1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nhiều bất cập ở một dự án kênh thoát nước

(Dân trí) - Dự án xây dựng tuyến kênh hở kênh Đa Cô (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) nối với tuyến kênh ở phường Hòa Minh chảy ra sông Phú Lộc được khởi công từ tháng 3/2011 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành và lộ nhiều bất cập.

Ứ đọng nước thải gây ô nhiễm

 

Tổng chiều dài xây dựng của dự án là 1,2km nhưng đến nay đoạn từ cầu Đa Cô đến hồ Hoàn Phú dài hơn 400m triển khai rất chậm. Hiện nay tại khu vực này đơn vị thi công đã đổ đất lấp dòng chảy cũ vì theo thiết kế dòng chảy mới sẽ được xây dựng lệch sang phía tổ 16 phường Hòa Khánh Nam. Tuy nhiên do dự án triển khai chậm đã làm cho nước bị ứ đọng giữa lòng kênh. Trong khi đó dọc hai bên bờ kênh Đa Cô có rất nhiều miệng cống, nước thải từ khu dân cư hàng ngày đổ thẳng ra sông không qua xử lí, gây ô nhiễm nghiêm trọng.
 
Nhiều bất cập ở một dự án kênh thoát nước

Toàn cảnh dòng kênh Đa Cô đục và đen ngòm

 

Giữa lòng kênh nước đen ngòm, bốc mùi hôi thối ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân xung quanh. Ông Phan Châu Sơn tổ 15 cho biết, những ngày nắng nóng mùi hôi bốc lên nồng nặc. Sợ nhất là mùa mưa nước dâng lên tận nhà đen ngòm, ô nhiễm không chịu nổi.

 

Ông Sơn nói thêm, trên đầu nguồn Kênh Đa Cô có bãi rác Khánh Sơn thuộc tổ 1 mưa xuống ngấm nước chảy xuống kênh; lò mổ heo của TP thuộc tổ 13 xả thải xuống kênh; cách bờ kênh Đa Cô chưa đầy 10m là Công ty CP ô tô Trường Hải - chi nhánh tại Đà Nẵng và garage sửa chữa ô tô, cũng xả nước thải ra kênh. Bởi vậy tình trạng ô nhiễm ở kênh Đa Cô là cực kì trầm trọng.

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Mai Mã - Giám đốc Công ty Xử lí nước thải thành phố - cho biết, hiện chưa có hệ thống thu gom nước thải từ khu dân cư ở khu vực P. Hòa Khánh Nam về nhà máy xử lí nước thải; vì vậy hầu hết nước thải đang thải thẳng ra kênh từ nhiều năm nay.
 
Nhiều bất cập ở một dự án kênh thoát nước
Những họng nước thải chưa qua xử lý xả thẳng ra kênh

 

Kênh Đa Cô là nơi thoát nước chính cho cả một khu vực rộng lớn gồm Đà Sơn, Khánh Sơn, Chơn Tâm và khu vực rừng núi. Nước thải đều không qua xử lý, cứ đổ thẳng xuống kênh, gây ô nhiễm và ruồi muỗi nhiều vô kể. Vào mùa mưa, đời sống sinh hoạt của hàng ngàn hộ dân bị ảnh hưởng.

 

Được biết trong dự án hạ tầng ưu tiên của TP đã đề ra dự án xây dựng một hệ thống xử lý nước thải của các tuyến kênh như kênh Đa Cô, kênh Phú Lộc… nhưng hiện nay vẫn chưa thực hiện được. Cũng chính do quá trình triển khai dự án xây dựng tuyến kênh hở kênh Đa Cô chậm nên trong mùa mưa 2011 vừa qua, khu vực người dân sống xung quanh cầu Đa Cô bị ngập nước, có nơi nước dâng cao vào nhà hơn 1m. Đời sống người dân rất khó khăn, đặc biệt là vấn đề nước sạch trong mùa lũ.

 

Vướng mắc trong khâu giải tỏa

 

Một trong những nguyên nhân gây chậm trễ trong việc thực hiện dự án xây dựng tuyến kênh hở kênh Đa Cô là do công tác giải phóng mặt bằng. Trao đổi với Dân trí về vấn đề này, ông Trương Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Khánh Nam - cho biết: “Dự án kênh Đa Cô là dự án hạ tầng ưu tiên của TP về cải tạo kênh mương thoát nước của toàn TP. Hiện có hơn 40 hộ thuộc tổ 16 phường Hòa Khánh Nam nằm trong khu vực giải tỏa để xây dựng kênh Đa Cô. Cho đến hiện nay mới có 2 hộ nhận đền bù và di dời đi nơi khác. Số còn lại do chưa đạt được những thỏa thuận trong đền bù nên chưa di dời, do phần đa số hộ dân nằm trong đất nông nghiệp họ không muốn di dời đến ở chung cư mà họ muốn đất tái định cư. Hiện chúng tôi đang vận động người dân để có thể triển khai dự án nhanh nhất”.
 
Nhiều bất cập ở một dự án kênh thoát nước
Lòng kênh chỉ còn một rãnh nhỏ nếu không xử lý nhanh mưa xuống sẽ gây ngập
úng.

 

Về phía đơn vị thi công dự án, ông Hồng Vinh Hiển, Phó Ban Quản lý hạ tầng dự án, nói: “Khi thực hiện dự án này chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Hiện tại đoạn từ cầu Đa Cô đến hồ Hoàn Phú chúng tôi đã đổ đất lấp lòng kênh cũ, tuy nhiên tâm lòng kênh mới lại nằm trong khu dân cư ở tổ 16, vì vậy khi người dân chưa chịu di dời thì chúng tôi chưa thể làm được”.

 

Về phía người dân, họ tỏ ra rất lo lắng khi phải chuyển đến chỗ tái định cư. Hiện tại hầu hết các hộ dân vẫn chưa chịu nhận đền bù giải tỏa . Một người dân tổ 16 trao đổi: “Chúng tôi không phải không muốn di dời đi nơi khác nhưng do chúng tôi ở đây đã lâu, chủ yếu làm nông nghiệp, xây phòng trọ cho SV thuê ở, hàng tháng chúng tôi đều có thu nhập. Giờ TP giải tỏa đền bù, chúng tôi đến ở chung cư vậy biết xoay sở cuộc sống như thế nào? Chúng tôi muốn được đền bù bằng đất tái định cư mà TP không đồng ý nên chúng tôi chưa di dời”.
 
Nhiều bất cập ở một dự án kênh thoát nước
Lòng kênh phía hạ lưu đang bị san lấp để cải tạo nhưng chưa cải tạo được

 

Ngoài ra người dân cũng rất bức xúc và lo lắng trước thực trạng triển khai dự án tại kênh Đa Cô. Dân cho biết khi dự án chưa tiến hành, họ rất ít khi phải chịu cảnh ngập lụt; từ khi triển khai dự án đến giờ chỉ cần mưa nhỏ là cả khu dân cư ngập trong nước.

 

Ông Trương Văn Dũng - Phó Chủ tịch phường Hòa Khánh Nam - cho biết trong thời gian qua phường nhận được một số đơn thư khiến nại, góp ý của người dân trong vấn đề thiết kế và thi công dự án thoát nước ở kênh Đa Cô. Phường đã chuyển ý kiến của người dân lên cơ quan cấp trên và chờ giải quyết.

 

Đỗ Luyến