1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Nhiều công dân khiếu kiện có hành vi manh động, côn đồ

(Dân trí) - Theo Ban Tiếp công dân Trung ương, các đoàn công dân khiếu kiện đông người lên Trung ương có sự tổ chức chặt chẽ, thái độ bức xúc, manh động, sẵn sàng có hành vi gây mất an ninh, trật tự nhằm gây sức ép đối với các cơ quan tham gia tiếp công dân tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương (số 1 Ngô Thì Nhậm, quận Hà Đông, Hà Nội).

Một buổi tiếp dân tại TPHCM của lãnh đạo Thanh tra Chính phủ mới đây (Ảnh: TTCP)
Một buổi tiếp dân tại TPHCM của lãnh đạo Thanh tra Chính phủ mới đây (Ảnh: TTCP)

Theo báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác năm 2016 của Ban Tiếp công dân Trung ương (Thanh tra Chính phủ), năm nay đơn thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp đến Trụ sở Tiếp công dân Trung ương, Thanh tra Chính phủ giảm so với năm 2015 cả về số lượt công dân, số lượng đơn thư và số lượt đoàn đông người. Mặc dù vậy, tình hình khiếu nại của công dân trong phạm vi cả nước cũng như tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương (Hà Nội và TPHCM) vẫn diễn biến phức tạp, tính chất manh động gia tăng và tiềm ẩn yếu tố chính trị.

“Các đoàn công dân khiếu kiện đông người lên Trung ương có sự tổ chức chặt chẽ, thái độ bức xúc, manh động, sẵn sàng có hành vi gây mất an ninh, trật tự nhằm gây sức ép đối với các cơ quan tham gia tiếp công dân tại Trụ sở; công dân thường xuyên tập trung tại cổng các cơ quan trung ương, nhà riêng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đòi được giải quyết. Cùng với đó là số công dân khiếu kiện chây ỳ, đeo bám dài ngày tại Trụ sở, căng băng rôn, khẩu hiệu, la hét, chửi bới,… gây cản trở hoạt động của Trụ sở và an ninh, trật tự trên địa bàn Thủ đô Hà Nội và TPHCM”- báo cáo nêu rõ.

Lợi dụng tình hình trên, các phần tử chính trị, cơ hội đã xúi giục công dân ghi hình đưa lên mạng xã hội để kích động công dân khiếu kiện, nói xấu chính quyền, kêu gọi ủng hộ về vật chất nhằm lôi kéo công dân khiếu kiện lưu lại dài ngày ở Thủ đô Hà Nội và TPHCM gây bất ổn về an ninh, trật tự, nhất là trong thời gian diễn ra các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước.

Đáng chú ý, Ban Tiếp công dân Trung ương cho biết trong năm 2016, tính chất manh động, côn đồ của công dân khiếu kiện diễn ra khá phổ biến. Ví dụ như: Thích Nữ Đàm Thoa (tỉnh Bắc Giang), Nguyễn Xuân Thái (tỉnh Nam Định), Thạch Thị Phúc (tỉnh Trà Vinh) mang xăng vào Trụ sở Tiếp công dân Trung ương dọa tự thiêu, Nguyễn Thị Luyến (tỉnh Kon Tum) có hành vi lăng mạ, nhổ nước bọt vào mặt cán bộ tiếp công dân, công dân khiếu kiện của tỉnh Bình Định có hành vi lôi kéo, ôm chân cán bộ tiếp công dân trong khuôn viên Trụ sở,…

Đỉnh điểm là việc công dân Phạm Thị Thuận (tỉnh Thanh Hóa) dùng dao tấn công gây thương tích ở đầu và mặt thường trực tiếp công dân Thanh tra Chính phủ đã bị xử lý hình sự; công dân Nguyễn Xuân Thái (tỉnh Nam Định) đánh vào mặt thường trực tiếp công dân Ban Nội chính Trung ương; các công dân quá khích của tỉnh Bạc Liêu và một số tỉnh khác đã tập trung bao vây, xô đẩy, hành hung đối với Trưởng ban Tiếp công dân Trung ương Nguyễn Hồng Điệp...

“Các hành động trên gây áp lực tâm lý đối với cán bộ tiếp công dân nói chung và cán bộ, công chức, người lao động thực hiện nhiệm vụ tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương tại Hà Nội và TPHCM nói riêng”-báo cáo nêu rõ.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Ban Tiếp công dân Trung ương cũng thừa nhận trong quá trình triển khai nhiệm vụ còn một số hạn chế cần tiếp tục khắc phục như chưa xây dựng xong cơ sở dữ liệu quốc gia về tiếp công dân và xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo; công tác theo dõi, đôn đốc, nắm tình hình khiếu nại, tố cáo của địa phương chưa được thực hiện hiệu quả.

Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân chưa được cải thiện để đáp ứng được yêu cầu đặt ra trong tình hình mới. Trong khi việc đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức làm công tác tiếp dân chưa được quan tâm đúng mức, trình độ chuyên môn không đồng đều.

“Trong một số trường hợp, thái độ của công chức thực hiện nhiệm vụ chưa thực sự đúng mực, gây bức xúc cho công dân. Môi trường làm việc thường xuyên bị áp lực do tiếp xúc với công dân khiếu kiện bức xúc, thái độ gay gắt, đôi khi có lời lẽ xúc phạm công chức thực hiện nhiệm vụ”- cơ quan này nhìn nhận.

Năm 2017, Ban Tiếp công dân Trung ương đặt mục tiêu xây dựng kế hoạch phối hợp kiểm tra, rà soát lại đối với các vụ việc khiếu kiện chây ỳ, kéo dài, phức tạp nhằm thống nhất hướng xử lý, báo cáo lãnh đạo Thanh tra Chính phủ thông báo chấm dứt việc tiếp, giải quyết đối với những đối tượng lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo, cố tình không chấp hành các quyết định giải quyết đúng, đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan có thẩm quyền.

Đồng thời tăng cường việc kiểm tra, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương trong công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền. Đôn đốc địa phương thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ và Trụ sở Tiếp công dân Trung ương trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Kha Xuân Lộc

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm