Thanh Hóa:
Nhiều tuyến đê oằn mình “cõng” xe quá tải
(Dân trí) - Thời gian qua, trên các tuyến đê thuộc các huyện Thọ Xuân, Thiệu Hóa (Thanh Hóa) xe quá tải công khai lộng hành khiến không những mặt đê bị hư hỏng nặng nề mà tình trạng ô nhiễm môi trường cũng ngày càng nghiêm trọng. Trong khi đó, cơ quan chức năng lại lúng túng trong cách xử lý.
Oằn mình “cõng” xe quá tải
Theo phản ánh của nhiều hộ dân sống dọc tuyến đê sông Chu thuộc địa phận các xã Thọ Nguyên, Xuân Khang, Xuân Thành, Hạnh Phúc của huyện Thọ Xuân, xã Thiệu Toán của huyện Thiệu Hóa thì nhiều năm nay tuyến đê sông Chu ngăn lũ vào mùa mưa thường xuyên oằn mình gánh chịu những chuyến xe quá khổ, quá tải chạy rầm rầm suốt ngày đêm. Tình trạng đó khiến tuyến đê bị xuống cấp nghiêm trọng, mặt đê bị nứt toác, sụt lún, “ổ trâu”, “ổ voi” xuất hiện chi chít. Nhiều đoạn mặt đê trước đây được đổ bằng bê tông dày đã không còn mà bị những chuyến xe trọng tải lớn “băm nát”, thay vào đó là tuyến đường đất cát, bụi bay tứ tung.
Đúng như những gì người dân phản ánh, có mặt tại đây, đoạn từ Km 6-K1+875 thuộc các xã Thọ Lập, Xuân Tín, Phú Yên và Xuân Lai (huyện Thọ Xuân), tình trạng xe chở quá tải trọng vẫn hoành hành khiến nhiều nơi mặt đê bị “băm nát”, lún gãy mặt đê… Dù tuyến đê tải trọng không quá 12 tấn, tuy nhiên nhiều xe tải trọng hàng chục tấn vẫn chở cả “núi” cát chạy ầm ầm trên đê.
“Trước đây khi lực lượng chức năng làm mạnh tay, họ chỉ dám chạy ban đêm nhưng gần đây xe chở cát gần như công khai chạy suốt ngày trên đê khiến bà con chúng tôi chẳng ai dám đi lên đê, đường đê nhiều đoạn vừa mới được đổ bê tông đã vỡ nát” – người dân xã Thọ Lập bức xúc.
Ngay phía bên hữu sông Chu đoạn qua một số xã Xuân Thành, Thọ Nguyên (Thọ Xuân) cũng xảy ra tình trạng trên. Tại đây có 1 số mỏ cát đã được cấp phép nên ngày nào cũng có xe ra vào lấy cát chạy trên đê. Mặc dù trên đê có khung khống chế và biển báo tải trọng dưới 12 tấn, tuy nhiên theo quan sát có rất nhiều xe trọng tải hàng chục tấn tung hoành.
Không chỉ tuyến đê trên địa bàn huyện Thọ Xuân mà dọc các xã Thiệu Vũ, Thiệu Phúc, Thiệu Toán (huyện Thiệu Hóa), nhiều đoạn đê cũng bị xe chở quá tải cày nát. Cụ thể, tại một số đoạn tại xã Thiệu Vũ và Thiệu Toán, mặt đê dù mới được đổ bê tông chưa lâu nhưng đã xuống cấp nghiêm trọng. Điều này không chỉ gây khó khăn cho việc đi lại của người dân địa phương mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho công tác bảo vệ đê điều, phòng chống thiên tai. Tại xã Thiệu Vũ, do quá bức xúc nhiều hộ dân đã mang nhiều khối bê tông lớn ra đặt trên mặt đê để ngăn xe chở cát.
Ông Nguyễn Quang Sinh, Chủ tịch UBND xã Thiệu Vũ (huyện Thiệu Hóa), xác nhận việc tuyến đê trên địa bàn đang bị xe chở cát cày nát. Mặc dù trên đê và dưới bãi cát có khung hạn chế tải trọng của cơ quan chức năng, nhưng dường như rất khó để có thể ngăn chặn được thực trạng xe chở quá tải.
Mật phục nhiều ngày bắt được… 1 xe
Trước tình trạng xe quá tải đang cày nát các tuyến đê, Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão (CCĐĐ) – Sở NN-PTNT tỉnh Thanh Hóa đã có báo cáo về việc này. Báo cáo cho biết, tuyến đê tả sông Chu đoạn từ K6-K1+875 thuộc các xã Thọ Lập, Xuân Tín, Phú Yên và Xuân Lai (huyện Thọ Xuân) đang xảy ra tình trạng xe quá tải trọng cho phép đi lại trên đê gây hư hỏng nghiêm trọng mặt đê. CCĐĐ cũng đã có công văn gửi Chủ tịch UBND huyện này cấm xe cơ giới đi qua các đoạn đê qua các xã trên, đồng thời kiên quyết xử lý giải tỏa bãi tập kết cát trái phép ngoài bãi sông Chu (Km6+300), ngăn chặn xử lý nghiêm các xe chở quá tải trọng cho phép đi trên đê, tăng cường công tác quản lý, bảo vệ khung khống chế tải trọng xe đi trên đê. Tuy nhiên, tình trạng xe quá tải vẫn ngang nhiên lộng hành.
Ông Lê Huy Hoàng, Phó chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân, cho biết trong kỳ họp HĐND có nhiều đại biểu đã chất vấn lãnh đạo công an huyện về việc này nên sau kỳ họp chúng tôi đã chỉ đạo lực lượng chức năng phối hợp với chính quyền địa phương xử lý quyết liệt.
“Hiện nay tuyến đê bên tả sông Chu xe quá tải đã cơ bản được khống chế. Chúng tôi đã cho dẹp mỏ cát tự phát đồng thời cho xây 2 trụ bê tông rất lớn ngay sát bãi cát để ngăn xe tải, đồng thời cử lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra nên xe lớn đã không còn” – ông Hoàng quả quyết.
Ông Trịnh Ngọc Minh, Chánh thanh tra Sở GTVT tỉnh Thanh Hóa, cho biết: “Cuộc chiến với xe quá tải vẫn rất nhức nhối, không thể xử lý dứt điểm trong nay mai được. Hiện vẫn có những xe chở quá tải trọng, nhưng không nhiều. Những xe này xuất hiện chủ yếu ở những mỏ vật liệu xây dựng như cát, đất, đá và thường lén lút chạy vào ban đêm”.
Cũng theo ông Minh, vừa qua có nhận được phản ánh trên tuyến đê sông Chu, đơn vị đã cho lực lượng tăng cường lên trên đó cả tuần nhưng chỉ xử lý được có 1 trường hợp. “Cánh lái xe giờ rất tinh vi, họ thường xuyên cho người theo dõi động tĩnh của chúng tôi, cứ đi đến đâu là ở đó không thấy bóng dáng chiếc xe nào cả. Hôm bắt chiếc xe trên Thọ Xuân, tôi phải đi xe riêng mật phục mãi mới bắt được 1 xe. Sau hôm đó, lực lượng tuần tra cả tuần mà chẳng thấy xe nào cả. Chúng tôi vẫn biết có tình trạng xe chở cát quá tải, người dân phản ánh là đúng, nhưng họ rất tinh vi tìm mọi cách để chống đối” – ông Minh nói.
Cũng theo ông Minh thì thanh tra cũng rất quyết liệt, tuy nhiên số tiền xử phạt những xe quá tải này rất lớn nên họ luôn tìm cách chống đối. Chúng tôi bị nhắn tin dọa giết, khủng bố, ném cả chất bẩn vào nhà. Thậm chí chúng còn đọc rõ tên tuổi bố mẹ, vợ con, làm gì học trường nào để khủng bố tinh thần chúng tôi.
Theo Sở NN-PTNT Thanh Hóa hiện toàn tỉnh có trên 1.000 km đê, trong đó có 315 km đê cấp 1 đến cấp 3 (đê Trung ương). Đến nay hầu hết các tuyết đê Trung ương tại địa phương này đã cơ bản được bê tông cứng hóa mặt đê, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, công tác hộ đê và phòng chống lụt bão khi có sự cố thiên tai. Tuy nhiên mấy năn gần đây xe tải chở cát quá tải trọng đã phá nát nhiều tuyến đê, đặc biệt là đê sông Chu qua huyện Thiệu Hóa và Thọ Xuân. Để ngăn chặn tình trạng xe quá tải, khoảng 3 năm nay các tuyến đê đã được các huyện và sở này lắp đặt gần 100 khung ngăn tải trọng, nhưng xe tải vẫn “lộng hành”. Thậm chí nhiều đoạn đê, khung tải trọng đã bị xe tải cố tình đâm gãy đổ, nâng chiều cao thay đổi kích thước để xe lớn quá tải trọng có thể qua lại.
Bình Minh