Nhiều công ty “con” của Vinashin xin lìa “mẹ”
Hôm qua 9/8, hàng loạt công ty con của Vinashin “kêu khổ” trong cuộc họp với lãnh đạo UBND TP Hải Phòng với mong muốn được tách khỏi tập đoàn mẹ.
Xin bỏ thương hiệu Vinashin
Phát biểu tại cuộc họp, ông Vũ Hoàng Chương, Giám đốc Công ty đóng tàu Thành Long nói, các doanh nghiệp sẽ tự lo bằng cách xin được chuyển đổi mục đích sử dụng, bán đất để lấy vốn phục vụ sản xuất kinh doanh.
Cụ thể ông Chương đề nghị lãnh đạo UBND TP cho phép được chuyển dự án nhà máy đóng tàu mới của công ty từ An Đồng, An Dương sang Lâm Động, Thủy Nguyên để tránh ô nhiễm cho khu dân cư. Khu đất của công ty ở An Đồng sẽ chuyển mục đích sử dụng và... bán.
Một số doanh nghiệp còn có đề nghị được gỡ bỏ thương hiệu Vinashin. Ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty CP CNTT Shinec cho biết, cho đến nay công ty ông vẫn chưa hề nhận được một đồng nào góp vốn từ Vinashin trừ 30% vốn góp bằng thương hiệu.
Theo ông Lê Khắc Nam, Giám đốc Sở Xây dựng TP, kết quả rà soát các dự án của Vinashin trên địa bàn thời gian qua cho thấy, có 28 chứng chỉ quy hoạch xây dựng đã được cấp, tuy nhiên có tới 22/28 chứng chỉ đã quá hạn. |
Ngoài số tiền tạm ứng trước của chủ tàu, ngân hàng chỉ cho vay hạn mức 500 tỉ đồng, đến hạn trả rồi mới được vay tiếp. Thiếu vốn sẽ không hoàn thành kế hoạch giao tàu, chủ tàu sẽ vin vào đây để khống chế đòi giảm giá. Và nếu kéo dài thêm thời gian giao tàu thì chủ tàu sẽ hủy hợp đồng luôn.
Đại diện Tổng công ty công nghiệp tàu thủy Bạch Đằng khẳng định, một năm công ty đóng từ 10 đến 12 con tàu. Hiện công ty có 3 dự án nhưng mới chỉ thực hiện được một là dự án Nhà máy lắp ráp động cơ diesel Mitsubishi. Tuy nhiên, đầu ra cho sản phẩm rất khó khăn do chưa có hợp đồng đóng mới với các chủ tàu trong và ngoài nước.
Lỗ vì tham bát bỏ mâm
Lãnh đạo Tổng công ty công nghiệp tàu thủy Bạch Đằng thừa nhận, trước khi đóng tàu ồ ạt họ đã từng phát huy rất tốt công việc sửa chữa tàu, doanh thu từ việc này lên tới 60 đến 70 tỉ đồng/năm.
Thế nhưng trong thời cực thịnh của ngành đóng mới tàu thủy, ngay cả triền đà phục vụ cho việc sửa chữa tàu công ty cũng huy động dành cho đóng tàu mới. Sau đó công ty có tiến hành xây dựng triền đà khác để phục vụ công tác sửa chữa nhưng đang làm dở thì hết tiền.
Chuyện đầu tư ở Công ty công nghiệp tàu thủy Nam Triệu cũng rất bất cập. Trong khi đang thiếu vốn đóng tàu trầm trọng thì công ty này vẽ ra hàng loạt dự án như: xây dựng công viên nghĩa trang, khu nhà ở thương mại và xã hội, xây dựng trang trại chăn nuôi...
Ông Nguyễn Văn Học tại cuộc họp cũng thừa nhận, Công ty đóng tàu Phà Rừng đã đầu tư tới gần 1.000 tỉ đồng vào dự án xây dựng Công ty đóng tàu Sông Giá Thủy Nguyên nhưng đến nay do khó khăn về tài chính nên không thể tiếp tục được và 1.000 tỉ đồng đang bị ngâm trong dự án đầu tư dang dở...
Lãnh đạo UBND TP Hải Phòng bày tỏ quyết tâm hỗ trợ các doanh nghiệp có dự án tốt, đúng ngành nghề nhằm đảm bảo đời sống cho người lao động. Các dự án thiếu vốn, không khả thi sẽ thu hồi hoặc chuyển giao cho chủ đầu tư khác.
Theo Phạm Hải Sâm
Báo Thanh niên