1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Nhiều tỉnh miền Trung khẩn trương ứng phó bão 12

Nhóm phóng viên
Nhóm phóng viên

(Dân trí) - Trước dự báo cơn bão số 12 chuẩn bị đổ bộ gây mưa lớn, nhiều tỉnh miền Trung lại hối hả "khởi động" ứng phó bão lũ.

Quảng Nam yêu cầu các hồ thủy điện xả nước đón lũ

Sáng nay 9/11, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Quảng Nam đã có văn bản yêu cầu các hồ thủy điện lớn trên địa bàn như Sông Tranh 2, Đăk Mi 4, Sông Bung 4, A Vương… vận hành hạ thấp mực nước hồ để chuẩn bị đón lũ mới.

Nhiều tỉnh miền Trung khẩn trương ứng phó bão 12 - 1

Hồ thủy điện Sông Tranh 2 xả nước từ 900-2.500m3/s tùy thuộc vào lưu lượng nước về hồ thực tế, bắt đầu từ 11h ngày 9/11.

Theo đó, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Nam yêu cầu Công ty CP thủy điện A Vương tổ chức vận hành duy trì mực nước hiện tại của hồ thủy điện A Vương; Công ty CP thủy điện Đăk Mi, Công ty thủy điện Sông Bung tổ chức vận hành nhằm hạ thấp mực nước các hồ chứa thủy điện Đăk Mi 4, Sông Bung 4, Sông Bung 2 về mực nước đón lũ thấp nhất.

Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Nam yêu cầu hồ Đăk Mi 4 bắt đầu vận hành từ 11h ngày 9/11/2020 đến 23h ngày 10/11/2020; hồ Sông Bung 4 bắt đầu vận hành từ 14h ngày 9/11/2020 đến 14h ngày 10/11/2020; Sông Bung 2 vận hành từ 14h ngày 9/11/2020 đến 14h ngày 10/11/2020.

Theo thông báo của chủ đầu tư nhà máy thủy điện Sông Tranh 2, hồ sẽ vận hành từ 11h ngày 9/11/2020 nhằm hạ dần mực nước hồ về cao trình mực nước +168m trước 23h ngày 10/11/2020. Mức xả với lưu lượng từ 900-2.500m3/s tùy thuộc vào lưu lượng nước về hồ thực tế.

Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Nam lưu ý trong quá trình vận hành phải bảo đảm không gây dòng chảy đột biến, bất thường đe dọa trực tiếp đến tính mạng và tài sản của người dân ở khu vực ven sông ở hạ du hồ chứa.

Với việc các nhà máy thủy điện đầu nguồn xả nước, dự kiến chiều tối nay và ngày mai 10/11, vùng hạ du gồm các huyện Nông Sơn, Đại Lộc, Duy Xuyên, thị xã Điện Bàn, TP Hội An và một phần TP Đà Nẵng nước lũ sẽ lên lại.

Khánh Hòa lo sơ tán người dân trên lồng bè

Nhiều tỉnh miền Trung khẩn trương ứng phó bão 12 - 2

Lồng bè nuôi trồng thủy sản trên Vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa

Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân vừa có công điện chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 12 đang đi vào đất liền trong những giờ sắp tới. Theo đó, UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh Khánh Hòa phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan tiếp tục kêu gọi tàu thuyền (kể cả tàu du lịch) còn hoạt động trên biển khẩn trương vào bờ hoặc tìm chỗ tránh trú bão an toàn.

Chủ tịch Khánh Hòa yêu cầu thông báo cho ngư dân, các hộ nuôi trồng thủy sản trên các lồng bè, các tàu du lịch, các phương tiện đi lại trên biển phải ngưng các hoạt động đánh bắt, vận chuyển, lưu thông trên biển kể từ 18h ngày 9/11 cho đến khi bão tan.

Đối với các ngư dân, các hộ đang đang nuôi trồng thủy sản trên các lồng bè thì tổ chức hướng dẫn cho người dân neo buộc lồng bè, tàu thuyền đảm bảo an toàn; đối với người dân trên các lồng bè, tàu thuyền neo đậu phải trở vào bờ trước 18h ngày 9/11.

Về lồng bè toàn tỉnh Khánh Hòa hiện có 2.378 bè , với hơn 91.000 lồng với khoảng 13.600 lao động. Bộ đội Biên phòng tỉnh Khánh Hòa đã phối hợp với chính quyền địa phương giữ thông tin với các chủ lồng, bè để thực hiện đưa các lao động trên lồng bè vào bờ trú ẩn khi có lệnh. Bên cạnh đó, toàn tỉnh Khánh Hòa có 45 cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nằm trên đảo và ven biển. Hiện có khoảng 1.500 khách đang lưu trú đã nắm được thông tin, diễn biến của bão để chủ động phòng tránh đảm bảo an toàn.

Ông Lê Hồng Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh, một huyện có nhiều lồng bè nuôi trồng thủy sản trên Vịnh Vân Phong cho biết, huyện đã yêu cầu lồng bè phải chằng chống hoặc di tản đến nơi an toàn trước 16h chiều nay 9/11. “Chúng tôi cũng yêu cầu tuyệt đối không để người dân ở lại trên lồng bè trước 16h cùng ngày”, ông Phương nói.

Nhiều tỉnh miền Trung khẩn trương ứng phó bão 12 - 3

Nhà dân sinh sống dưới chân núi ở Nha Trang, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở khi mưa lớn do bão

Tại TP Nha Trang, trước khả năng bão số 12 có khả năng đổ bộ vào đất liền, UBND TP Nha Trang cho biết, toàn thành phố có 86 điểm trọng yếu, xung yếu có khả năng xảy ra sạt lở đất đá, lũ quét.

Toàn tỉnh Khánh Hòa có 174 vị trí được xác định có nguy cơ sạt lở (dự kiến sơ tán khoảng 23.350 người dân) hiện các địa phương đang cảnh báo người dân sẵn sàng sơ tán; 110 điểm ngầm, cầu, tràn nguy hiểm sẽ được bố trí lực lượng chốt chặn khi có mưa, lũ lớn.

Phú Yên cấm biển từ 10h hôm nay

Để đối phó với cơn bão số 12, UBND tỉnh Phú Yên yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Tuy An, thị xã Đông Hòa, Sông Cầu và TP Tuy Hòa thông báo cấm các tàu thuyền ra khơi và các hoạt động đánh bắt thủy, hải sản ven bờ và trên biển. Thời gian bắt đầu cấm biển từ 10h ngày 9/11.

Nhiều tỉnh miền Trung khẩn trương ứng phó bão 12 - 4

Phú Yên thực hiện cấm biển từ 10h ngày 9/11

Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Giám đốc Sở NN&PTNT và các ngành liên quan phối hợp với các địa phương ven biển theo dõi chặt chẽ các thông tin về tình hình diễn biến của bão để chủ động thông báo cho ngư dân (chủ phương tiện tàu thuyền) hoạt động hành nghề đánh bắt trên biển trở lại sau bão, có kế hoạch sản xuất cho phù hợp đảm bảo an toàn khi hành nghề.

Lệnh cấm biển cũng yêu cầu UBND huyện, thị xã, thành phố ven biển, các cơ quan, đơn vị theo chức năng nhiệm vụ được giao, chỉ đạo các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động sửa chữa, đóng tàu và các hoạt động vận tải biển khác triển khai thực hiện công tác PCTT&TKCN theo kế hoạch đã được xây dựng.

Các cơ quan, đơn vị liên quan và các địa phương ven biển triển khai công tác tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác, đánh bắt thủy, hải sản trên biển nghiêm túc thực hiện khi có thông báo, kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền vào nơi tránh trú bão, neo đậu của các địa phương và các cơ quan, đơn vị liên quan. Tuyệt đối không cho người ở lại trên tàu, thuyền.

Bình Định cấm biển, sơ tán dân vùng nguy hiểm

Ngày 9/11, UBND tỉnh Bình Định vừa có công điện chỉ đạo Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh ban hành lệnh cấm biển từ 12h ngày 9/11 cho đến khi có tin cuối cùng về cơn bão số 12.

Nhiều tỉnh miền Trung khẩn trương ứng phó bão 12 - 5
Tàu cá neo đậu ở cảng cá Quy Nhơn (Bình Định) cấm ra khơi từ 12h hôm nay (9/11).

Theo Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Bình Định, hiện còn 9 tàu cá với 60 ngư dân của tỉnh này đang hoạt động trong vùng ảnh hưởng của bão, các tàu này đã nhận được thông tin diễn biến của bão và đang di chuyển trú tránh.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng yêu cầu theo dõi, hướng dẫn, bảo đảm an toàn cho tàu vận tải biển đang neo đậu tại cảng Quy Nhơn và di chuyển qua khu vực Bình Định.

Rà soát, đánh giá an toàn cho người dân, khách du lịch ở khu vực biển, nhất là TP Quy Nhơn, các xã ven biển và đảo; kiểm soát, hướng dẫn giao thông nhất là các tuyến đường ven biển, cầu Thị Nại để bảo đảm an toàn cho người và phương tiện.

Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, đặc biệt mưa và gây lũ lớn, thông tin cảnh báo kịp thời đến người dân để chủ động phòng, tránh; chỉ đạo, hướng dẫn người dân chằng chống, gia cố nhà cửa, trụ sở, trường học, bệnh viện, kho tàng…

Các công trình công cộng, đặc biệt với công trình cột, tháp cao, biển quảng cáo, nhà cao tầng đang thi công để phòng khi có gió giật mạnh. Chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu tại các khu vực có nguy cơ bị chia cắt.

Ông Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh: Triển khai phương án sơ tán dân tại các khu vực thấp trũng, ngập lụt chia cắt và các khu vực người dân sống ven các chân núi có nguy cơ xảy ra sạt lở đất (đặc biệt là khu vực chân núi Bà Hỏa, chân núi Vũng Chua, TP Quy Nhơn); phương án bảo đảm an toàn cho hệ thống đê điều, công trình hồ đập và khu vực hạ du, nhất là  15 hộ xung yếu, các công trình đang thi công, xây dựng…

Nhiều tỉnh miền Trung khẩn trương ứng phó bão 12 - 6

Lũ lớn ngày 6/11 gây sạt lở nghiêm trọng, cuốn trôi nhiều gia súc, gia cầm của người dân các huyện vùng cao ở tỉnh Bình Định.

Hiệu trưởng các trường học chủ động theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; đặc biệt khi xuất hiện lũ lớn chủ động cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn cho học sinh và giáo viên.

Các lực lượng vũ trang Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có lũ; chủ động hướng dẫn, phân luồng, kiểm soát giao thông hoạt động tại các khu vực bị ảnh hưởng, bảo đảm an toàn giao thông Quốc lộ 1, Tỉnh lộ…

Ông Hồ Quốc Dũng cũng yêu cầu dừng tất cả các cuộc họp không quan trọng để ứng phó với mưa bão, lũ lớn; tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, thường xuyên báo cáo tình hình về UBND tỉnh, Ban chỉ huy PCTT - TKCN tỉnh để chỉ đạo.

Theo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Bình Định, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 12 kết hợp với không khí lạnh nên từ chiều nay (9/11) đến 12/11, khu vực tỉnh Bình Định có mưa to đến rất to.