1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Nga Putin thăm Việt Nam
  3. Metro số 1 TPHCM

Nhiều mô hình hay trong công tác bình đẳng giới ở Bình Dương

Phạm Diện

(Dân trí) - Nhiều mô hình hay trong công tác bình đẳng giới ở Bình Dương được thành lập và duy trì như: Ở đâu có trẻ mồ côi - Ở đó có mẹ đỡ đầu; Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp; Chi hội nữ công nhân nhà trọ...

Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2022-2030 trên địa bàn tỉnh Bình Dương được thực hiện nhằm đáp ứng mục tiêu thu hẹp khoảng cách giới. Việc này tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới dân tộc thiểu số tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Theo kế hoạch, trong lĩnh vực chính trị, phấn đấu đảm bảo tỷ lệ hợp lý cán bộ người dân tộc thiểu số, ưu tiên lãnh đạo nữ.

Đến năm 2025, đạt 60% và đến năm 2030 đạt 70% cơ quan quản lý Nhà nước về công tác dân tộc các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ. Lĩnh vực kinh tế, lao động, phấn đấu tăng tỷ lệ lao động nữ dân tộc thiểu số làm công hưởng lương đạt 50% vào năm 2025 và khoảng 60% vào năm 2030.

Nhiều mô hình hay trong công tác bình đẳng giới ở Bình Dương - 1

Phụ nữ Bình Dương trong một buổi đối thoại với Chủ tịch UBND tỉnh (Ảnh: Phụ nữ Bình Dương).

Giảm tỷ lệ lao động nữ dân tộc thiểu số làm việc trong khu vực nông nghiệp xuống dưới 30% vào năm 2025 và dưới 20% vào năm 2030; tỷ lệ nữ giám đốc, chủ doanh nghiệp, hợp tác xã là nữ dân tộc thiểu số đạt ít nhất 5% vào năm 2025 và 10% vào năm 2030.

Bình Dương phấn đấu giảm tỷ lệ nữ dân tộc thiểu số làm các công việc "Lao động gia đình không hưởng lương" xuống 40% vào năm 2025 và 30% vào năm 2030; tối thiểu 60% số vụ bạo lực trên cơ sở giới của nhóm dân tộc thiểu số được phát hiện và được tư vấn hoặc tiếp cận ít nhất một trong các dịch vụ hỗ trợ cơ bản.

Từ năm 2025 trở đi, 100% số nạn nhân người dân tộc thiểu số bị mua bán trở về có nhu cầu hỗ trợ sẽ được hưởng các dịch vụ hỗ trợ và tái hòa nhập cộng đồng.

Bên cạnh đó, bình đẳng giới được đưa vào chương trình giảng dạy trong hệ thống giáo dục quốc dân đạt 100% từ năm 2025 trở đi. Tỷ lệ trẻ em trai và trẻ em gái dân tộc thiểu số hoàn thành giáo dục tiểu học đạt trên 90% vào năm 2025 và khoảng 99% vào năm 2030.

Theo bà Trương Thanh Nga, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Bình Dương, địa bàn tỉnh có nhiều công nhân lao động nhập cư. Vì vậy, Hội LHPN tỉnh đã chủ động tham mưu, đề xuất UBND tỉnh ban hành nhiều chính sách đặc thù hỗ trợ an sinh xã hội trên địa bàn, trong đó chú trọng tới đối tượng nữ công nhân lao động.

Tỉnh tổ chức các hoạt động dạy nghề, giới thiệu việc làm, chăm lo đời sống nữ công nhân và nhiều đối tượng phụ nữ yếu thế khác.

Các cấp Hội ở Bình Dương đã thành lập, duy trì nhiều mô hình hay, hiệu quả như: Ở đâu có trẻ mồ côi - Ở đó có mẹ đỡ đầu; Xuân ấm áp yêu thương; Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp; Chi hội nữ công nhân nhà trọ; Chi hội nữ Phật giáo Bình Dương.

Theo bà Nga, công tác bình đẳng giới ở Bình Dương luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm và thực hiện đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

Qua công tác này, phụ nữ ngày càng khẳng định được vai trò, vị thế của mình trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình.