Nhiều quảng cáo phóng đại quá mức, đánh tráo khái niệm
(Dân trí) - Đại biểu Quốc hội nêu nhiều quảng cáo phóng đại quá mức hoặc không minh bạch về thông tin dẫn đến người dân mất niềm tin vào thị trường và các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chân chính.
Quảng cáo phóng đại
Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo chiều 8/11, đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) cho biết, hiện nay, quảng cáo trên các nền tảng số, đặc biệt là mạng xã hội và các ứng dụng trực tuyến ngày càng trở nên phổ biến.
Ông Tuấn cho rằng, thực tế này đã xuất hiện nhiều hình thức quảng cáo xuyên biên giới bằng livestream, video ngắn. Điển hình, nhiều người Trung Quốc quảng cáo bán hàng trên TikTok hay sàn giao dịch thương mại điện tử Shein và Temu về các sản phẩm "thời trang nhanh" …
"Điều này đã gây ra nhiều khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc kiểm soát chất lượng, bảo vệ người tiêu dùng và ngăn ngừa các hành vi quảng cáo sai sự thật, gây hiểu lầm cho người tiêu dùng...", ông Tuấn nói.
Theo đại biểu, những quảng cáo này thường có những cam kết không thực tế về chất lượng sản phẩm hoặc dịch vụ quảng cáo phóng đại quá mức hoặc không minh bạch về thông tin. Điều đó dẫn đến khách hàng mất niềm tin vào thị trường và các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chân chính.
Đại biểu Trà Vinh lo ngại nhất là các sản phẩm trực tiếp gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng như nhiều sản phẩm, thực phẩm chế biến sẵn hoặc nước uống quảng cáo là "chứa ít calo", "giảm mỡ", "chứa chất xơ cao". Trong khi thực tế, các sản phẩm này có thể chứa nhiều đường, chất bảo quản hoặc thành phần không tốt cho sức khỏe.
Đại biểu ví dụ, các sản phẩm giảm cân, làm đẹp, thực phẩm chức năng, kem dưỡng da hoặc thuốc giảm mỡ quảng cáo là "giảm cân nhanh chóng mà không cần tập luyện" hoặc "làm đẹp tức thì", nhưng thực tế hiệu quả của chúng không được chứng minh rõ ràng, hoặc có thể gây hại cho sức khỏe...
Do đó, đại biểu đề nghị dự Luật cần có các quy định chặt chẽ hơn về việc kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi quảng cáo sai sự thật.
Đồng thời, theo đại biểu, dự Luật cũng cần có quy định yêu cầu các đơn vị quảng cáo phải minh bạch, cung cấp thông tin rõ ràng, đáng tin cậy để không đánh tráo khái niệm về thông tin sản phẩm, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Trách nhiệm của người truyền tải quảng cáo
Cũng thảo luận về dự Luật này, đại biểu Bùi Hoài Sơn (Hà Nội) cho rằng, quảng cáo rất quan trọng đối với nền kinh tế của đất nước.
Xét từ góc độ của công nghiệp văn hóa, theo ông Sơn, quảng cáo cần chú ý đầy đủ đến 4 vấn đề gồm: Nguồn nhân lực quảng cáo; nội dung quảng cáo; công nghệ quảng cáo; kỹ năng kinh doanh quảng cáo.
Theo đại biểu, trách nhiệm của người truyền tải quảng cáo là một quy định mới rất đáng quan tâm trong bối cảnh hiện nay, khi mà các phương tiện truyền thông mới đang dần đóng vai trò quan trọng trong thị trường quảng cáo.
Vì thế, ông Sơn cho rằng, nếu biện pháp quản lý hậu kiểm sẽ là một giải pháp ưu tiên thì quy định với người truyền tải quảng cáo cần cụ thể, chi tiết, để tránh việc tùy tiện trong thể hiện quảng cáo.
Đối với quảng cáo trên báo chí, đại biểu đề nghị cần tạo điều kiện để báo chí có thêm cơ hội quảng cáo. Bởi hiện nay, quảng cáo trên báo chí gặp nhiều khó khăn do cạnh tranh với các loại hình truyền thông mới.
Đối với quảng cáo trên không gian mạng, ông Sơn cho rằng nước ta đã có kinh nghiệm quản lý theo hình thức hậu kiểm. Đây có lẽ là bài học có thể áp dụng cho quảng cáo.
Đại biểu cho rằng nên giao Chính phủ quy định chi tiết vấn đề này sẽ đáp ứng tốt hơn.