1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Giai đoạn 2 vụ Nguyễn Lâm Thái và đồng bọn:

Nhiều lãnh đạo bưu điện tỉnh sẽ bị xử lý

Diễn biến điều tra vụ án Nguyễn Lâm Thái đang bước vào giai đoạn nóng, cho thấy tính chất đặc biệt nghiêm trọng của vụ án này. Sự nghiêm trọng không chỉ thể hiện ở con số: Ngân sách Nhà nước mất trên 40 tỉ đồng, mà còn là nguy cơ "mất" quá nhiều cán bộ.

Chỉ trong vòng một tuần, Cơ quan điều tra đã khởi tố bị can đối với 4 cán bộ ngành bưu điện, trong đó có giám đốc bưu điện hai tỉnh Thừa Thiên - Huế và Đồng Nai. Được biết, đây chưa phải là con số cuối cùng về số cán bộ trong ngành bưu điện liên quan đến đường dây tội phạm của Nguyễn Lâm Thái.

 

Theo tài liệu điều tra thì Tập đoàn CIP của Nguyễn Lâm Thái đã cung cấp thiết bị cho 38 bưu điện tỉnh, thành phố, đơn vị trong Tổng Cty Bưu chính - Viễn thông (VNPT) với tổng giá trị hợp đồng lên đến trên 60 tỉ đồng. Hầu hết các hợp đồng trên, Nguyễn Lâm Thái và đồng bọn đều dùng thủ đoạn nâng khống giá trị lên từ 4 đến 7 lần và rút ra được trên 40 tỉ đồng để chia nhau (chiếm 2/3 tổng giá trị hợp đồng).

 

Ngoài Bưu điện tỉnh Thái Nguyên, Đồng Nai, Thừa Thiên - Huế, còn có hàng loạt các đơn vị khác cũng có những hành vi vi phạm tương tự... như Bưu điện tỉnh Ninh Thuận, Bưu điện tỉnh Long An, Bưu điện tỉnh An Giang, Bưu điện tỉnh Bình Thuận, Bưu điện tỉnh Bình Định, Bưu điện tỉnh Thanh Hoá... Danh sách bưu điện các tỉnh, thành phố dày lên theo tài liệu điều tra, trong số đó có Bưu điện thành phố Hà Nội; Bưu điện tỉnh Cần Thơ; tỉnh Hà Nam; tỉnh Phú Yên, thành phố Đà Nẵng; tỉnh Ninh Bình; tỉnh Cà Mau....

 

Theo nhận định của các cơ quan chức năng thì sai phạm trong các thương vụ trên đều giống nhau, đó là lãnh đạo bưu điện các tỉnh, thành phố đã thiếu trách nhiệm, cố ý làm trái các quy định của Nhà nước... để Nguyễn Lâm Thái và Tập đoàn CIP nâng khống giá thiết bị từ 4 đến 7 lần mà vẫn ký hợp đồng.

 

Trung tâm Thẩm định giá "tạo điều kiện" cho sai phạm?

 

Quá trình điều tra, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (C15) đã làm rõ: Các cá nhân, đơn vị giao dịch với Nguyễn Lâm Thái và đồng bọn đều sai phạm ngay từ những nguyên tắc cơ bản nhất. Cụ thể, đa số việc đầu tư mua sắm thiết bị đều được chỉ định thầu; việc mua bán hàng hoá, thiết bị chỉ dựa vào giấy giới thiệu của các Cty trong Tập đoàn CIP của Nguyễn Lâm Thái; không có quyết định đầu tư, hoặc có quyết định đầu tư nhưng không nêu nguồn vốn; không tham khảo giá thiết bị ngoài thị trường, mà chấp nhận báo giá của Tập đoàn CIP đưa ra...

 

Theo tài liệu điều tra thì Trung tâm Thẩm định giá - Bộ Tài chính không thể trốn trách nhiệm trong vụ án này. Những thông tin mới nhất cho thấy, Trung tâm Thẩm định giá có tham gia thẩm định giá cho khoảng 21 bưu điện tỉnh, thành phố và đơn vị của VNPT trong các thương vụ mua thiết bị gồm camera, biển quảng cáo, phù điêu của Tập đoàn CIP. Tuy nhiên, việc thẩm định giá được tiến hành rất hời hợt, vô trách nhiệm, không căn cứ trên cơ sở giá trị thực của thiết bị trên thị trường.

 

Tập đoàn CIP của Nguyễn Lâm Thái báo giá lên thế nào, Trung tâm Thẩm định giá có văn bản đồng ý với giá đó, dù nó bị nâng khống lên từ 4-7 lần giá thị trường. Chính việc thẩm định giá thiếu trách nhiệm trên của Trung tâm Thẩm định giá đã giúp cho các Cty trong Tập đoàn CIP của Nguyễn Lâm Thái "bắt tay" được với hàng loạt các bưu điện tỉnh, thành phố... để chiếm đoạt của Nhà nước hàng chục tỉ đồng.

 

Theo nguồn tin của Lao Động, Cơ quan điều tra sẽ kiên quyết xử lý nghiêm đối với tất cả các đơn vị, cá nhân có vi phạm trong vụ việc này. Theo đó hàng loạt lãnh đạo bưu điện các tỉnh, thành phố, đơn vị trong VNPT "dính" vào vụ án này sẽ "sa lưới" pháp luật. 

 

Theo Duy Thanh
Lao Động