1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Thừa Thiên - Huế:

Nhiều khu nghỉ dưỡng, dân... hết đường ra biển

(Dân trí) - Những khu du lịch nghỉ dưỡng san sát thuộc các huyện ven biển tỉnh Thừa Thiên - Huế tuy đóng góp rất lớn cho ngân sách địa phương nhưng cũng gây nên một thực tế: “cản” đường ra biển của nhiều ngư dân và cả khách du lịch.

Du khách đến “Vịnh đẹp nhất thế giới” mà... không được tắm

 

Chúng tôi về thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc - TT-Huế), nơi chiếm nhiều khu du lịch nghỉ dưỡng nhất trong số các bãi biển ở Huế. Dọc trục quốc lộ từ đầu đến cuối thị trấn này, tìm “mỏi mắt” tuyệt nhiên không thấy nổi một con đường dẫn vào bãi tắm của 1 trong những Vịnh biển đẹp nhất thế giới này.
 
Nhiều khu nghỉ dưỡng, dân... hết đường ra biển - 1
Hai du khách quá mỏi chân khi tìm đường ra biển Lăng Cô, dừng chân nghỉ tạm bên vệ đường

 

Nhiều nhóm khách du lịch nghỉ ở các khách sạn, nhà nghỉ bình dân đối diện bãi biển cũng mất hàng tiếng đồng hồ để tìm đường đi ra biển nhưng cuối cùng đành thất vọng quay về.

 

Chủ khách sạn Quỳnh Liên nằm gần bãi tắm du lịch Lăng Cô, anh Phạm Đức Tuần, than thở: “Chỗ tôi có rất nhiều khách du lịch tới nghỉ lại. Họ đến đây vì rất muốn tắm biển khi được biết Lăng Cô là 1 trong 30 Vịnh biển đẹp nhất thế giới. Nhưng rồi họ rất thất vọng vì không tìm được 1 con đường nào ra biển. Chúng tôi đã giải thích và hướng dẫn họ đi tắt qua các khu du lịch. Họ giận và nói tại sao ở gần biển không có đường mà phải đi tắt. Như vậy là thiếu tôn trọng du khách. Ước tính chúng tôi đã thất thu hàng trăm triệu đồng do khách quen không đến đây nữa”.
 
Nhiều khu nghỉ dưỡng, dân... hết đường ra biển - 2

Nhiều đụn cát cao chắn trước biển cũng là 1 chướng ngại nữa cho dân và du khách ra biển

 

Ông Trần Văn Giảng, Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô, cho biết: “Đã nhiều năm qua, vì tỉnh TT-Huế cấp liền kề các dự án quy hoạch du lịch nên khi các khu du lịch nghỉ dưỡng được xây dựng lên, nằm sát nhau choán đường ra biển. Tiếp đến là vì địa hình có nhiều đụn cát chắn trước biển nên người dân và du khách không thể trèo qua mà xuống tắm biển được. Ngoài khách du lịch hạng sang ở các khu nghỉ dưỡng sát biển, khách bình dân ở các nhà nghỉ, khách sạn đối diện biển đều rất khó ra biển vì không có đường. Từ năm 2004 đến năm 2008 đã có tổng cộng 12 dự án đầu tư du lịch được giao đất dọc biển. Tính ra đường bờ biển Lăng Cô đã khít hết.

 

Dân đi tắm đa phần phải đi tắt qua các doanh nghiệp du lịch có vị trí nằm trước biển. Nhiều lần doanh nghiệp không cho dân đi qua và đuổi về, dân rất bức xúc. Cũng có tình trạng khu du lịch thu tiền của dân đi nhờ vào bãi biển nhưng chúng tôi đã chấn chỉnh ngay.

 

Nhiều lần họp trước dân, chúng tôi đã bàn về việc này. Hiện tại Ban đầu tư xây dựng huyện Phú Lộc đang xúc tiến thi công 1 con đường bê tông dài 150m, rộng 12m cạnh giáo xứ Loan Lý. Đến hè này sẽ hoàn thành cho dân và khách xuống biển tắm, nghỉ mát”.
 
Nhiều khu nghỉ dưỡng, dân... hết đường ra biển - 3

Khách muốn đến với “Vịnh đẹp Thế giới” chỉ có thể... đi nhờ qua các khu du lịch cao cấp.

 

Trao đổi về việc cần có bao nhiêu đường ra biển, ông Giảng nhẩm tính: “Với chiều dài khoảng 10km, phải cần 3 con đường ra biển. Sắp tới quý 2 năm 2011, một con đường ngang ra biển nữa sẽ đi từ đồn Biên Phòng Lăng Cô với chiều dài 265m, rộng 12m. 2 con đường ngang này cách nhau 3,5km, tuy cũng hơi xa cho dân và khách nhưng trong tình thế hiện tại, như vậy có thể chấp nhận được”.
 
Nhiều khu nghỉ dưỡng, dân... hết đường ra biển - 4

Con đường ra biển đang được xây dựng để phục vụ dân dự kiến sẽ hoàn thành vào hè 2011.
 
Nhiều khu nghỉ dưỡng, dân... hết đường ra biển - 5
Bãi biển Lăng Cô rất đẹp nhưng lại bị giảm doanh thu từ nhiều khách lẻ, khách bình dân do không có đường dành riêng cho khách đi ra biển (Ảnh: Văn Trân)
Nhiều khu nghỉ dưỡng, dân... hết đường ra biển - 6

Trong khi đó, bãi tắm Thuận An (huyện Phú Vang) luôn đông nghịt người.

 

Ngư dân không có đường ra biển

 

Tại xã Phú Thuận (huyện Phú Vang), khu Resort Ven Biển của chủ đầu tư Vinconstec JSC với diện tích gần 10ha, kéo dài 1,4km trên dải bờ biển đang đi vào giai đoạn đền bù, tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng, cũng đang bị ngư dân có ý kiến là sẽ cản đường ra biển của họ.

 

Ông Nguyễn Long, ngư dân thôn Trung An, xã Phú Thuận, bức xúc: “Từ xưa đến nay, chúng tôi chuyên nghề đánh bắt hải sản. Có 3 con đường ra biển để bà con di chuyển ngư lưới cụ phục vụ mưu sinh. Từ hôm có dự án xây dựng Resort Ven Biển, chúng tôi rất phấn khởi vì quê hương ngày càng đổi mới. Nhưng tiếc thay khi thiết kế công trình lại không để đường dân sinh cho bà con đi lại. Chúng tôi đề nghị nên có ít nhất 2 con đường ra biển để thuận bề đi lại”.
 
Nhiều khu nghỉ dưỡng, dân... hết đường ra biển - 7

Nhiều ngư dân Phú Thuận bất bình về việc khu resort chiếm đường ra biển của họ.

 

Bà Phan Thị Xuân, Bí thư Đảng uỷ xã Phú Thuận, trao đổi: “Theo quy hoạch dự án sẽ để 2 bãi đậu tàu thuyền cho dân ở 2 đầu khu resort. Số thuyền ở giữa sẽ dồn về 2 bãi này. Ngư dân có thuyền bị di dời yêu cầu mở 1 con đường nhỏ ở giữa resort nhưng theo ý kiến lãnh đạo resort thì rất khó vì sẽ làm phá vỡ kiến trúc tổng thể. Đến nay vẫn dùng dằng giữa hai bên. Hiện bãi biển Phú Thuận đã có 1 khu du lịch Làng Du lịch Villa Louise Huế đang chuẩn bị hoàn thành. Nếu thêm khu Resort Ven Biển nữa thì chiều dài đường bờ cũng đã mất gần 1 nửa”.

 

Ngư dân Lê Ế lo lắng: “Nếu dồn thuyền vào 2 bãi 2 đầu khu resort, nếu có bão sẽ gây ra va đập cho khoảng 300 thuyền đậu nằm san sát ở đây. Chúng tôi lại ở xa chỗ thuyền đậu, việc bảo quản trang thiết bị sẽ rất khó, có thể sẽ bị mất cắp đồ đạc”.
 
Nhiều khu nghỉ dưỡng, dân... hết đường ra biển - 8
Khu Resort Ven Biển chiếm chiều dài gần ½ bãi biển Phú Thuận (1,5km trên tổng số 4km)

 

Ông Huỳnh Quang Tuyến, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận, đồng tình: Với chiều dài 1,5km của khu resort, ngư dân ở giữa phải đi bộ vác lưới cụ với trọng lượng lớn là rất khổ. Yêu cầu mở thêm 1 - 2 con đường của dân là thiết thực. Hiện UBND xã Phú Thuận đã có tờ trình lên huỵện và tỉnh xem xét điều chỉnh phù hợp với nguyện vọng của ngư dân.
 
Nhiều khu nghỉ dưỡng, dân... hết đường ra biển - 9

Ông Lê Ế chỉ về con đường xa gần 1km để ôm ngư lưới cụ nặng ra thuyền - khi Resort Ven Biển đi vào hoạt động. Thuyền chài để ở xa cũng rất khó kiểm soát.

 

Theo thống kê của Sở VH-TT-DL tỉnh Thừa Thiên Huế: Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 43 dự án đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật phát triển du lịch, với tổng số vốn đăng ký đầu tư là 49.000 tỷ đồng. Trong đó, 22 dự án đã khởi công và đang triển khai xây dựng với tổng số vốn hơn 20.000 tỷ đồng; 21 dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư và đang tiến hành các thủ tục để chuẩn bị khởi công với tổng số vốn 29.000 tỷ đồng.

 

Các dự án du lịch chủ yếu là loại hình du lịch biển. Riêng khu vực Lăng Cô - huyện Phú Lộc chiếm tới 14 dự án.

 

Đại Dương