1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Năm du lịch quốc gia Mekong-Cần Thơ 2008:

Nhạt nhòa ấn tượng!

(Dân trí) - Tuần lễ khai mạc Năm du lịch quốc gia 2008 Cần Thơ vừa khép lại một cách lặng lẽ. Với người dân Tây Đô, sự kiện được kỳ vọng này không để lại quá nhiều dư vị đáng nhớ còn với những người làm du lịch, nó đã để lại một thực trạng ngổn ngang.

Liên kết: tìm hoài không thấy

Năm du lịch quốc gia 2008 có thể coi là “sân nhà” của tất cả các tỉnh thành khu vực ĐBSCL để tiếp thị hình ảnh, tiềm năng và cả cách tháo gỡ những yếu kém của du lịch địa phương.

Thế nhưng, hình ảnh duy nhất “đánh dấu” sự có mặt của các địa phương là những chiếc xe mô hình diễu hành trong lễ hội đường phố. Sau tuần lễ khai mạc, hàng chục sự kiện khác sẽ diễn ra tại 12 địa phương còn lại, mỗi địa phương đăng ký một vài lễ hội có sẵn.

Điều này cho thấy các địa phương chuẩn bị tham gia năm du lịch như một cách đối phó, theo tư duy “khách mời” chứ không phải chủ nhà thật sự. Sự liên kết giữa các địa phương để tổ chức các lễ hội gần thời điểm, gần tuyến đường để giữ chân du khách cũng không hề thấy dù không phải là không có điều kiện.

Đến với tuần lễ khai mạc năm du lịch quốc gia, mỗi tỉnh thành tại ĐBSCL có một gian trưng bày các đặc sản của mình cũng như các tài liệu giới thiệu tiềm năng của địa phương. Tuy nhiên, hoạt động giới thiệu quảng bá sản phẩm du lịch gần như không có.

Đặc biệt không thấy địa phương nào trình bày các đề án, thuyết trình thu hút đầu tư du lịch. Ngay như tại “Hội thảo phát  triển du lịch lữ hành ĐBSCL” trong khi các sở, doanh nghiệp du lịch đến từ TPHCM, Vũng Tàu tham gia khá nhiều tham luận thì các địa phương chủ nhà của năm du lịch lại… “im bặt”.

Thiếu liên kết, xây dựng các tour, tuyến du lịch để tránh sự trùng lắp là lối đi cho du lịch ĐBSCL. Lần này, nhiều ý kiến xây dựng, kết nối những tuyến du lịch lại được đưa ra, tuy nhiên lại một cách chung chung, không có đề án cụ thể.

Du lịch ĐBSCL đã quá bội thực vì những kiểu liên kết trên giấy như thế. Có thể thấy, thông qua tuần lễ khai mạc, điều bộc lộ rõ nhất chính là sự yếu kém, nghèo trong tư duy của những con người làm du lịch tại ĐBSCL.

Nhân lực nhá nhem

Theo thống kê của Hiệp hội Du lịch Việt Nam, trong khoảng 1 triệu người tham gia hoạt động trong lĩnh vực du lịch tại ĐBSCL, có tới 58% không qua đào tạo nghiệp vụ, 15% thuộc các hệ trung - sơ cấp, có một số ít trong lực lượng này có đại học tuy nhiên đa phần là bằng cấp không liên qian gì đến du lịch. Nếu tính về số lao động trực tiếp trong ngành du lịch, ĐBSCL có tới 50% lao động không có nghiệp vụ du lịch.

Với mặt bằng về con người như thế, duy trì được một bức tranh du lịch ngổn ngang như hiện nay đã khó, chưa nói đến phát triển đột phá. Ấn tượng lớn nhất của du lịch ĐBSCL là các khu du lịch vườn theo kiểu hộ gia đình, dịch vụ tự phát, nhiều nơi du khách chỉ được nhìn ngắm chứ không chiêm nghiệm được gì.

Đội ngũ hướng dẫn viên du lịch tại ĐBSCL luôn thiếu thốn và hạn chế về kỹ năng, hướng dẫn viên của địa phương nào thì chỉ am hiểu về địa phương đó. Rất khó để có thể tìm ra một hướng dẫn viên có kiến thức bao quát để tham gia các tour, tuyến trong các chương trình liên kết.

Mặc khác đội ngũ hướng dẫn viên thông thạo các ngoại ngữ để hướng dẫn khách quốc tế cũng cực kỳ khan hiếm. Ngay như một lễ hội tầm cỡ như tuần lễ khai mạc Năm du lịch quốc gia, đội ngũ hướng dẫn viên chủ yếu là các sinh viên được “vận động’ đi phục vụ như kiểu… tình nguyện mùa hè xanh. Không ít người trong số này không có kiến thức, thậm chí mù tịt về du lịch.

Tuần lễ khai mạc Năm du lịch quốc gia đã một lần nữa vẽ ra thực trạng ngổn ngang của du lịch ĐBSCL. Tuy nhiên, không nhiều người hy vọng sẽ có liều thuốc chữa hiệu nghiệm cho những căn bệnh trầm kha đó.

Lệ Thủy

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm