Vĩnh Phúc phát triển ra sao khi Chủ tịch tỉnh bị bắt?

Thế Kha

(Dân trí) - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Vĩnh Phúc Vũ Việt Văn cho rằng, do kịp thời tháo gỡ điểm nghẽn, vướng mắc nên hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh "nhìn chung ổn định".

UBND tỉnh Vĩnh Phúc vừa có thông báo kết quả phiên họp tháng 3 và triển khai nhiệm vụ tháng 4.

Sau khi ông Lê Duy Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc bị bắt, phiên họp trên do ông Vũ Việt Văn, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh chủ trì.

Kết luận cuộc họp, ông Vũ Việt Văn khẳng định tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều nhóm giải pháp đồng bộ, nhanh chóng khắc phục các khó khăn, đảm bảo an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội.

Do kịp thời tháo gỡ điểm nghẽn, vướng mắc nên theo ông Văn, hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn Vĩnh Phúc "nhìn chung ổn định". Tốc độ tăng tổng sản phẩm (GRDP) quý I ước tăng 4,06% so với cùng kỳ (quý I/2023 tăng trưởng -0,5%).

Vĩnh Phúc phát triển ra sao khi Chủ tịch tỉnh bị bắt? - 1

Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Vĩnh Phúc Vũ Việt Văn (Ảnh: Trần Chiến).

Trong đó, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 3 tăng 25,7% so với tháng trước và giảm 3,16% so với cùng kỳ năm 2023.

Quý I, ước tính IIP ở Vĩnh Phúc tăng 6,67% so với cùng kỳ năm trước; chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 4,63% và chỉ số tồn kho tháng 3 tăng 9,19%.

Điều đó cho thấy hoạt động sản xuất công nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc còn gặp nhiều khó khăn. Thông báo của UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng đưa ra chỉ số sản xuất các ngành công nghiệp chủ lực: Ngành sản xuất linh kiện điện tử tăng 13,49% so cùng kỳ; ngành sản xuất trang phục tăng 7,84%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại tăng 3,96%; sản xuất ô tô giảm 20,23% và xe máy giảm 4,64%.

Theo UBND tỉnh Vĩnh Phúc, trong quý I hoạt động đầu tư phát triển có sự gia tăng ở khu vực ngoài Nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài với mức tăng lần lượt là 9,23% và 6,11%.

Tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công quý I đạt khá cao, tăng hơn 3% so với cùng kỳ năm 2023; cao hơn tỷ lệ giải ngân của cả nước (đạt 8,7% kế hoạch) và xếp thứ 3/63 các địa phương có tỷ lệ giải ngân cao.

Tính đến giữa tháng 3, Vĩnh Phúc đã thu hút được 12 dự án DDI (6 dự án mới, 6 dự án điều chỉnh vốn) với tổng vốn đăng ký đạt gần 2.100 tỷ đồng.

Khu vực FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài), tỉnh đã cấp giấy phép cho 25 dự án (13 dự án mới, 12 dự án điều chỉnh vốn) với tổng vốn đăng ký trên 347 triệu USD.

Vĩnh Phúc phát triển ra sao khi Chủ tịch tỉnh bị bắt? - 2

Thành phố Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc (Ảnh: Cổng TTĐT Vĩnh Phúc).

Mặc dù số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới có sự chững lại, nhưng lãnh đạo Vĩnh Phúc cho hay, có sự gia tăng đáng kể về vốn đăng ký với 3.325 tỷ đồng, tăng 40,73% so với cùng kỳ.

Tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới (tính đến giữa tháng 3) là 283 doanh nghiệp, giảm 6,9%. 158 doanh nghiệp quay trở lại thị trường và 577 doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng kinh doanh.

Toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho gần 6.400 lao động; lao động thôi việc, mất việc trên 1.600 người.

Định hướng nhiệm vụ trong tháng 4, Phó Chủ tịch thường trực tỉnh Vĩnh Phúc Vũ Việt Văn chỉ đạo cơ quan, đơn vị kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư.

Ông yêu cầu đảm bảo phân bổ hết nguồn vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, tiến độ các dự án lớn, trọng điểm, các dự án tạo động lực phát triển của tỉnh.

UBND huyện Lập Thạch, huyện Sông Lô rút kinh nghiệm sâu sắc trong việc chấp hành kỷ luật kỷ cương hành chính, phối hợp công tác, chậm báo cáo kết quả giải phóng mặt bằng.

Lãnh đạo Vĩnh Phúc cũng chỉ đạo Chủ tịch UBND các huyện, thành phố đẩy nhanh tiến độ giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân được hưởng tiêu chuẩn đất dịch vụ, đặc biệt đối với các huyện Sông Lô, Lập Thạch, Tam Dương, Tam Đảo, Vĩnh Tường - các địa phương có kết quả giải quyết đất dịch vụ thấp nhất tỉnh này.

Nhiều lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc bị bắt

Ngày 8/3 vừa qua, Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết, Cơ quan CSĐT đã khởi tố bị can, bắt tạm giam bà Hoàng Thị Thúy Lan (Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Phúc) và ông Lê Duy Thành (Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc) cùng về tội Nhận hối lộ.

Đến cuối tháng 3, Cơ quan CSĐT Bộ Công an tiếp tục ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Phạm Hoàng Anh (Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc) cũng về tội Nhận hối lộ.

Đây là kết quả của quá trình Bộ Công an điều tra mở rộng vụ án Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn (trụ sở tại huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc).