1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Nhiều bộ, ngành cùng hiến kế quản Uber, Grab

(Dân trí) - Thời gian vừa qua, tại Hà Nội và TPHCM đã bùng nổ dịch vụ vận tải hành khách bằng xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ như Uber, Grab khiến nhiều hãng taxi truyền thống phản ứng dữ dội vì cho rằng dịch vụ này cạnh tranh không lành mạnh. Văn phòng Chính phủ đã có văn bản đề nghị các Bộ, ngành cho ý kiến về việc này.

Theo Vụ Vận tải (Bộ GTVT), vì đang trong thời gian thí điểm (từ đầu năm 2016 đến hết năm 2017) nên Uber, Grab hay các đơn vị phần mềm tương tự sẽ chỉ được áp dụng đối với các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô dưới 9 chỗ là doanh nghiệp và hợp tác xã. Do đó, khẳng định là Uber, Grab chính là dịch vụ công nghệ; công nghệ này đưa vào đơn vị vận tải nào thì đơn vị vận tải đó có trách nhiệm trả phí cho họ và có trách nhiệm tới cùng với hành khách. Chính vì vậy sẽ không có khái niệm “xe taxi Uber”, “xe taxi Grab”, đơn giản nó là phần mềm kết nối nhanh.

Uber, Grab chính là doanh nghiệp cung cấp dịch vận tải

Góp ý về vấn đề này với Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương cho rằng, cần sửa đổi quy định doanh nghiệp cung cấp ứng dụng phần mềm như Uber, Grab chính là các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận tải. Đây là nội dung quan trọng mấu chốt để quản lý loại hình cung cấp dịch vụ này.


Bộ Công Thương: Doanh nghiệp cung cấp ứng dụng phần mềm như Uber, Grab chính là các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận tải.

Bộ Công Thương: Doanh nghiệp cung cấp ứng dụng phần mềm như Uber, Grab chính là các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận tải.

Theo Bộ Công Thương, hiện nay Uber, Grab đang cung cấp dịch vụ vận tải hành khách theo các hình thức sau: Ký hợp đồng với lái xe ô tô (dưới 9 chỗ ngồi), lái xe đăng ký là hộ kinh doanh, có ngành nghề dịch vụ vận chuyển hành khách (là trường hợp phổ biển nhất); Ký hợp đồng với các lái xe mô tô, lái xe mô tô không đăng ký là hộ kinh doanh; Ký hợp đồng với các đơn vị kinh doanh vận tải (các hãng taxi).

Với quy định hiện hành chưa tính đến loại hình dịch vụ vận chuyển hành khách qua ứng dụng thương mại điện tử (TMĐT), các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ này coi mình chỉ là đơn vị cung cấp ứng dụng phần mềm và quy định hiện hành cho phép họ giải thích như vậy. Điều này sẽ dẫn đến ba hệ quả khó quản lý và không công bằng:

Một là, vì chỉ được coi là đơn vị cung cấp phần mềm, các doanh nghiệp này sẽ không chịu trách nhiệm về đảm bảo an toàn cho hành khách và người đi đường, trong khi họ chính là đơn vị thu tiền dịch vụ của khách hàng.

Hai là, vì chỉ được coi là đơn vị cung cấp phần mềm, các doanh nghiệp này không chịu sự điều chỉnh của các quy định về kinh doanh vận tải, gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng với các đơn vị cung cấp dịch vụ vận chuyển truyền thống khác (như taxi, xe ôm).

Ba là, trường hợp doanh nghiệp cung cấp, quản lý các ứng dụng này là doanh nghiệp ở nước ngoài thì việc ta cho các doanh nghiệp đó hoạt động là không phù hợp với cam kết của Việt Nam trong WTO (Việt Nam không cam kết dịch vụ vận tải qua biên giới), gây bất bình đẳng cho doanh nghiệp trong nước.

Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ chỉ đạo khẩn trương xây dựng, sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật để xác định các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ này là các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải (tất nhiên là dịch vụ kiểu mới) và phải đáp ứng điều kiện nhất định về kinh doanh vận tải.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cho rằng, theo quy định hiện hành, việc cung cấp, quản lý các ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng như Uber, Grab hiện nay phải đáp ứng các quy định về TMĐT.

Uber, Grab hoạt động như taxi nhưng lại không bị cấm đường

Đại diện Hiệp hội Taxi Hà Nội cho rằng, bản chất của “xe Uber” và “xe Grab” là hoạt động giống taxi truyền thống nhưng lại không chịu sự quản lý bởi hàng loạt các điều kiện kinh doanh giống taxi, như: Tại Hà Nội, có một số tuyến phố cấm xe taxi hoạt động hoặc cấm theo giờ, nhưng với Uber, Grab vẫn được hoạt động bình thường.

Xe Uber, Grab vẫn được hoạt động tại các tuyến phố cấm xe taxi.
Xe Uber, Grab vẫn được hoạt động tại các tuyến phố cấm xe taxi.

Về bất cập này, văn bản góp ý với Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cho rằng, Sở GTVT các tỉnh có thí điểm Uber, Grab cần rà soát tuyến đường, phố có biển báo cấm xe taxi thì đồng thời đề xuất với UBND cấp tỉnh cho phép bổ sung biển báo phụ cấm cả xe hợp đồng nhằm đảm bảo công bằng giữa các loại hình kinh doanh.

Tuy nhiên, Bộ KH&CN cũng thừa nhận việc này là khó thực hiện, bởi các xe Uber, Grab mặc dù có gắn phù hiệu xe hợp đồng nhưng rất khó nhận biết từ xa nên có vi phạm biển báo cấm đường cũng rất khó phát hiện để xử phạt.

Uber, Grab phá vỡ quy hoạch taxi?

Theo số liệu của Hiệp hội Taxi Hà Nội, tính đến tháng 6/2017, tại Hà Nội các xe ô tô dưới 9 chỗ có phù hiệu “xe hợp đồng” sử dụng phần mềm kết nối của các công ty Uber, Grab… đã lên đến hơn 15.000 xe.

Trong khi đó, từ ngày 18/10/2011, Sở GTVT Hà Nội đã tạm dừng cấp phép thành lập thêm hãng taxi và không cho tăng số lượng xe taxi của các hãng đang hoạt động ở Hà Nội. Số lượng xe taxi tại Hà Nội thời điểm này đã lên tới gần 20.000 xe, đó là chưa kể số lượng xe taxi ngoại tỉnh về Hà Nội hoạt động.

Trước thực trạng xe Uber, Grab tăng lên “chóng mặt”, Sở GTVT Hà Nội đã kiến nghị với Bộ GTVT nghiên cứu khống chế số lượng xe dưới 9 chỗ tham gia ứng dụng phần mềm nhằm phù hợp với đề án taxi đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt.

Nguyễn Dương