Nhiều người dân chưa “dính” tả chưa biết sợ

(Dân trí) - Tổng số bệnh nhân tiêu chảy cấp đã lên đến trên 1.000 trường hợp, trong đó có gần 200 ca dương tính với tả. Thế nhưng, chẳng mấy người dân quan tâm đến mức độ nguy hiểm của dịch bệnh. Họ vẫn ăn uống, sinh hoạt như bệnh tả chưa bao giờ từng hiện hữu.

Hàng rong, hàng xe đẩy, vỉa hè vẫn hút khách

6h chiều ngày 11/4, dọc phố Nguyễn Quý Đức, một phố tập trung nhiều hàng ăn uống tại quận Thanh Xuân, cảnh mua bán, ăn uống vẫn vô cùng tấp nập. Mặc tiếng còi xe inh ỏi, mặc khói, bụi đường, những quán hàng ăn sẵn vẫn bành trướng ngay cạnh đường đón khách.

Chị Trần Bích Vân (Đại Lao, Văn Mỗ, Hà Đông) đang đứng mua lòng lợn về cho chồng nhậu, không quên nhắc chủ hàng cho thêm vài cây rau húng, rau thơm. Cách đó không xa, một đám sinh viên, nam có, nữ có đang tíu tít với món nộm đu đủ, nem chua rán, bánh bột lọc và cũng không quên gọi món nem tai quen thuộc.

Thấy người lạ tò mò giơ máy ảnh lên chụp, đám bạn trẻ này liền phản đối. Tuy nhiên, khi được hỏi chuyện thì khá thân mật. Hương, sinh viên trường ĐH Khoa học tự nhiên ở trọ ngay nhà tập thể gần chợ Thanh Xuân Bắc hồn nhiên nói: “Món nem tai ăn một mình mới sợ “tào tháo” đuổi".

Còn dọc đường Lương Thế Vinh, ngay sát Ký túc xá Mễ Trì là hàng loạt quán cơm bụi luôn tấp nập khách. Món lòng lợn xào dưa vừa rẻ, vừa ngon luôn hấp dẫn các bạn. Ngay sát đất, ngoài cửa là một dãy bát đũa bẩn, cạnh cống thoát nước. Linh, sinh viên năm 2 ĐH Khoa học tự nhiên nói: “Mỗi ngày chúng mình vẫn ăn cơm ở đây thay vì nấu vì cơm bụi vì vừa rẻ. Hơn nữa, nấu rất lích kích, bọn mình chỉ có 2 người, càng ngại nấu hơn”. Cùng bàn với Linh là hai cậu bạn cùng lớp. Với họ không có lựa chọn nào khác ngoài cơm bụi vì kí túc xá không cho nấu, mà họ thì không thể ăn mì tôm suốt 7 ngày trong tuần. Thôi đành cẩn thận chọn các loại rau củ, thịt thà nấu chín cho an toàn.

Riêng món bún đậu mắm tôm thì có thể bắt gặp ở bất kỳ chợ hay gánh hàng rong trên các tuyến phố. Tại quán bún đậu mắm tôm khá nổi tiếng gần chợ Thành Công, đến vào giờ trưa, khách hàng phải đợi hồi lâu mới kiếm được chỗ ngồi. Mấy nhân viên phục vụ liên tục mà vẫn không xuể yêu cầu của thực khách, khi thì thêm chút mắm tôm, khi thì thêm đĩa rau kinh giới, dưa chuột… Nhìn không khí ăn uống tấp nập ở những nơi này, dường như chẳng ai nghĩ đến nguy cơ dịch tả đã sát sườn.

Tại TP Hồ Chí Minh, nơi đã phát hiện 2 ca dương tính với phẩy khuẩn tả, trong đó, một người có biểu hiện bệnh, dường như, mọi người chưa biết đến sự hiện diện của bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm tại nơi này.

Ngay trên đường Hai Bà Trưng, quanh chợ Tân Định (Quận 3) món Bò pía vẫn luôn hấp dẫn thực khách, chủ yếu là các thanh niên. Ở bất cứ con phố nào, có thể gặp những xe hàng rong, xe đẩy bán cá viên chiên, đậu hủ, bánh chưng chiên. Bất cứ lúc nào cũng có thể thấy vài ba em học sinh tan học, đói bụng mua bánh chưng chiên ăn mà không để ý đôi bàn tay mình đã quá bẩn sau một ngày miệt mài với bút vở. Vừa dừng xe đạp, cô bé học sinh với ngay lấy giấy ăn trên xe đẩy và nhón luôn một cái bánh ăn ngon lành. “Đói quá trời, mà ở đây đâu có nước rửa tay. Khỏi bày đặt, em xài giấy ăn là được rồi”, cô bé hồn nhiên nói.

Với dân ưa nhậu nhẹt, những quán nhậu trên đường Nguyễn Đình Chiểu là điểm dừng chân của họ. “Nhậu với Lẩu dê, Nhũ dê nướng chấm chao, rồi uống rượu Sơn Dương thì khỏi phải nói, chà chà, mới nghĩ tới đã muốn đi nhậu ngay rồi”, anh Tạ Nam Vĩnh nói. Theo anh, dù các món ăn của dân nhậu luôn kèm theo rau sống, rau thơm nhưng anh không ngại, vì rượu mạnh uống đã ấm bụng, khỏi lo lạnh bụng đi ngoài!

Cần lắm ý thức người dân

Theo ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Tây, việc phòng dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm rất gian nan và khó khăn. Vì người dân vô cùng thờ ơ, chủ quan với dịch. Người dân không nghe theo khuyến cáo của ngành y tế. Ông Hiền cho biết, nhiều gia đình, khi được hướng dẫn xử lý nước bằng Chloramin B xong liền đổ luôn xô, chậu nước đó đi vì chê có mùi khó chịu. Nhất là với lứa tuổi thanh niên, họ rất “khinh” dịch, thấy nhà hàng xóm có người bị tả nhưng vẫn không sợ, vô tư ăn uống để rồi sau đó mắc bệnh, phải truyền vài chục lít nước mới tỉnh ra.

“Bản thân tôi trước kia cũng thường xuyên ăn rau sống, coi đó là một thức ăn như bao thức ăn khác trong ngày. Nhưng mới đây, sau một lần ăn rau sống, tôi bị đau bụng dữ dội, may mà uống thuốc khỏi. Từ đó, tôi “cạch mặt” rau sống đến già”, anh Vĩnh Minh, người cùng viết bài này tâm sự.

Có điều, do thói quen người Việt, "chưa thấy quan tài thì chưa rơi lệ" nên chắc chắn, số dính tả rồi mới ân hận, ăn uống vệ sinh hơn chắc sẽ còn rất nhiều.

Cục trưởng Cục ATVSTP, PGS Trần Ðáng cũng phải kêu trời về tập quán, thói quen ăn uống mất vệ sinh của nhiều người dân. Đáng nói là một bộ phận sinh viên, cơm bụi, hàng rong, nhậu ngoài quán đã như một phần trong cuộc sống của họ, họ không có ý thức thay đổi nên nguy cơ mắc bệnh càng cao.

Ông Trần Ðáng nhận định: "Chắc chắn dịch không dừng lại ở số người mắc như hiện nay. Bởi ngành y tế có cố gắng đến đâu, người dân vẫn chưa ý thức thì câu chuyện đối đầu với dịch tả sẽ còn dài".

Hồng Hải - Vĩnh Minh