1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Kiên Giang phải kiểm điểm rút kinh nghiệm

Nguyễn Hành

(Dân trí) - Liên quan đến vi phạm về đất đai, khoáng sản, môi trường tại Kiên Giang giai đoạn 2011-2017, nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh này bị tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm.

Sau khi Thanh tra Chính phủ có Thông báo kết luận số 602/KL-TTCP, về việc chấp hành pháp luật trong quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai, khoáng sản ở Kiên Giang, ngày 15/5, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang ban hành Kế hoạch số 76 về tổ chức thực hiện Kết luận Thanh tra Chính phủ số 602.

Sau hơn 2 tháng thực hiện việc kiểm điểm, đến ngày 22/7, Thanh tra tỉnh Kiên Giang có báo cáo cụ thể về kết quả xử lý. Theo đó, có 24 đơn vị phải tổ chức kiểm điểm, trong đó có 11 sở, ban ngành, 13 huyện, thành phố. Tuy nhiên, đến thời điểm báo cáo chỉ mới 10/24 đơn vị hoàn thành việc tổ chức kiểm điểm như chỉ đạo Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang.

Theo đó, đối với UBND tỉnh Kiên Giang có 14 vị đều chung hình thức “Kiểm điểm rút kinh nghiệm”. Cụ thể:

- 2 cán bộ từng giữ chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2011-2017 (ông Phạm Vũ Hồng - Chủ tịch UBND tỉnh và ông Lê Văn Thi - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang).

- 6 Phó Chủ tịch UBND tỉnh: bà Lê Kim Phụng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các ông nguyên Phó Chủ tịch tỉnh gồm: ông Lê Khắc Ghi, ông Lâm Hoàng Sa, ông Mai Văn Huỳnh, ông Nguyễn Thanh Nghị (nay là Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang), ông Mai Anh Nhịn.

- 6 thành viên ủy ban. 

Nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Kiên Giang phải kiểm điểm rút kinh nghiệm - 1

Liên quan đến vi phạm về quản lý đất đai, khoáng sản, môi trường, nhiều lãnh đạo UBND tỉnh Kiên Giang, Sở, ngành, huyện thị bị "kiểm điểm rút kinh nghiệm".

Nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Kiên Giang phải kiểm điểm rút kinh nghiệm - 2

Tình trạng tách thửa, phân lô ở Phú Quốc đã bị "đóng băng"

Các sở ban ngành như: Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở NN&PTNT, lãnh đạo các Hạt Kiểm lâm, Sở TN&MT, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, Cục thuế, một số cán bộ các huyện… Tổng cộng hơn 60 cán bộ bị tổ chức kiểm điểm với hình thức “rút kinh nghiệm”.

Riêng UBND huyện Phú Quốc có 21 cán bộ, công chức bị kiểm điểm “rút kinh nghiệm” và 16 người bị kỷ luật. Trong đó 5 cá nhân liên quan công tác quản lý đất đai và trật tự xây dựng vi phạm đến mức “cảnh cáo”; 11 cá nhân nhận hình thức kỷ luật “khiển trách”, trong đó có ông Đinh Khoa Toàn - nguyên Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc.

Nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Kiên Giang phải kiểm điểm rút kinh nghiệm - 3

Sau Thanh tra, UBND huyện Phú Quốc tiếp tục phát hiện 565 vụ vi phạm về đất đai, xây dựng...

Ngoài ra, ngành chức năng Kiên Giang còn cho biết, đối với lĩnh vực đất đai, trật tự xây dựng, sau Thông báo Kết luận Thanh tra, ngành chức năng huyện Phú Quốc đã phát hiện 565 vụ vi phạm, trong đó về đất đai 308 vụ, lĩnh vực xây dựng 257 vụ.

Từ những sai phạm này, UBND huyện Phú Quốc Đã ban hành 340 quyết định xử lý vi phạm, trong đó đất đai là 143 vụ, xây dựng là 197 vụ. Phát hiện hơn 1 triệu 145 ngàn mét vuông đất nhà nước quản lý bị lấn chiếm.

Đối với 43 dự án chậm tiến độ bị Thanh tra Chính phủ kiến nghị thu hồi, UBND tỉnh Kiên Giang giao Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Quốc xử lý. Hiện đơn vị này đang khẩn trương hoàn thành việc kiểm tra, rà soát các dự án trong diện thu hồi để có báo cáo về UBND tỉnh Kiên Giang.

Trước đó, Cục Thuế tỉnh Kiên Giang cho biết, đơn vị đã thu được 900 tỷ đồng/2.300 tỷ đồng. Đây là số tiền sai phạm khi Kiên Giang thực hiện chính sách pháp luật trong quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai, khoáng sản ở Kiên Giang, giai đoạn 2011 -2017.

Theo Cục Thuế Kiên Giang, hiện đã thu hồi 3,3 tỷ  đồng tiền doanh nghiệp nợ đọng thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường;  hơn 822 tỷ đồng nợ đọng tiền sử dụng đất; gần 52 tỷ tiền sai phạm trong đất đai, khoáng sản; 23 tỷ tiền nợ cấp quyền khai thác khoáng sản của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, có gần 40 tỷ không thể thu hồi do doanh nghiệp phá sản, không triển khai dự án.

Đối với số tiền hơn 1.570 tỷ đồng sử dụng đất, thuê đất doanh nghiệp nợ đọng, qua kiểm tra thực tế, Cục Thuế Kiên Giang cho biết số tiền đơn vị này theo dõi  hơn 1.549 tỷ, chênh lệch hơn 21 tỷ so với kết luận của Thanh tra Chính phủ. Tỉnh Kiên Giang đã điều chỉnh miễn giảm cho doanh nghiệp hơn 463 tỷ đồng do giảm diện tích đất giao.