Nhiều sai phạm tại các ban quản lý rừng phòng hộ ở Nghệ An
(Dân trí) - Báo cáo của ngành chức năng cho biết, có 7/11 Ban quản lý rừng phòng hộ trên địa bàn tỉnh Nghệ An xảy ra tình trạng chặt phá rừng, xâm lấn trái phép đất rừng và sai phạm trong quản lý tài chính.
Nhiều cán bộ giữ rừng bị khởi tố, xét xử
Theo Đại tá Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, thời gian qua, Cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố trên 10 vụ án hình sự với hơn 20 bị can, trong đó có nhiều đối tượng là trưởng ban, phó ban, cán bộ, kế toán liên quan đến vi phạm tại các Ban quản lý (BQL) rừng phòng hộ trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, 8 cán bộ, nhân viên BQL rừng phòng hộ Yên Thành bị khởi tố do lập khống hồ sơ, chiếm đoạt gần 5 tỷ đồng. 4 cán bộ BQL rừng phòng hộ Bắc Nghệ An chi sai 752 triệu đồng, gây thiệt hại cho nhà nước (đã xét xử).
Hiện Công an tỉnh và Sở NN&PTNT tỉnh đang làm rõ những sai phạm tại BQL rừng phòng hộ Anh Sơn, Kỳ Sơn, Tương Dương…
Trong giai đoạn 2016-2019, tại các BQL rừng phòng hộ Kỳ Sơn, Tương Dương, Quỳ Châu đã xảy ra 9 vụ vi phạm khai thác trái phép lâm sản. Cơ quan điều tra đã khởi tố 19 bị can. Nhiều tập thể và nhiều cá nhân liên quan cũng đã bị xử lý kỷ luật khiển trách, cảnh cáo.
Tình trạng tranh chấp đất đai, lấn chiếm đất đai giữa người dân và các BQL rừng phòng hộ, công ty lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh diễn biến có chiều hướng phức tạp.
Tại các huyện Anh Sơn, Yên Thành, Quỳnh Lưu, thị xã Hoàng Mai, Tân Kỳ, Quỳ Hợp tình trạng người dân tự ý lấn chiếm đất đai, khai thác trên diện tích đất của BQL rừng phòng hộ xảy ra nhiều nhưng chưa được xử lý dứt điểm.
Ông Nguyễn Văn Đệ - Giám đốc Sở NN&PTNT Nghệ An cho biết: “Từ năm 2016 – 2019, qua quá trình thanh tra, đoàn liên ngành của Sở NN&PTNT phối hợp với Sở Tài chính phát hiện BQL rừng phòng hộ Kỳ Sơn chi trả chế độ, phụ cấp cho người lao động sai đối tượng, không trích nộp thuế thu nhập doanh nghiệp từ nguồn thu dịch vụ môi trường rừng trong 2 năm 2016-2017 hơn 333 triệu đồng.
Ngoài ra, có 10 đơn vị có sai phạm trong việc chấp hành pháp luật về thuế và các khoản phải nộp ngân sách Nhà nước hơn 900 triệu đồng; một số công trình có sai phạm trong thi công xây lắp với tổng số tiền gần 570 triệu đồng”.
Vi phạm nhiều, phát hiện ít
Trong giai đoạn 2016 – 2019, Sở NN&PTNT, Sở Tài chính Nghệ An đã tổ chức 28 đoàn thanh tra tại 11 BQL rừng phòng hộ, trong đó có 21 đoàn thanh tra kinh tế tài chính; 7 đoàn thanh tra công vụ. Tuy nhiên, vi phạm tại các BQL rừng phòng hộ được phát hiện và xử lý phần lớn là qua kênh phản ánh của báo chí, người dân và công tác điều tra của công an.
Chỉ có duy nhất vụ việc liên quan đến sai phạm xảy ra tại BQL rừng phòng hộ Quỳnh Lưu là do thanh tra chuyên ngành chuyển đến.
Cơ quan chức năng làm rõ 3 vi phạm thuộc trách nhiệm của các BQL rừng phòng hộ đó là chặt phá rừng, xâm lấn trái phép đất rừng và sai phạm trong quản lý tài chính. Các vi phạm này xảy ra tại 7/11 BQL rừng phòng hộ trên địa bàn tỉnh, thậm chí có một số BQL rừng phòng hộ vi phạm nhiều lần, có một số vi phạm xuất hiện trong nhiều năm.
Là cơ quan chủ quản, theo ông Nguyễn Văn Đệ, Sở NN&PTNT Nghệ An nhận trách nhiệm khi để xảy ra các vi phạm của các BQL rừng phòng hộ. Những cán bộ trong ngành vi phạm đều sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, ông Đệ cũng chỉ ra nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến tình trạng trên.
Nghệ An là tỉnh có diện tích rừng lớn, địa hình phức tạp trong khi đó lực lượng cán bộ bảo vệ rừng mỏng. Hiện, trung bình mỗi cán bộ BQL rừng phòng hộ phải chịu trách nhiệm quản lý 750ha rừng.
Bên cạnh đó, chế độ chính sách phát triển về lâm nghiệp chưa phù hợp; nhận thức, ý thức và trách nhiệm của cán bộ các BQL rừng phòng hộ về công tác quản lý chưa đầy đủ; còn xảy ra tình trạng buông lỏng quản lý; tinh thần trách nhiệm, năng lực, trình độ của một số cán bộ thực thi công vụ còn yếu.
Mặt khác, hệ lụy của công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp tại Nghệ An khiến tình trạng chồng lấn đất rừng phòng hộ giữa hộ gia đình với các BQL khiến công tác bảo vệ rừng khó khăn hơn.
Vĩnh Khang