Hà Nội:
Nhếch nhác hầm bộ hành trên đường vành đai 3
(Dân trí) - Gần 10 năm thi công, chỉ có 3 hầm dành cho người đi bộ được đưa vào sử dụng trong số 13 hầm dọc tuyến đường vành đai 3. Hầm đã sử dụng thì vắng tanh người qua lại; hầm chưa hoàn thiện thì nhếch nhác, bẩn thỉu.
Từ năm 2001, khi dự án đường Vành đai 3 (giai đoạn 1) đoạn từ Mai Dịch (quận Cầu Giấy) đến Linh Đàm (quận Hoàng Mai) do Ban Quản lý dự án Thăng Long - PMU Thăng Long (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư được khởi công đến nay đã có 13 hầm (mỗi hầm có mức đầu tư từ 2,5 - 3 tỉ đồng) dành cho người đi bộ được khởi công.
Gần 10 năm thi công 13 hầm đường bộ (Vành đai 3, đoạn Pháp Vân - Mai Dịch), chỉ có 3 hầm được đưa vào sử dụng. Do đèn điện phập phù, lại là nơi con nghiện thường xuyên lui tới tiêm chích nên gây nguy hiểm cho người qua đường. Những hầm còn lại chưa hoàn thiện, cái đã bị chiếm dụng, cái thành ao nước, nơi phóng uế của một số người.
Trên đường Phạm Hùng có 6 hầm, trong đó có 4 hầm đã bàn giao cho sở GTVT quản lý, 2 hầm chưa đưa vào sử dụng. Tại hầm PH6 (Phạm Hùng 6), ngay cạnh Trung tâm Hội nghị Quốc gia, mặc dù rất đông xe cộ nhưng từng tốp người đi bộ vẫn thản nhiên băng qua đường.
Không có điện, đường hầm tối om như ban đêm. “Mới mở cửa hầm em cũng đi thử. Nhưng đi vài lần thấy hoảng hồn vì đường thì tối om, thỉnh thoảng lại có một vài đối tượng vật vờ ở dưới. Băng qua đường mặc dù nguy hiểm nhưng em có cảm giác an toàn hơn” - Lê Phương Mai sinh viên trường Ngân hàng cho biết.
Bảo vệ của hầm cho biết, chỉ cần không có bảo vệ là nghiện hút, cướp giật xuất hiện dưới hầm lấy cắp đồ người bộ hành.
Để bảo vệ hầm đường bộ PH1, ngay tại chân cầu vượt Mai Dịch, đơn vị thi công phải làm rào sắt để vây kín xung quanh và cho bảo vệ trực dưới hầm 24/24 giờ.
“Đường làm xong từ lâu, nhưng hầm đường bộ thì chưa được bàn giao. Gần 10 năm chúng tôi có nhiệm vụ ăn nằm ở dưới đây có nhiệm vụ trông đồ đạc và đợi nhà thầu nhiệm thu. Để tình trạng này kéo dài người đi bộ băng qua đường thì gặp nguy hiểm và lãng phí” - một bảo vệ hầm PH1 cho biết.
Trên đoạn đường Khuất Duy Tiến từ Trung tâm Hội nghị quốc gia đến Linh Đàm có 7 hầm. Hiện nay, chưa hầm nào được đưa vào sử dụng nhưng đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Có hầm trên tường vật liệu ốp lát bị bong tróc, kính đã vỡ hoặc bị chiếm dụng làm hàng quán, rào tạm bằng tre, gỗ… gây ra những hình ảnh rất phảm cảm cho người qua đường.
Những hình ảnh về hầm bộ hành PV Dân trí ghi lại dọc tuyến đường vành đai 3:
Gần 10 năm thi công, mới chỉ có 3 hầm được đưa vào sử dụng.
Sạch đẹp nhưng vắng teo.
Những đường hầm tối tăm trở thành nơi lý tưởng của những đối tượng nghiện hút, cướp giật.
Những hầm chưa hoàn thiện được "bảo vệ" cẩn thận.
Lưới sắt bao trùm cửa kính.
Hay nếu chưa có cửa kính...
Nơi tập kết xe dọn rác thải.
Hay nơi bán nước.
Vật liệu xây dựng án ngữ trước cửa hầm.
Gạch ốp xung quanh căn hầm này không hiểu vì lý do gì đã "bay" mất.
Cảnh tượng chung của những căn hầm chưa hoàn thiện.
Các bảo vệ phải túc trực ở đây cả ngày đêm để trông hầm và... chờ đợi.
Giữa những ngày nắng gắt, hầm bộ hành vẫn biến thành "ao".
Cơ quan chức năng sẽ báo cáo với UBND TP Hà Nội ra sao về những công trình này khi Đại lễ đã cận kề?
Quang Phong - Tiến Nguyên