1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nhiều báo cáo tác động môi trường của thủy điện không trung thực

(Dân trí) - Có ít nhất 10% bản báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án thủy điện trên cả nước không trung thực so với thực tế. Quyết định có cho phép hoạt động hay không thủy điện Đồng Nai 6, 6A sẽ do Quốc hội quyết định.

Sự việc căng thẳng giữa nhà đầu tư và UBND tỉnh Đồng Nai về thủy điện Đồng Nai 6, 6A tiếp tục làm nóng dư luận.Trong khi UBND tỉnh Đồng Nai liên tiếp kiến nghị hủy bỏ việc xây dựng Đồng Nai 6, 6A thì chủ đầu tư là Tập đoàn Đức Long Gia Lai lại thể hiện quyết tâm không từ bỏ dự án.

Trao đổi về vấn đề này bên lề hội thảo lấy ý kiến góp ý cho Luật bảo vệ Môi trường (sửa đổi), Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên – Môi trường) Lê Kế Sơn cho biết, hiện tại Bộ vẫn chưa phê duyệt phương án hoạt động của thủy điện Đồng Nai 6, 6A đồng thời yêu cầu Đức Long Gia Lai tiếp tục hoàn chỉnh báo cáo tác động môi trường (ĐTM) để gửi Cục thẩm định và đánh giá. Cụ thể, phía chủ đầu tư phải làm rõ hơn thông tin số liệu về mức độ tổn thương rừng, biến đổi dòng chảy, tác động đến Vườn quốc gia Cát Tiên… Ông Sơn nhấn mạnh, Quyết định cuối cùng thuộc về Quốc hội.

Nhiều báo cáo đánh giá về tác động của thủy điện đến môi trường không trung thực
Nhiều báo cáo đánh giá về tác động của thủy điện đến môi trường không trung thực

Liên quan đến thực trạng báo cáo ĐTM của các dự án chung trên toàn quốc, ông Sơn khẳng định, có ít nhất 10% của các dự án thủy điện không trung thực so với thực tế.

Nguyên nhân do, có nhiều cơ quan tiến hành thẩm định báo cáo ĐTM, trong đó Bộ Tài nguyên – Môi trường chỉ thẩm định các dự án có công suất lớn (trên 60MW), xâm phạm rừng đặc dụng, vườn quốc gia; các dự án vừa và nhỏ thuộc phạm vi hành chính của địa phương sẽ do địa phương thẩm định, cấp phép. Điều này dẫn đến tình trạng dễ dãi ở các địa phương, một phần do hạn chế về nhân lực và trình độ.

“Kết quả hậu kiểm cho thấy, báo cáo ĐTM của nhiều dự án có yếu tố bất ổn. Như chủ đầu tư thường chỉ báo cáo diện tích chiếm dụng lòng hồ nhưng lại không tính diện tích đường làm vào thủy điện, các công trình phụ phục vụ thủy điện… dẫn đến không báo cáo đầy đủ mức độ tổn hại rừng. Mặt khác, khi chiếm dụng rừng, về nguyên tắc chủ đầu tư phải trồng bù nhưng địa phương không bố trí được quỹ đất. Thêm vào đó, khi xem xét thủy điện ở thượng lưu mà không đánh giá mối liên hệ với thủy điện ở hạ lưu thì bất cập lớn trong điều tiết nước”- ông Sơn nói.  

Ông Sơn tán đồng với  ý kiến cho rằng, không nên biến ĐTM từ công cụ khoa học thành công cụ hành chính, gây phiền hà cho chủ đầu tư. Để tránh lãng phí, chủ đầu tư chỉ cần làm báo cáo ĐTM sơ bộ để xin chủ trương đầu tư, nếu được chấp thuận mới cần làm ĐTM chi tiết. Bởi đã có thực trạng có những chủ đầu tư phải chi rất nhiều tiền cho công tác nghiên cứu tiền khả thi, nếu không được phê duyệt, chủ đầu tư sẽ thiệt hại rất lớn.  

Phạm Thanh