1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Thừa Thiên - Huế:

Nhiều điểm sạt lở nguy hiểm ở bờ sông, đường núi “lộ diện” sau lũ

(Dân trí) - Cơn lũ ngày thứ bảy vừa rồi vừa qua thì Huế lại nhận thêm 1 trận lũ vào sáng nay (7/11). Nhiều điểm sạt lở tại bờ sông và đường núi ở nhiều huyện đã lộ ra gây nguy hiểm cho người dân.

Tại huyện Hương Trà, vào ngày 6/11, đoạn sông Hương đi qua thôn Long Hồ Thượng, xã Hương Hồ đã bị sạt lở một đoạn 30m, sâu 10m, ảnh hưởng đến gần 100 hộ dân. Hàng trăm m3 đất, nhiều cây cối ven bờ bị “nuốt” chửng.

Cụ Hoàng Thị Ca (70 tuổi) sợ hãi nói: “Lúc khoảng 8 giờ, tui mang quần áo ra giặt thì thấy đất bị sạt lở. Sợ quá tui vội chạy lên bờ, lên vừa đến nơi thì chỗ đất tui đứng đã trôi xuống nước”.Tại nhà ông Nguyễn Văn A bên cạnh, đất cũng bị sát lở ăn sâu đến sân nhà. Tường nhà ông A bị nứt toác một đoạn dài. Bà con dân làng cùng nhau giúp gia đình ông A vận chuyển đồ đạc đi gửi các nhà khác.

Nhiều điểm sạt lở nguy hiểm ở bờ sông, đường núi “lộ diện” sau lũ - 1
 Sạt lở nặng ngày 6/11 ở thôn Long Hồ Thượng, xã Hương Hồ (huyện Hương Trà)

Hiện 5 hộ dân bị đe dọa nước sông sẽ “nuốt” nhà đã được di tản khẩn cấp. Ông Hà Thành, phó trưởng thôn Long Hồ Thượng cho biết: “Mấy chục năm nay, chưa xảy ra sạt lở nghiêm trọng như vậy. Nguyên nhân là do tình trạng khai thác cát sạn trái phép. Thứ hai do đất đai xốp, thiếu độ chắc chắn, thiếu bờ kè che chắn. Thứ ba do nước lũ dâng cao từ đêm 4, ngày 5-11.

Lãnh đạo Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh TT-Huế đã cùng với UBND huyện Hương Trà đi kiểm tra thực địa điểm sạt lở nặng trên và đã xuất 1.000 bao tải kết hợp sử dụng đất cát tại địa phương, huy động lực lượng tại chỗ đến xử lý tạm thời điểm sạt lở này.

Cũng ở huyện này, từ đầu mùa lũ tháng 10 đến nay, ở các vùng Long Khê, Lai Thành (xã Hương Vân) đã liên tục xảy ra tình trạng sạt lở bờ sông, làm cho đời sống của người dân vùng ven sông ngày càng khốn khó. Hiện có 6 hộ dân bị trực tiếp ảnh hưởng do sạt lở ở thôn Lai Thành với chiều dài đoạn bờ sông bị ảnh hưởng hơn 10m, bề rộng bị ăn sâu vào đất liền 15m.

Theo ông Nguyễn Xuân Ty, Chủ tịch UBND huyện Hương Trà, huyện sẽ trình lên tỉnh phương án xây bờ kè chắc chắn nhằm đảm bảo sự an toàn cho dân sau mùa mưa lũ.

Nhiều điểm sạt lở nguy hiểm ở bờ sông, đường núi “lộ diện” sau lũ - 2

Đoạn sạt lở dài nhất hơn 700m tại xã Lộc Vĩnh (huyện Phú Lộc) đã ăn sâu vào gần nền nhà dân

Đặc biệt, sạt lở bờ sông dài nhất thuộc về huyện Phú Lộc. Tại đoạn sông Bù Lu qua thôn Cảnh Dương (xã Lộc Vĩnh) đang bị sạt lở nặng 700m chiều dài, kéo sâu vào bờ 15m, ảnh hưởng trực tiếp đến 7 hộ ở sát sông và gián tiếp đến 35 hộ dân ở gần bờ sông.

Ở huyện miền núi A Lưới, theo ông Hồ Xuân Trăng, Chủ tịch UBND huyện này cho hay từ đầu mùa mưa đến giờ đã có hơn 50 điểm sạt lở thường xuyên tại các tuyến đường của huyện. Cụ thể, ở đường QL49B từ Huế lên A Lưới có nhiều điểm mới làm đường đã bị sạt lở đi, sạt lở lại như km 70, km 75: bị sạt lở nặng nhất. Tại đường Hồ Chí Minh đi qua đèo Peeke cũng bị sạt lở. Ngoài ra, ở các ngầm đi qua các khe suối tại xã Hồng Thủy cũng bị nước lũ tràn qua nhiều gây ách tắc cục bộ trong thời gian ngắn khi lũ lên.

Hiện các công nhân của các đơn vị thi công đường của Công ty CP Quản lý & Xây dựng đường bộ tỉnh TT-Huế đã túc trực ngày đêm và dọn thông đường mỗi khi có sạt lở. Cứ mỗi sáng sớm, công nhân đều dành từ 2-3h để dọn đất đá bị sạt lở từ vách và đỉnh núi tràn xuống đường. Theo thông tin mới nhất chúng tôi nhận được trong chiều nay (7/11), 2 điểm sạt lở nặng nhất là Km 70, Km 75 qua QL49 lên huyện A Lưới đã hoàn toàn thông đường.

Tình hình mưa bão tại tỉnh TT-Huế đang diễn biến theo chiều phức tạp. Những điểm sạt lở trên cần được tỉnh, huyện sửa ngay sau lũ để tránh cho bà con bị ảnh hưởng đến tính mạng và đời sông về lâu dài.

Chùm ảnh các điểm sạt lở bờ sông, đường núi nguy hiểm tại Huế do PV, CTV Dân trí TT-Huế thực hiện:

Nhiều điểm sạt lở nguy hiểm ở bờ sông, đường núi “lộ diện” sau lũ - 3

Cây cối hoa màu và đất đá đã đổ sụp xuống dòng sông Hương ở thôn Long Hồ Thượng
Nhiều điểm sạt lở nguy hiểm ở bờ sông, đường núi “lộ diện” sau lũ - 4

Bà Lê Thị Thủy (thôn Lai Thành, xã Hương Vân) chỉ vào điểm sạt lở rộng 15m ngay sát vườn mình (ảnh: Xuân Trường)
Nhiều điểm sạt lở nguy hiểm ở bờ sông, đường núi “lộ diện” sau lũ - 5

Nhiều đoạn bị sông khoét vào tạo thành hình phễu (ảnh: Xuân Trường)
Nhiều điểm sạt lở nguy hiểm ở bờ sông, đường núi “lộ diện” sau lũ - 6

Sạt lở trên chiều dài lớn ở xã Lộc Vĩnh
Nhiều điểm sạt lở nguy hiểm ở bờ sông, đường núi “lộ diện” sau lũ - 7

Người dân ở xã Lộc Vĩnh bất lực đứng trước vùng bờ vừa bị khoét sâu bởi sông dữ sau lũ
Nhiều điểm sạt lở nguy hiểm ở bờ sông, đường núi “lộ diện” sau lũ - 8

Sạt lở trên QL49B đi huyện miền núi A Lưới (ảnh: Ngọc Thụ)
Nhiều điểm sạt lở nguy hiểm ở bờ sông, đường núi “lộ diện” sau lũ - 9

Tuy đã thông đường đèo nhưng vẫn còn nguy cơ bị sạt lở đất đá từ trên núi xuống (ảnh: Ngọc Thụ)
Đại Dương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm