1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Nhiều “ngã ba đường” cho chiến lược phát triển Hà Nội

(Dân trí) - Báo cáo về chiến lược phát triển của Hà Nội như đang đặt ra quá nhiều “ngã ba đường” cho chính quyền thành phố. Trong khi đó, để phát triển một cách bền vững Hà Nội không thể đầu tư dàn trải mà cần một chủ trương đúng đắn và xuyên suốt.

Nhiều “ngã ba đường” cho chiến lược phát triển Hà Nội - 1
Quá nhiều “ngã ba đường” cho chiến lược phát triển Hà Nội
 
HĐND TP Hà Nội vừa tổ chức lấy ý kiến các nhà khoa học, quản lý cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, tầm nhìn 2050 và Quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn 2030.
 
Theo Sở KHĐT, dự báo, tốc độ tăng GDP bình quân thời kỳ 2011 - 2015 đạt 10%/năm và giảm xuống còn 9% trong giai đoạn 2016 - 2020. Tới năm 2015, GDP bình quân đầu người của Hà Nội sẽ tăng lên mức 3.300 USD. Đến 2030, mức thu nhập sẽ khoảng 11.000 USD/đầu người.
 
Ước tính, năm nay, GDP trên đầu người của Hà Nội đạt xấp xỉ 2.000 USD. Đến năm 2030, Hà Nội sẽ có dân số khoảng 9,4 triệu người. Trong đó, người dân sống tại đô thị gần 6,3 triệu người, ở nông thôn 3,1 triệu người. Hà Nội lúc đó là đô thị đa cực, đa trung tâm với 5 cụm đô thị vệ tinh. Vào năm 2020, tỷ lệ đô thị hóa của Thủ đô sẽ đạt 54 - 55%.
 
Đánh giá cao các mục tiêu Hà Nội đề ra trong quy hoạch, chiến lược song các nhà khoa học nhìn nhận, thành phố phải phân tích rõ hơn các thách thức cũng như cơ hội mà Hà Nội phải đối mặt trong những năm tới.
 
Trong đó, các hạn chế, yếu kém của thủ đô được nêu ra trong báo cáo chiến lược và quy hoạch do Sở KH-ĐT thành phố soạn thảo: kinh tế thủ đô chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, hạ tầng đô thị phát triển chậm, bảo vệ môi trường yếu kém, quản lý điều hành bất cập, trật tự an ninh xã hội có vấn đề.
 
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia còn cho rằng, báo cáo của thành phố còn chưa chỉ đúng và trúng thực trạng của thành phố hiện nay. Bên cạnh đó, tính thiếu thực tiễn và luận cứ khoa học của báo cáo cũng khiến Hà Nội phải lúng túng trong việc lựa chọn định hướng phát triển: trở thành một trung tâm văn hóa - kinh tế - chính trị - xã hội hàng đầu của cả nước.
 
Trong khi cần thiết hơn phải đặt trọng tâm vào một định hướng thật rõ ràng và không dàn trải. Nhiều chuyên gia cho rằng, nội dung của các báo cáo chưa nêu bật được bối cảnh, mục tiêu chiến lược hoặc đơn giản hơn là các đối tác chiến lược mà Hà Nội định đầu tư. Chiến lược đã bỏ rơi khu vực nông thôn, trong khi khu vực đó chiếm gần 70% dân số của thủ đô.
 
Xét một cách tổng thể, báo cáo của Hà Nội như đang đặt ra quá nhiều “ngã ba đường” cho chính quyền thành phố. Để phát triển một cách đúng đắn, chắc chắn Hà Nội không thể đầu tư dàn trải mà cần một chủ trương đúng đắn và xuyên suốt cho Hà Nội, dù là đến năm 2020 hay đến tận những năm 2050.
 
Lan Hương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm