"Nhiều nơi rừng chỉ còn... trên giấy!"
(Dân trí) – “Tiến độ phá rừng hiện nay nghe mà đau lòng”, “Từ trực thăn nhìn xuống đúng là không còn thấy rừng nữa”, “Có nơi rừng chỉ còn trên giấy”… Những lời than của các đại biểu khiến không ít người giật mình về hiệu quả chương trình 5 triệu ha rừng.
Thảo luận về báo cáo tổng kết dự án trồng mới 5 triệu ha rừng tại các đoàn đại biểu Quốc hội hôm nay (1/11) ghi nhận nhiều con số, nhiều thực trạng xót xa về hiện trạng giữ, bảo vệ rừng.
Một số con số đáng chú ý là độ che phủ rừng tăng từ 32% năm 1998 lên 39,5% năm 2010. Cả nước đã giao 9.999.892ha trên tổng số 16,24 triệu ha quy hoạch làm đất lâm nghiệp. Đến năm 2010 trữ lượng gỗ của cả nước là 935,3 triệu m3, tăng 24,4% so với 1998… Bên cạnh đó, diện tích rừng mất do các hành vi vi phạm lâm luật và bị thiệt hại do cháy rừng cũng có xu hướng giảm.
Về những tồn tại, hạn chế, Chính phủ nhận định, việc chặt phá khai thác rừng trái phép, cháy rừng, xâm lấn rừng, chống người thi hành công vụ xảy ra nghiêm trọng ở một số địa phương, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép kết thúc dự án sau 13 năm thực hiện.
Tỏ ý nghi ngờ những con số thống kê, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Thanh (Quảng Nam) thành thật nói về việc mất rừng “nhìn thấy được” ở địa phương mình: “Nhìn xa xa thấy xanh lét xanh le thì bảo độ che phủ cao chứ phía trong ai biết được là thế nào. Rừng đã “rỗng ruột” bởi gỗ quý đã bị khai thác cạn kiệt”.
Đại biểu Ngô Ngọc Bình (TP.HCM) cũng dẫn chứng thực tế tình hình ở tỉnh Bình Phước, nơi ông từng đóng quân, “rừng vây quân thù”. Nhưng hiện tại, ở Bình Phước chỉ còn một cụm rừng ở vườn quốc gia Bù Gia Mập. Ông Bình khái quát tình hình chung, dọc theo biên giới với Campuchia đều không còn rừng.
"Đi trực thăng, nhìn từ trên xuống đúng là không còn thấy rừng nữa. Con số hiện nay có lẽ chỉ là tổng hợp để báo cáo thôi, hoặc là chưa tách các diện tích cây xanh với cây công nghiệp" – đại biểu băn khoăn.
Đại biểu Đặng Vương Tuấn (Bến Tre) cũng than "tiến độ phá rừng hiện nay nghe mà đau lòng". Ông Tuấn nêu nghi vấn, tình trạng phá rừng không giảm như báo cáo của Bộ NN&PTNT. Những thống kê về tình trạng cháy rừng, theo đại biểu, cũng “nhẹ nhàng” hơn thực tế.
Bác các lý do khách quan, nhiều đại biểu chỉ ra nguyên nhân nạn phá rừng, tình trạng để mất rừng là do con người.
Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Thanh tỏ ý chia sẻ với lực lượng giữ rừng khi dẫn chứng ở địa phương mình, cán bộ phụ trách kiểm lâm ở cấp thôn chỉ hưởng phụ cấp 120.000đ/tháng. Nếu mỗi bữa trưa ở trong rừng chỉ ăn 2 gói mỳ tôm… sống, giá đã là 20.000đ vì khu vực rừng núi đi lại khó khăn, giá hàng thường đắt gấp đôi thành phố.
Mỗi hộ được khoán bảo vệ rừng với giá 50.000đ/ha/năm, bà Thanh quy đổi mua được nửa cân cá. Mỗi tháng 120.000đ, mỗi năm ăn nửa cân cá – theo đại biểu không thể là chất xúc tác để làm việc, để giữ rừng.
Đại biểu Ngô Ngọc Bình cũng đồng tình với phân tích chế độ lương cho kiểm lâm chuyên trách cũng chỉ hơn 1 triệu đồng/tháng, không thể sống để giữ rừng. Vậy nên, lý do mất rừng không phải do thiên tai, thời tiết mà chính do con người tàn phá.
Đặt vấn đề trách nhiệm của địa phương để xảy ra tình trạng khai thác gỗ lậu, phá rừng, tấn công kiểm lâm, đại biểu Đỗ Ngọc Niễn (Bình Thuận) lý luận, cây gỗ chứ không phải cây kim vì chặt xong phải khai thác, chuyên chở, tiêu thụ, chính quyền không thể không biết.
Nhiều đại biểu đề nghị khi kết thúc dự án trồng mới 5 triệu ha rừng thì cần có chương trình tiếp theo để giữ rừng song vấn đề gốc rễ nhất là làm sao để kinh tế rừng phát triển mà rừng vẫn được bảo vệ, người dân sống được với rừng để giữ rừng, bảo vệ rừng vẫn chưa có kế sách khả quan.
P.Thảo