thuốc” của Xa chính là củ mai gang trên núi mà Xa xin được của ông Đinh Văn Trít ở huyện Minh Long, mang về trồng rồi lấy củ cho vào lọ lén chôn ở cầu thang nhà sàn một số người dân trong làng... Vụ việc được làm rõ thì Xa đã ra người thiên cổ. Không lẽ mang cả dân làng thôn Gòi Khôn ra tòa được hay sao?
Trước đó không lâu, ông Phạm Văn Rờ, ở xã Ba Liên, cũng bị nghi có “đồ độc” và bị người làng đánh chết. Càng đau lòng đối với bà Phạm Thị Rối, ở thôn Nước Đang, xã Ba Trang, bị chính con cháu trong nhà nghi ngờ rồi lôi ra đánh đập. Lần này thì chính quyền can thiệp kịp thời, bà Rối không bị đánh chết nhưng cũng không thể sống được ở làng. Bà bị buộc phải làm riêng một túp lều trên núi sống một mình đến hết đời, không được tiếp xúc với ai...
Cùng cảnh với bà Rối, vợ chồng ông Phạm Văn Triệu, ở xã Ba Dinh, cũng phải làm nhà sống riêng trên núi. Cách đây 6 năm, không biết vì sao người làng Đồng Dinh nghi cho bà Đun có “đồ độc”. Thế là bị lôi ra đánh dập dã man, trước thì đánh bằng chân tay, sau thì gậy gộc rồi đến chày giã gạo. Bà Đun bị đánh chết đi sống lại mấy lần.
Không riêng gì ở huyện Ba Tơ mới có chuyện nghi “cầm đồ thuốc độc”. Liên tiếp 2 vụ án mạng xảy ra ở Sơn Hà, Sơn Tây cũng có nguồn gốc từ tệ nạn này. Tháng 10/2004, ông Đinh Hà Roan, 50 tuổi, ở xã Sơn Kỳ (Sơn Hà) bị 8 người trong làng vây đánh đến chết cũng vì nghi có “đồ độc”.
Tiếp đến ông Đinh Văn Trị ở cùng xã phải chạy tháo thân, không dám về vì bị người làng nghi, kéo đến nhà vây đánh. Ông Trị thoát thân, nhưng ngôi nhà và toàn bộ tài sản thì bị phá tan hoang...
Mới đây, TAND tỉnh Quảng Ngãi cũng đã tuyên xử Đinh Văn Tàu, Đinh Văn Nhăng và Đinh Văn Thế, cùng ở thôn Măng Trãy, xã Sơn Lập (Sơn Tây) tổng cộng 41 năm tù giam về tội giết người mà nguyên nhân sâu xa của vụ án cũng vì nghi nạn nhân có “đồ độc”.
Đêm 14/8/2004, sau khi uống rượu, Tàu rủ Thế, Nhăng cùng một số thanh niên khác đi đánh ông Đinh Văn Lai với lý do “ông Lai có đồ độc”. Tội nghiệp người đàn ông Kdong già nua bị bọn thanh niên đấm đá từ trên nhà sàn rơi xuống đất, đánh bò cả ra đường mà chẳng ai dám can ngăn. Sáng hôm sau người làng đã thấy ông Lai là một cái xác bầm dập nằm vất vưởng bên vệ đường...
“Đồ độc” là gì và giải quyết như thế nào?
Theo quan niệm của các dân tộc ít người ở Quảng Ngãi thì khi nói đến “đồ” là nói đến một điều gì đó ghê gớm, kỳ bí và chết chóc. Khi trong làng có người nào đó bị nghi là có “đồ” thì những người còn lại một mặt nơm nớp lo sợ, mặt khác lại hợp lực với nhau tìm cách trừ khử.
Không những người bị nghi có “đồ” bị giết chết mà con cái họ cũng bị giết theo, còn trâu bò, của cải thì thịt cho cả làng cùng ăn. Việc trừ khử người có “đồ” như một điều hiển nhiên, một nghĩa vụ đối với những người khác, không có sự ràng buộc nào của pháp luật, của chính quyền cả.
Xuất phát từ đó, hủ tục này đã bị không ít kẻ xấu lợi dụng. Ở huyện Trà Bồng đã từng có một đảng viên, cán bộ huyện đoàn bị nghi là có “đồ độc” và bị giết chết. Phạm Văn Xa trong vụ án kể trên cũng là một đảng viên, một quân nhân xuất ngũ...
Cũng theo quan niệm của người dân ở đây, để có “đồ độc”, người làm “đồ” phải rất công phu, phải có râu mép của hổ nhét vào măng tre, lâu ngày nở thành những con sâu. Nuôi những con sâu này bằng lá rau răm chúng sẽ thải ra phân. Phân của sâu sau khi qua làm phép sẽ biến thành “đồ”. Cũng có người cho rằng “đồ” được làm ra bằng hỗn hợp gồm: lúa mới - cũ, muối mới - cũ, rễ cây đa, rễ cây mã tiền và ngọn cây đại tướng quân bị trụi. Hỗn hợp này trộn lại với nhau cho vào hũ (lọ, ché) rồi cắt tiết gà trống trắng rưới lên, sau đó mang rượu ra cúng sẽ trở thành thuốc thần màu nhiệm phục vụ theo yêu cầu người sử dụng. Muốn giết ai chỉ việc vỗ vai, xoa đầu, nguyền rủa hoặc cho ăn, uống. Người bị “đồ” sẽ chết, còn người “đồ” sẽ được giàu có, quyền lực...
Do hậu quả của một vụ “nghi đồ độc” rất nặng nề nên những năm qua Công an Quảng Ngãi và chính quyền địa phương các huyện, xã miền núi đặc biệt quan tâm, tìm cách giải quyết. Đã có lúc UBND tỉnh cho nghiên cứu thành một đề tài khoa học để bàn biện pháp nhưng đến nay hiệu quả vẫn chưa được bao nhiêu.
Ông Đinh Văn Nhè, Chủ tịch UBND xã Sơn Kỳ (Sơn Hà) cho biết: có vụ khi đồng chí lãnh đạo đứng ra có ý kiến bảo vệ tính mạng, tài sản cho người bị nghi có “đồ” thì dân làng lại cho đồng chí ấy là đồng lõa, thậm chí quy kết là đồng chí ấy cũng có “đồ độc” nên bênh cho nhau. Rõ ràng tệ nghi “cầm đồ thuốc độc” đã ăn sâu vào tâm thức của đồng bào ở đây và việc giải quyết không phải là dễ.
Theo Công an TPHCM