Nhiều người mua ô tô cuối tuần mới đi nhưng cả tuần tìm chỗ gửi

Thế Hưng

(Dân trí) - "Bạn bè tôi nhiều người mua ô tô chỉ cuối tuần mới đi nhưng cả tuần đi tìm chỗ gửi. Họ phải gửi hết cơ quan này đến cơ quan khác", nhà báo Phạm Trung Tuyến chia sẻ.

Chỗ gửi xe cũng tranh nhau "sứt đầu mẻ trán"

Chị Quỳnh Ngọc (Khương Trung, Hà Nội) mua chiếc Xpander 7 chỗ từ đầu năm nay. Tuy nhiên do nhà không quá xa cơ quan, đường đi làm lại thường xuyên ùn tắc nên vợ chồng chị hàng ngày chỉ sử dụng xe máy; ô tô cất dưới hầm chung cư.

"Gia đình tôi chỉ đi xe về thăm ông bà nội, ngoại cuối tuần hoặc thỉnh thoảng đi chơi cả gia đình; gần như không sử dụng tới ô tô", chị Ngọc nói.

Mỗi tháng, chị Ngọc phải bỏ ra số tiền 1.250.000 đồng để gửi xe. Mức chi phí này ngang với mặt bằng chung giá gửi xe trong thành phố.

Nhiều người mua ô tô cuối tuần mới đi nhưng cả tuần tìm chỗ gửi - 1

Người Hà Nội vất vả tìm chỗ gửi xe (Ảnh: Nguyễn Trường).

Anh Hoàng Hải (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng trong cảnh tương tự, công việc chỉ loanh quanh trên phố nên anh chỉ sử dụng xe ô tô đi lại vào cuối tuần. Gần nhà không còn chỗ gửi xe nên anh quyết định gửi tận bên Long Biên.

"Gửi xe trong nội thành giá cao và phải tranh nhau "sứt đầu, mẻ trán". Sang Long Biên, tôi có nhiều lựa chọn với mức phí rẻ hơn. Xe tôi cũng được để trong bãi có mái che nên đỡ chịu ảnh hưởng của mưa nắng", anh Hải cho biết.

Theo khảo sát của PV, giá gửi ô tô trong nội đô Hà Nội dao động từ 1.000.000 - 2.000.000 triệu đồng/tháng. Giá gửi xe tại các quận, huyện xa trung tâm khoảng 500.000 - 1.000.000 đồng/tháng. Mức phí sẽ cao hơn nếu xe được gửi trong hầm hoặc nơi có mái che.

Cư dân sống chung cư có phần "dễ thở" hơn khi có chỗ gửi xe dưới hầm, tuy nhiên chỗ để cũng hạn chế nên thường mỗi hộ chỉ được một suất gửi xe, nhà có 2-3 chiếc ô tô phải lo tìm nơi khác gửi.

Những gia đình ở nhà mặt đất trong nội đô, tìm được chỗ gửi xe cố định là cả một vấn đề.

Một ngày đi xe, 6 ngày tìm chỗ gửi

Mới đây, tại một buổi tọa đàm về vấn đề ùn tắc giao thông do Báo Dân trí tổ chức, chia sẻ về việc thu phí ô tô vào nội đô giờ cao điểm nhằm hạn chế xe cá nhân, nhà báo Phạm Trung Tuyến, Phó Giám đốc Kênh VOV Giao thông - Đài Tiếng nói Việt Nam, cho rằng, một vấn đề cần quản lý là rất nhiều người không sử dụng ô tô nhưng vẫn gửi ô tô trong thành phố.

Nhiều người mua ô tô cuối tuần mới đi nhưng cả tuần tìm chỗ gửi - 2

Nhà báo Phạm Trung Tuyến (Ảnh: Hữu Nghị).

Ông Tuyến cho rằng, thu phí ô tô vào nội đô là một giải pháp tài chính tốt nhưng để thực hiện thì có nhiều vấn đề. Trong khi đó, nếu mục đích chính là để hạn chế phương tiện đi lại trong nội đô thì còn nhiều cách khác.

"Bạn bè tôi nhiều người mua ô tô chỉ cuối tuần mới đi nhưng cả tuần đi tìm chỗ gửi. Họ phải gửi hết cơ quan này đến cơ quan khác", nhà báo Phạm Trung Tuyến dẫn chứng. Với những trường hợp này, ông Tuyến cho rằng nếu phí trông giữ xe tăng cao, người dân sẽ phải đưa ra lựa chọn cho bản thân. Buộc lòng, người dân phải gửi xe ở ngoại ô hoặc thậm chí từ bỏ ý định mua ô tô cá nhân, nếu không có nhu cầu sử dụng thường xuyên.

Việc thiếu điểm đỗ xe hoặc phải trả giá cao cho việc trông giữ xe sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới quyết định vào thành phố của người dân. Cách làm này có thể hạn chế lượng phương tiện ra vào thành phố tốt hơn.

Nói thêm về đề án thu phí ô tô vào nội đô, theo nhà báo Phạm Trung Tuyến, việc này đã được thực hiện ở nhiều nơi trên thế giới nhưng thu phí vào thành phố sẽ đi kèm nhiều hệ lụy. Chúng ta tiến hành thu phí ra sao, tổ chức ra sao, có gây bất bình đẳng hoặc tạo tiền lệ xấu cho các địa phương khác không? Nó có biến các chuỗi đô thị thành các vùng cát cứ không? Đây là một vấn đề cần phải xem xét.

"Tôi nghĩ, chúng ta cần gia tăng lựa chọn cho người dân thay vì cấm hẳn một loại phương tiện nào đó. Vì cấm loại phương tiện nào cũng tác động tới mưu sinh, thói quen sinh hoạt của một nhóm người dân. Khi tạo xung đột giữa các nhóm sẽ rất khó truyền thông và khó triển khai chính sách", ông Tuyến nêu quan điểm.