1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nhiều tài sản "đại án" có vướng mắc quyền sở hữu nên khó kê biên, xử lý

Thế Kha

(Dân trí) - Tổng cục Thi hành án dân sự cho biết, trong các vụ án liên quan đến Phạm Công Danh, Hứa Thị Phấn, Phan Văn Anh Vũ… có nhiều tài sản còn đang vướng mắc về quyền sở hữu nên khó kê biên, xử lý.

Tại cuộc họp vừa diễn ra ở Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự thông tin: 9 tháng qua, toàn hệ thống thi hành án đã thi hành xong 375.338 việc/587.089 việc có điều kiện thi hành (đạt tỷ lệ gần 64%); đã thi hành xong hơn 35.235 tỷ đồng/151.143 tỷ đồng có điều kiện (đạt tỷ lệ 23,3%).

Tính từ đầu năm 2021 đến nay, Tổng cục Thi hành án dân sự tiếp tục chỉ đạo giải quyết các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng, các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài và các vụ việc kinh tế, tham nhũng.

Nhiều tài sản đại án có vướng mắc quyền sở hữu nên khó kê biên, xử lý - 1

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi phát biểu tại cuộc họp (Ảnh: Ngọc Dung).

Ông Đặng Văn Huy - Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ I (Tổng cục Thi hành án dân sự) cho rằng. dịch bệnh đang bùng phát rất phức tạp ở các địa phương ở khu vực miền Nam như TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai… sẽ tác động việc hoàn thành chỉ tiêu thi hành án.

Vì thế, các địa phương này cần kịp thời nhận diện tình hình và đề ra các giải pháp tập trung thi hành án tín dụng ngân hàng - loại án chiếm lượng tiền lớn trong tổng giá trị thi hành án của toàn quốc.

Theo ông Huy, vừa qua Vụ Nghiệp vụ I đã tham mưu Tổng cục Thi hành án dân sự rà soát các vụ án tín dụng ngân hàng 3 năm chưa thi hành xong, các vụ việc trên 20 tỷ đồng, từ đó kịp thời chỉ đạo địa phương tập trung xử lý dứt điểm.

Trong khi đó, ông Trần Văn Dũng - Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ II (Tổng cục Thi hành án dân sự) cho biết, 9 tháng qua đã thi hành xong gần 24.000 tỷ đồng/gần 34.000 tỷ đồng trong các vụ án về kinh tế, tham nhũng. Về các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng chỉ đạo đến nay đã thi hành xong 1.600 tỷ đồng/gần 34.000 tỷ đồng có điều kiện thi hành.

Lý giải nguyên nhân lượng tiền thi hành đối với các vụ án này còn chưa cao, ông Dũng cho rằng, đây đều là các vụ án có giá trị lớn, nhiều tài sản còn vướng mắc về quyền sở hữu nên khó kê biên, xử lý, như vụ Phạm Công Danh, Hứa Thị Phấn, Phan Văn Anh Vũ…

Vì vậy, trong thời gian tới, Vụ Nghiệp vụ II sẽ tiếp tục đôn đốc, tháo gỡ khó khăn vướng mắc nổi cộm cho cơ quan thi hành án dân sự, đặc biệt là về mặt thể chế để thuận lợi xử lý các tài sản.

Nhiều tài sản đại án có vướng mắc quyền sở hữu nên khó kê biên, xử lý - 2

Phan Văn Anh Vũ tại một phiên tòa.

"3 không, 5 thật"

Chỉ đạo tại buổi làm việc với Tổng cục Thi hành án dân sự vừa diễn ra, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi đánh giá các mặt công tác thi hành án cơ bản giữ được sự ổn định, đạt được những kết quả nhất định. Đặc biệt, đã làm tốt công tác tham mưu Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 04-CT/TW về công tác thu hồi tài sản tham nhũng.

Dự báo thời gian tới công tác thi hành án dân sự sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức, ông Mai Lương Khôi đề nghị toàn hệ thống cần tiếp thu tinh thần chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với quan điểm, yêu cầu trong thực hiện nhiệm vụ là "3 không và 5 thật": "Không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm" và "nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, nhân dân và doanh nghiệp được thụ hưởng thành quả thật".

Lãnh đạo Bộ Tư pháp yêu cầu Tổng cục Thi hành án dân sự cần có các giải pháp hướng dẫn, chỉ đạo, kịp thời hỗ trợ, chia sẻ, động viên các cơ quan thi hành án chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh. Đặc biệt, là chỉ đạo các địa phương tập trung giải quyết án tồn, án tín dụng ngân hàng, án kinh tế tham nhũng, nhất là các vụ việc Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo…

Trong đó lưu ý phải thực hiện giám sát ngay từ đầu để không xảy ra vi phạm, đặc biệt là trong công tác thẩm định giá, bán đấu giá tài sản. Ông Khôi chỉ đạo, nếu có vướng mắc cần kịp thời báo cáo lãnh đạo Bộ Tư pháp để có biện pháp xử lý kịp thời như tổ chức họp liên ngành với các ban, ngành liên quan như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước, TAND Tối cao,…