Thái Bình:
Nhiều diện tích rừng đặc dụng tan hoang sau đợt triều cường mạnh
(Dân trí) - Bắt đầu từ 16h chiều ngày 25/7, nước biển bắt đầu dâng cao kèm những đợt sóng lớn đã đánh mạnh vào mặt Cồn Vành khiến nhiều diện tích rừng đặc dụng bị cuốn trôi, sóng lớn khiến toàn bộ bờ kè do người dân tự xây để bảo vệ đất và rừng hư hỏng.
Do ảnh hưởng của mưa bão, kết hợp với triều cường lớn, nước biển dâng cao xâm thực gây sạt lở mạnh ở khu vực rừng phòng hộ Cồn Vành, thuộc xã Nam Phú, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình
Theo đó, từ 16h - 22h ngày 25/7, nước biển ở khu vực biển Cồn Vành bắt đầu dâng cao kèm theo những đợt sóng lớn đánh dồn dập vào bờ kè do người dân xây dựng để bảo vệ đất và rừng phòng hộ. Những đợt sóng to đánh ngang những thân cây phi lao có chiều cao từ 8-10m. Triều cường kéo dài đến hơn 22h00' mới kết thúc.
Việc nước biển xâm thực đất liền khiến người dân vô cùng lo lắng. Theo ghi nhận đây là đợt nước biển xâm thực lớn nhất từ trước đến nay ở biển Cồn Vành. Để đảm bảo an toàn, lực lượng bộ đội biên phòng cửa Ba Lạt đã ra thông báo cấm người dân và phương tiện ra biển trong thời gian này.
Đợt nước biển xâm thực đất liền khiến khu vực Cồn Vành xuất hiện nhiều điểm sạt lở nặng, cuốn đi hàng loạt cây xanh trong khu rừng phòng hộ và nhiều diện tích bờ kè bị hư hỏng hoàn toàn.
Theo ông Phạm Văn Lộc, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Tiền Hải, thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thái Bình cho biết: Theo thống kê sơ bộ, có hơn 1.000m chiều dài bờ biển cồn Vành, thuộc khu vực xã Nam Phú bị sạt lở nghiêm trọng, trong đó có khoảng 300m rừng đặc dụng (cây phi lao) và sóng đã ngoạm sâu vào bờ khoảng 3m, cuốn đi toàn bộ đất và cây rừng.
Đức Văn