1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Nhiều lo ngại lạm phát quay trở lại

(Dân trí) - Những chính sách kích thích kinh tế, tập trung vào tăng trưởng của Chính phủ khiến giới chuyên gia lo ngại lạm phát quay trở lại vào năm 2010.

Nhiều lo ngại lạm phát quay trở lại - 1
Lạm phát là nỗi lo lớn của người tiêu dùng.
 
Ngày 10/11, hội thảo “Giải pháp tài chính - tiền tệ đối với nền kinh tế Việt Nam sau thời kỳ suy giảm" do Viện Kinh tế Việt Nam phối hợp với Tạp chí Ngân hàng tổ chức tại Hà Nội. Những chính sách tài chính - tiền tệ hỗ trợ nền kinh tế Việt Nam phát triển ổn định, bền vững trong trung và dài hạ là chủ đề chính được thảo luận tại đây.
 
Tại hội thảo, các nhà khoa học, các chuyên gia kinh tế đều nhìn nhận các chính sách kích thích kinh tế trong thời gian qua của Chính phủ đã phát huy tác dụng tích cực, hỗ trợ nền kinh tế Việt Nam chủ động ngăn chặn được suy giảm kinh tế. Tuy nhiên, với độ trễ của các chính sách tài chính, tài khóa kích thích kinh tế, việc giữ vững tỷ giá, kìm chế lạm phát ở mức 1 con số rất khó thực hiện trong năm 2010.
 
Theo TS. Vũ Đình Ánh, Viện Nghiên cứu Khoa học Thị trường giá cả, gói kích thích kinh tế năm 2009 đã góp phần giải quyết được một số vấn đề trước mắt, nhưng những hệ quả tiêu cực mà nó để lại tương đối dài đối với khả năng tăng trưởng bền vững, cũng như ổn định kinh tế vĩ mô.
 
Đặc biệt là việc triển khai nhiều cơ chế hỗ trợ lãi suất, cùng với chính sách nới lỏng tiền tệ đã làm tổng phương tiện thanh toán và tín dụng tăng ở mức cao, gây sức ép tăng lãi suất và lạm phát.
 
Việc nới lỏng chính sách tài khóa thời gian qua cũng đã dẫn tới hệ quả trực tiếp là bội chi ngân sách ở mức cao; nợ Chính phủ tăng mạnh từ 36,5% GDP năm 2008 lên đến 40% GDP 2009 và dự kiến khoảng 44% GDP vào năm 2010.
 
Do đó, khá nhiều diễn giả không đồng tình với gói kích thích nền kinh tế thứ hai. PGS, TS. Trần Đình Thiên, Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, tiếp tục thực hiện gói kích cầu thứ hai đồng nghĩa với việc làm tăng thâm hụt ngân sách cho năm 2010.
 
Mặc dù năm 2009, mức thâm hụt ngân sách ước tính là 6,9% GDP, thấp hơn mức Quốc hội cho phép do lượng tiền kích cầu chưa được “bơm” ra hết, song không phải vì thế mà năm 2010 được phép chi tiêu kích cầu bù.
 
Ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam bày tỏ, cho vay hỗ trợ lãi suất giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn tập trung vào một số đối tượng là chấp nhận có sự bao cấp, tạo nên sự không công bằng với doanh nghiệp không thuộc diện hỗ trợ.
 
Những biện pháp lãi suất mà hệ thống ngân hàng thực hiện thời gian qua mặt nào đó làm méo mó thị trường tiền tệ, lãi suất cho vay thấp hơn lãi suất huy động, chu chuyển vốn không thông suốt, dễ bị lợi dụng làm khó khăn cho công tác thanh kiểm soát.
 
Dư nợ cho vay đối với nền kinh tế liên tục tăng cao trong những tháng gần đây cũng là một trong những yếu tố tác động tới lạm phát. 10 tháng qua, tăng trưởng tín dụng của cả nền kinh tế đã lên tới 33%; dự báo năm 2009, tốc độ tăng có thể đạt gần 40%. Dư nợ cho vay với nền kinh tế tăng cao là do tổ chức tín dụng thực hiện chương trình cho vay hỗ trợ lãi suất đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh…
 
Việc hàng loạt ngân hàng chạy đua tăng lãi suất huy nhằm đáp ứng nhu cầu vốn của doanh nghiệp và người dân vào dịp cuối dẫn đến hệ quả là tăng chi phí vốn, làm tăng giá thành sản xuất, khiến việc huy động vốn trái phiếu Chính phủ gặp nhiều khó khăn.
 
Nếu không có những chính sách kịp thời, hiệu quả, mức lạm phát cao trong thời gian tới có thể triệt tiêu những hiệu quả mà các chính sách kích thích kinh tế hiện nay đem lại.
 
Bên cạnh đó, công tác dự báo trong nền kinh tế cũng cần có sự quan tâm đúng mức vì những dự báo chuẩn xác có thể giúp Chính phủ, Ngân hàng Nhà Nước đưa ra được những quyết định phù hợp, kịp thời, giải quyết những vướng mắc ngay từ khâu phê duyệt…
 
An Hạ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm