1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

ĐBSCL:

Nhiều cây xăng ở miền Tây bán nhỏ giọt, không có nhân viên phục vụ

Nguyễn Hành

(Dân trí) - Nhiều cây xăng ở miền Tây đóng cửa, bán nhỏ giọt. Một số cây xăng mở cửa nhưng không có nhân viên đổ xăng.

Ngày 9/10, theo ghi nhận của phóng viên, nhiều cây xăng trên tuyến quốc lộ 1A, đoạn đi qua các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành, của tỉnh Tiền Giang, hàng loạt cây xăng treo biển hết xăng. Một số cây bán nhỏ giọt cho khách đi đường, mỗi lần đổ chỉ 30.000 đồng.

Ngoài ra, còn nhiều cây xăng vẫn mở cửa nhưng không có nhân viên phục vụ.

Nhiều cây xăng ở miền Tây bán nhỏ giọt, không có nhân viên phục vụ - 1

Nhiều cây xăng trên quốc lộ 1A đoạn đi qua các huyện Cai Lậy, Cái Bè, Châu Thành tỉnh Tiền Giang tạm ngưng hoạt động hoặc bán nhỏ giọt (Ảnh: Hữu Khoa).

Nhiều cây xăng ở miền Tây bán nhỏ giọt, không có nhân viên phục vụ - 2

Một cây xăng ở huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang mở cửa nhưng có duy nhất một nhân viên bán hàng và chỉ bán 30.000 đồng cho người dân đi xe máy (Ảnh: Hữu Khoa).

Một chủ doanh nghiệp cây xăng tư nhân trên địa bàn huyện Cai Lậy, cho biết, nguyên nhân đóng cửa cây xăng là vì thua lỗ nhiều ngày; giá bán ra thấp hơn giá mua vào khiến ông không thể cầm cự được.

Còn tại An Giang, trên tuyến quốc lộ 91, đoạn phường Mỹ Thạnh, TP Long Xuyên, có 3 cây xăng treo bảng hết xăng (cây xăng ACC 1, cây xăng ACC 2 thuộc Công ty cổ phần Xây lắp An Giang và một cây xăng của Doanh nghiệp tư nhân Thu Thủy).

Nhiều cây xăng ở miền Tây bán nhỏ giọt, không có nhân viên phục vụ - 3

Một cây xăng dọc quốc lộ 1A đoạn qua địa bàn (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) thông báo hết xăng (Ảnh: Hữu Khoa).

Trên địa bàn TP Long Xuyên, An Giang, còn xuất hiện nhiều cây xăng bán nhỏ giọt cho người dân. Theo đó, khi khách đến cây xăng Hòa Bình 2 (phường Bình Khánh, TP Long Xuyên), mỗi người dân chỉ được đổ xăng 30.000 đồng/xe máy, ô tô thì được mua 200.000 đồng/người.

Còn tại Đồng Tháp, trong những ngày qua, trên địa bàn các huyện Lai Vung, Lấp Vò có nhiều cây xăng treo biển hết xăng.

Nhiều cây xăng ở miền Tây bán nhỏ giọt, không có nhân viên phục vụ - 4

Cửa hàng xăng dầu ACC 1, cây xăng ACC 2 (thuộc Công ty cổ phần Xây lắp An Giang) đóng cửa, ngưng hoạt động (Ảnh: CTV).

Theo báo cáo Sở Công thương tỉnh Đồng Tháp, toàn tỉnh có 515 cửa hàng xăng dầu. Đến nay, có trên 20 cửa hàng bán lẻ xăng dầu đã gửi đơn xin ngừng kinh doanh, chủ yếu là cửa hàng tư nhân.

Lý do các doanh nghiệp xin ngừng kinh doanh là kinh doanh thua lỗ, thiếu vốn nhập hàng, bảo trì, sửa chữa cửa hàng hoặc xin tạm ngưng hoạt động cho đến khi được chiết khấu ổn định trở lại.

Thời gian xin tạm ngừng hoạt động của các doanh nghiệp từ vài tuần đến không xác định thời hạn. Lý do là kinh doanh thua lỗ, thiếu vốn nhập hàng, bảo trì, sửa chữa cửa hàng hoặc xin tạm ngưng hoạt động cho đến khi được chiết khấu ổn định trở lại.

Một lãnh đạo Công ty cổ phần Dầu khí Đồng Tháp, cho biết, hiện nay các cửa hàng bán lẻ tập trung lấy hàng từ Petrolimex và Petimex. Do đó, đối với Petimex đang bị áp lực. Cụ thể, trước đây, trung bình mỗi tháng, đơn vị  bán khoảng 55 triệu lít xăng dầu thì bây giờ đã tăng trên 71 triệu lít.

Cán bộ này mong Bộ Công Thương và Bộ Tài chính tính toán lại giá cơ sở xăng dầu tăng từ 500 đồng trở lên cho các cơ sở xăng dầu có lợi nhuận mới hoạt động ổn định.

Ông Giang Chấn Tây - Giám đốc Công Ty TNHH MTV Bội Ngọc (Phường 1, TP Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh) cho biết, việc bình ổn giá đối với các mặt hàng thiết yếu là cần thiết, đặc biệt là lĩnh vực xăng dầu. 

Ông Tây còn cho rằng, có rất nhiều giai đoạn doanh nghiệp bán lẻ càng bán ra càng lỗ mà vẫn phải bấm bụng bán nhưng không ai bù lỗ. Điều này dẫn đến một số doanh nghiệp bị âm vốn, khó có thể trụ nổi và đóng cửa.

Theo ông Tây để kinh doanh xăng dầu ổn định, ngành chức năng cần phải thay đổi cách tính giá cơ sở cho phù hợp với tình hình mới.