Hà Tĩnh:
Nhiều tác phẩm điêu khắc đá độc đáo cần được nghiên cứu
(Dân trí) - Nhiều tác phẩm điêu khắc bằng đá vừa được “phát hiện” tại nhà thờ dòng họ Nguyễn Suyến (xã Thạch Trị, huyện Thạch Hà). Đây là những hiện vật quý hiếm tuy nhiên chưa thể xác định được niên đại vì chúng chưa được nghiên cứu.
Những tác phẩm này được biết đến khi con cháu của dòng họ Nguyễn Suyền cung cấp cho các cơ quan chức năng trong quá trình làm thủ tục để khu nhà thờ của dòng họ này được công nhận là di tích văn hóa cấp tỉnh.
Tác phẩm quan trọng và để lại nhiều “ấn tượng” nhất này là phiến đá màu xám hình chóp, cao 0,80 cm, bệ hình chữ nhât: 0,50 cm x 0,25 cm và được đặt trên bể cạn đá kiểu hòn non bộ.
Lòng phiến đá đục rỗng, mặt trước chia ra hai phần: Phần dưới tạo dáng như khung cửa, một bên chạm nổi hình người trong tư thế ngồi, một bên hình người tư thế đứng; phần trên chạm nổi hình người trong các lạc khoản và trên cùng là chóp hai mái nhà.
Tất cả các chi tiết điêu khắc này được bố cục trong lòng hình vòm cuốn có đường viền trang trí dây leo bao quanh. Ba mặt còn lại chạm nổi nhiều chi tiết, cảnh núi non với các loài thú, cảnh lao động sản xuất, biểu tượng con thuyền, cảnh người cưỡi ngựa săn bắn, người đang nhảy múa với hình con voi dưới gốc cây...
Theo truyền ngôn thì những họa tiết điêu khắc nói trên thể hiện các đặc tích “canh, tiều, ngư, mộc”.
Tác phẩm bằng đá quan trọng thứ hai là một con rùa đá, trên lưng rùa là một tấm bia dài khoảng 1m, rộng 50cm. Do thời gian nên phần chữ Hán khắc trên tấm bia đã bị mờ, không còn khả năng đọc được.
Ngoài hai tác phẩm điêu khắc độc đáo trên, các nhà văn hóa còn “phát hiện” tại nhà thờ cụ Nguyễn Suyền có 1 rùa đội bia đá, 2 pho tượng phỗng đá, 2 con chó đá, 2 con nghê đá.
Các cụ cao niên trong dòng họ Nguyễn Suyền cho biết, tương truyền khu ruộng công của dòng họ ngay trước nhà thờ còn được chôn cả voi và ngựa đá. Tuy nhiên, qua các đợt khai quật, con cháu dòng họ này vẫn chưa tìm thấy các hiện vật nói trên.
Văn Dũng - Trí Thức