Nhiều cán bộ tư pháp biến chất, nhận tiền để xử án sai
(Dân trí) - Trong 6 loại tội phạm nêu trong buổi tổng kết, tội phạm trong hoạt động tư pháp là tội phạm duy nhất gia tăng trong năm qua. Nhiều án có cán bộ tư pháp thoái hóa, biến chất, nhận hối lộ để xử án sai, thậm chí dùng nhục hình với người bị giam…
Viện trưởng VKSNDTC Trần Quốc Vượng trao đổi tại Hội nghị
Cụ thể, tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia bị khởi tố 11 vụ (giảm 17 vụ). Đáng chú ý tại Hà Nội, Quảng Bình, một số đối tượng lợi dụng tôn giáo để kích động, lôi kéo giáo dân gây rối với chính quyền địa phương nhằm đòi lại đất do Nhà nước quản lý. Riêng tại TP Hồ Chí Minh, các đối tượng cơ hội chính trị đã cấu kết với tổ chức phản động người Việt ở nước ngoài gia tăng hoạt động chống phá nhằm lật đổ chính quyền, phát tán nhiều tài liệu để tuyên truyền xuyên tạc, phá hoại đường lối của Đảng.
Có 289 vụ phạm tội tham nhũng, chủ yếu tập trung trong lĩnh vực đất đai, tài chính, đầu tư xây dựng cơ bản và trong các dự án lớn Nhà nước. Một số người đã lạm dụng chức vụ để chiếm đoạt tiền trợ cấp khó khăn cho đồng bào bị thiên tai, bão lũ. Trong các đối tượng phạm tội được nêu ra, tham nhũng là loại vi phạm giảm… ít nhất (chỉ thấp hơn 7 vụ so với 2008) .
Giảm nhiều nhất là tội phạm về kinh tế (bị khởi tố hơn 31.000 vụ, giảm 3.570 vụ). Rất nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi như lập dự án “ma” qua việc góp tiền mua nhà hoặc thu gom giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để thế chấp vay vốn ngân hàng. Hàng trăm tỷ đồng cũng “biến mất” qua các đơn vị xuất khẩu lao động. Nhiều người nước ngoài đến lao động hay du lịch tại Việt Nam cũng góp phần gia tăng loại tội phạm này thông qua việc trộm cắp, lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhân dân.
Điển hình, bị khởi tố hình sự là các vụ “rút ruột” tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ (thị xã Điện Biên); Đề án Tin học hóa quản lý hành chính Nhà nước giai đoạn 2001-2005 (Đề án 112); Dự án Đại lộ Đông Tây và Môi trường nước (TP Hồ Chí Minh)…
Về tội phạm xâm phạm trật tự, an toàn xã hội trong năm qua, cơ quan điều tra đã khởi tố hơn 23.200 vụ án (giảm 150 vụ).
Theo ông Trần Quốc Vượng, Viện trưởng VKSNDTC, “các băng nhóm tội phạm hoạt động ngày càng táo bạo. Trong một số vụ, đối tượng đã dùng đến cả súng quân dụng và súng tự chế thanh toán nhau để dành địa bàn”.
Riêng về các vụ án ma túy lớn nhất trong năm qua đã diễn ra tại Hòa Bình. Vào ngày 06 và 08/08/2009, hai đối tượng vận chuyển ma túy “hạng nặng” là Dương Ngô Huy (41,9kg) và Vàng A Lự (12,2kg) đã bị bắt quả tang khi đi qua cửa khẩu. Trước đó, cơ quan chức năng đã triệt phá 3 vụ vận chuyển trái phép chất ma túy, bắt giữ 25 đối tượng, trong đó có 16 người nước ngoài. Thủ đoạn mới là tội phạm đã thuê một số phụ nữ người Việt vận chuyển ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam để tiêu thụ, hay vận chuyển tiếp đến nước thứ ba. Với 11.366 vụ khởi tố, các án ma túy đã giảm 470 vụ.
Trong 6 loại tội phạm nêu ra trong buổi tổng kết, đáng lưu ý là tội phạm trong hoạt động tư pháp. Bị khởi tố 203 vụ, tăng 9 vụ, đây là tội phạm duy nhất đã gia tăng trong vòng 1 năm. Viện kiểm sát đã chỉ ra nhiều án có cán bộ tư pháp thoái hóa, biến chất trong việc nhận hối lộ, lạm dụng chức trách để ra quyết định trái pháp luật trong giải quyết vụ án; thi hành án không đúng nội dung bản án. Thậm chí có cả trường hợp dùng nhục hình với người bị giam.
Hầu hết các tội phạm đều giảm do nhiều nguyên nhân như: Việc thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự; nhiều hành vi nguy hiểm cho xã hội không còn bị coi là tội phạm và được cơ quan chức năng xử lý bằng các biện pháp khác…
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Trương Tấn Sang, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng chỉ đạo: “Năm 2010 là là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong công cuộc đổi mới đất nước, năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2006 - 2010). Đối với ngành Kiểm sát nhân dân, để thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, thực hiện đầy đủ quyền hạn, trách nhiệm từ việc kiểm sát giải quyết tin báo, tố giác tội phạm, khởi tố điều tra, bắt, tạm giữ, tạm giam, xử lý vụ án nhằm hạn chế đến mức thấp nhất việc bỏ lọt tội phạm đồng thời, không để xảy ra việc làm oan người vô tội. Ngành cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa về tổ chức và hoạt động, tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật về chức năng, nhiệm vụ theo yêu cầu cải cách tư pháp, hội nhập và hợp tác quốc tế”.
Đại Dương