1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Thanh Hóa:

Nhiều cán bộ chủ chốt gian lận bằng cấp

(Dân trí) - Môtíp quen thuộc của những tấm bằng "đại học nhảy cóc" này là trình độ văn hóa "đại học chữ to" cố "chạy" một cái giấy chứng nhận "bổ túc văn hóa trung học", vậy là đương nhiên có đủ điều kiện học đại học tại chức. Nhiều cán bộ chủ chốt của Thị ủy Bỉm Sơn đã bị phát hiện gian lận bằng cấp.

Dùng bằng "Công nhân kỹ thuật" chạy đầu vào đại học

 

Câu chuyện bằng cấp của vị Phó Bí thư Thị ủy kiêm Chủ tịch UBND thị xã Sầm Sơn sẽ mãi mãi câm lặng nếu không có những lá đơn tố cáo của người dân. Ông Lê Văn Liên (khu phố Khanh Tiến - phường Trung Sơn- thị xã Sầm Sơn) đã nhiều lần làm đơn tố cáo: Ông chủ tịch Nguyễn Văn Hòa học hết cấp II (lớp 7 cũ) nhưng lại khai trong lý lịch Đảng, lý lịch cán bộ và các tờ khai khi bầu cử HĐND là trình độ văn hóa 10/10.

 

Ông Hòa không học cấp III, không học bổ túc văn hóa trung học mà học lớp "Công nhân kỹ thuật" ngành cơ khí khai thác 2 năm nhưng hồ sơ lại ghi là học Trung cấp Thủy sản. Không những thế, ông còn sử dụng bằng cấp III giả và bằng "Công nhân kỹ thuật" để gian lận đầu vào Đại học tại chức ngành Xây dựng Đảng và chính quyền Nhà nước tại Phân viện báo chí và tuyên truyền.

 

Phó Chánh án TAND tỉnh An Giang sử dụng bằng giả

Ông Dương Thành Long hiện là phó chánh án Tòa án nhân dân tỉnh An Giang.

Tại khóa thi ngày 5/6/1996 do Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận Phú Nhuận tổ chức (như trong bằng ghi), trong danh sách thí sinh không hề có tên Dương Thành Long sinh ngày 7/3/1954. (Tuổi trẻ)

Qua nhiều đợt thanh tra, Vụ giáo dục thường xuyên - Bộ Giáo dục & đào tạo đã đưa ra  kết luận về giá trị của bằng tốt nghiệp "Công nhân kỹ thuật trường Trung cấp Thủy sản": Trường Trung cấp Thủy sản được phép đào tạo, cấp bằng tốt nghiệp ở hai tình độ trung học chuyên nghiệp và công nhân kỹ thuật. Theo quy chế tuyển sinh hiện hành, bằng tốt nghiệp "Công nhân kỹ thuật" không có giá trị, không đủ điều kiện để đáp ứng "trình độ đầu vào" theo học các trình độ cao đẳng, đại học trong hệ thống giáo dục quốc dân.

 

Và Phân viện Báo chí và tuyên truyền đã có Quyết định số 44 ngày 10/2/2006 thu hồi bằng tốt nghiệp Đại học tại chức ngành Xây dựng Đảng số hiệu A06034 cấp ngày 6/5/1995 của ông Hòa.

 

Nhưng tấm bằng nhảy cóc ấy cho đến khi bị phát hiện gian lận đã giúp ông lên đến những vị trí lãnh đạo cao nhất của thị xã Sầm Sơn. Và hậu quả là hàng loạt sai phạm phát sinh như một lẽ tất yếu. Trong bản kiểm điểm Đảng của mình, dù quanh co chối tội, đổ lỗi cho người khác, cuối cùng, ông Hòa vẫn phải thừa nhận những việc làm vô lối: tự điều chỉnh mặt bằng quy hoạch khu dân cư, sai phạm trong việc chuyển mục đích sử dụng đất (SDĐ), hợp lý hóa quyền SDĐ, sử dụng sai mục đích tiền SDĐ, tham ô…

 

Trưởng ban Dân vận "mua" bằng trung học

 

Bà Hoàng Thị Thơm - Ủy viên Ban Thường vụ Thị ủy, trưởng ban Dân vận Thị ủy thị xã Sầm Sơn trước đây công tác tại Thị đoàn Sầm Sơn. Chưa tốt nghiệp phổ thông, không đi học Bổ túc văn hóa (BTVH) nhưng vẫn khéo xoay được tấm bằng tốt nghiệp trung học BTVH số 513 ngày 1/6/1990.

 

Tấm bằng mua bán này đã được sử dụng làm hồ sơ thi tuyển vào trường ĐH Công đoàn ngành quản trị kinh doan, hệ tại chức. Rồi tấm bằng ĐH "ma" ấy lại thành công cụ hợp pháp, đắc lực giúp chủ nhân của nó lên như diều giữa chốn quan trường.

 

Đồng tiền đi trước… là đồng tiền khôn, tấm bằng giả thật hoàn hảo để khai gian lý lịch là tốt nghiệp BTVH cấp III, lừa dối tổ chức, chi bộ Đảng để tiến thân.

 

Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Thanh Hóa cuối cùng đã phải xác nhận những thông tin tố cáo từ nhân dân về sai phạm của đồng chí Trưởng ban dân vận thị ủy thị xã Sầm Sơn là có thật. Hình thức kỷ luật Đảng: khiển trách đã được chính thức đưa ra.

 

Khiển trách - ngay cả vị Chủ tịch UBND thị xã nói trên sau tất cả những dối trá, sai phạm nghiêm trọng, vô lối cũng tự nhận khuyết điểm với hình thức kỷ luật nhẹ nhất này. Những tấm bằng gian dối cả về trình độ và đạo đức của những người cán bộ, hại nước hành dân ấy "lọt lưới" quá dễ dàng, quá trôi chảy. Hậu quả không đong đếm được là niềm tin bị đánh cắp, có hình thức kỷ luật nào lấy lại được?

 

Phương Thảo - Nguyễn Hiền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm