Nhiều lo ngại về ảnh hưởng xấu của đập thủy điện Xayaburi
(Dân trí) - Nếu đập thủy điện Xayaburi (nằm ở Lào) được xây dựng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hàng chục triệu cư dân đồng thời tác động tiêu cực đến cư dân trong vùng cũng như ảnh hưởng nghiêm trọng đến Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) - vựa lúa của cả khu vực.
Dự án đập thủy điện Xayaburi là một trong 12 dự án đập thủy điện trên dòng chính Mê Kông. Công trình này nằm hoàn toàn trên lãnh thổ của Lào, cách Đồng bằng sông Cửu Long khoảng 1900 km, dài 810m, có công suất dự kiến là 1260MW, đã chính thức được Chính phủ Lào thông báo cho Ủy hội sông Mê Kông quốc tế vào tháng 10/2010 và đang trong giai đoạn tham vấn các nước liên quan là Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Theo quy định, thời gian tham vấn kéo dài 6 tháng và hạn cuối để các nước thể hiện quan điểm chính thức là 22/4/2011.
Trước những nguy cơ đập Xayaburi gây ra, hôm 3/3, WWF đưa ra cảnh báo, các nhà đầu tư vào dự án hãy nhìn vào bài học từ đập sông Mun (Thái Lan), một thất bại về kinh tế điển hình gây ảnh hưởng lớn đến môi trường và bất ổn xã hội.
Công trình đập sông Mun được xây dựng vào những năm 1990, vượt quá ngân sách và làm giảm lượng thuỷ sản ở đây, làm cộng đồng phải di cư nhưng đã thất bại trong việc mang lại lợi nhuận cho các nhà đầu tư. Hiện Chính phủ Thái Lan đang nghiên cứu phương án mở vĩnh viễn các cửa trên đập sông Mun với hi vọng khôi phục hệ sinh thái khu vực sông và khôi phục đời sống người dân trên một nhánh sông Mê Kông.
Rất nhiều chuyên gia lo ngại những nguy cơ này cũng có thể lặp lại với đập Xayaburi, đang dự kiến được xây dựng ở dòng chính sông Mê Kông ở Bắc Lào, dòng sông có đa dạng sinh học lớn nhất ở châu Á
Theo WWF, hiện nay đời sống của hàng chục triệu cư dân ở khu vực này đang bị đe doạ. Tiến sĩ Suphasuk Pradubsuk, điều phối viên về chính sách của WWF Thái Lan cho biết: "Sông Mê Kông là một hệ sinh thái rất phức tạp và đặc biệt, nơi đây có nguồn lợi thủy sản nước ngọt cho năng suất lớn nhất trên thế giới và đứng thứ hai chỉ sau sông Amazon về số lượng các loài cá."
Chuyên gia cảnh báo đập Xayaburi sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống cư dân toàn vùng. (Ảnh minh họa)
Với 233 triệu USD, đập sông Mun đã tiêu tốn gấp đôi lượng đầu tư dự tính ban đầu, trong khi đó sản lượng điện đạt được chỉ đạt 1/3 dự tính trong mùa khô. Tỷ suất hoàn vốn chỉ ở mức 5% so với 12% như dự tính.
Ông Trương Hồng Tiến - Phó Chánh Văn phòng Thường trực, Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam cho biết, trong các quốc gia trong Ủy hội sông Mê Kông (MRC) thì Lào có lợi nhất từ đập Xayaburi. Trong khi đó, lượng thủy sản của Việt Nam sẽ giảm từ 200.000 - 400.000 tấn/năm.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thái Lai khẳng định, việc xây dựng công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới tài nguyên nước và gây sự quan tâm sâu sắc đến cộng đồng dân cư sống bên dòng sông. Đáng chú ý, việc xây dựng thuỷ điện trên dòng chính Mê Kông được các chuyên gia đánh giá là có tác động sâu sắc tới ĐBSCL, trong khi đây là là vựa lúa cung cấp lương thực cho khoảng 17 triệu người dân.
Về những tác động kép tiềm tàng đối với ĐBSCL do biến đổi khí hậu, nước biển dâng và tốc độ phát triển nhanh chóng của các nước thượng lưu, đặc biệt trên dòng chính Mê Kông, ĐBSCL sẽ phải đứng trước mối đe dọa chịu ảnh hưởng bởi tác động nghiêm trọng của tình trạng xâm nhập mặn. Điều đó sẽ gây thiệt hại lớn cho ngành thủy sản, giảm sản lượng lương thực cũng như thiệt hại không thể dự báo trước về sự mất đi của các loài cá.
Phía WWF ủng hộ việc trì hoãn phê duyệt các đập trên dòng chính hạ lưu sông Mê Kông trong 10 năm để đảm bảo hiểu biết toàn diện về những tác động của việc xây dựng và vận hành đập. Campuchia cũng là nước ủng hộ đề xuất của các chuyên gia quốc tế đưa ra trong báo cáo môi trường chiến lược là lùi việc xây đập.
P. Thanh