1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Nhiều người Hà Nội e dè hầm đường bộ

Đầu tháng 3, tuyến đường vành đai 3 Phạm Hùng (Hà Nội) đã mở 3 trong số 5 hầm ngầm bộ hành. Tuy nhiên, đường hầm gần như bị bỏ hoang vì vắng người qua lại. Một số người e ngại xuống hầm gặp cướp, thiếu không khí để thở...

Tại hầm bộ hành trước Bến xe Mỹ Đình đã băng rôn ghi dòng chữ "Hãy đi bộ sang đường bằng hầm kỹ thuật" song nhiều người qua lại khu vực này vẫn không quan tâm. Từ điểm đỗ xe buýt, họ ào ào băng trên mặt đường thay vì đi hầm kỹ thuật, mặc cho làn xe cộ vây quanh. 

Theo quan sát của phóng viên, khu vực này có rất đông người đi bộ qua lại song trong khoảng 30 phút có duy nhất 1 người đi xuống hầm để sang đường vào bến xe. Thi thoảng, một vài người đi bộ đứng xem xét, ngần ngừ, rồi họ vẫn không đi xuống hầm mà chạy qua đường.

Vài ba người đã vào cửa hầm rồi quay ra. Họ cho biết, đi xuống hầm có vẻ không an toàn, dễ có trộm cướp hoặc thiếu không khí để thở. Tuy nhiên, khi được người bảo vệ trấn an và thấy ánh sáng đèn, họ mới mạnh dạn bước xuống.

Theo anh Đỗ Đình Cường, nhân viên Công ty công trình giao thông 2, nguyên nhân chính khiến hầm đường bộ chưa hút khách vì người dân chưa quen sử dụng loại hình giao thông công cộng này. Khu vực này có nhiều người ở ngoại tỉnh về Hà Nội, nên họ rất ngỡ ngàng với phương tiện đường bộ mới.  

"Có cô gái năn nỉ nhờ tôi dẫn qua hầm vì sợ bị cướp, dẫn xong cô ý còn định trả công tôi 5.000 đồng", anh Cường kể. Một số người đi qua còn tự động đưa tiền hoặc hỏi anh có thu phí hay không... Các trường hợp này đều được giải thích rõ ràng là không mất phí.

Nhiều người Hà Nội e dè hầm đường bộ  - 1
Hầm đường bộ an toàn song vắng người.  

Những ngày đầu, vài người dân thiếu ý thức còn coi đây là chỗ đi vệ sinh. Họ tranh thủ xuống hầm tiểu tiện khi bảo vệ lơ là, khiến cho những bảo vệ ở đây phải thay nhau lau dọn. "Chúng tôi đứng đây để đảm bảo an toàn cho người dân. Khi thấy những thanh niên khả nghi, tôi sẽ phải đi theo", anh Cường nói.

Hầm bộ hành này mở cửa từ 6h đến 21h, thường xuyên có 5 bảo vệ thay nhau ứng trực. Dưới hầm, có 40 bóng đèn tuýp đủ chiếu sáng. Tuy nhiên, theo anh Cường, hầm đã 3 lần bị cắt điện gây tâm lý e ngại cho khách bộ hành. Khi đó, bảo vệ phải đóng cửa để ngăn người vào.

Hầm đường bộ trước siêu thị Big C có tần suất người đi lại lớn hơn tại bến xe Mỹ Đình, phần lớn là học sinh, sinh viên. Theo Mỹ Dung, ĐH Quốc gia Hà Nội, đi đường hầm rất thoải mái, không ngại vướng xe cộ xung quanh. Tuy nhiên, buổi tối em vẫn e ngại không dám đi xuống, nhất là khi phải đi một mình.

Theo ý kiến của nhiều hành khách, điểm đỗ xe buýt cách hầm gần 100m. Đó là một lý do khiến nhiều người ngại đi bộ mà băng qua đường. Do vậy, cơ quan chức năng cần di chuyển điểm đỗ, để tạo thuận lợi hơn cho khách bộ hành.

Hầm bộ hành này thường xuyên có 2 người ứng trực. Theo bảo vệ Trương Đức Hạnh, nhiều người lần đầu tiên không muốn đi qua, song khi qua rồi thì họ lại thấy thích thú. Có người còn cho biết sẽ giới thiệu cho con cháu, bạn bè về tuyến đường hầm.

5 hầm đường bộ trên đường Phạm Hùng là tuyến hầm bộ hành đầu tiên ở Hà Nội thuộc Dự án vành đai 3. Các hầm ngầm này đã hoàn thành từ đầu năm 2003, song không được đưa vào sử dụng. Nguyên nhân là đơn vị xây dựng không tiến hành hoàn thiện các thủ tục bàn giao cho đơn vị quản lý. Một thời gian dài, hầm ngầm bị xuống cấp, là nơi tụ tập của các đối tượng bất hảo.

Thời gian tới, Công ty công trình giao thông 2 - đơn vị quản lý, sẽ tiếp tục mở tất cả hầm đường bộ trên đường Phạm Hùng để phục vụ người dân đi lại.

Theo Đoàn Loan
Vnexpress

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm