Năm du lịch quốc gia Mekong-Cần Thơ 2008:

"Vận hội mới" cho du lịch ĐBSCL!

(Dân trí) - Năm du lịch quốc gia 2008 chủ đề Miệt vườn Sông nước Cửu Long đã chính thức khai mạc vào tối qua 21/2. Ông Đinh Viết Khanh, Giám đốc Sở du lịch Cần Thơ, kỳ vọng đây sẽ là vận hội mới cho sự phát triển du lịch và kinh tế của các tỉnh ĐBSCL.

Với tư cách thành viên Ban chỉ đạo, xin ông cho biết những hoạt động nổi bật của Năm du lịch quốc gia 2008?

Lễ khai mạc Năm du lịch sẽ được tổ chức tại Cần Thơ trong suốt một tuần lễ với 8 sự kiện hấp dẫn như: lễ hội carnaval đường phố, liên hoan văn hóa ẩm thực ĐBSCL… điểm nhấn hoành tráng nhất là lễ khai mạc được tổ chức trên sân khấu nước trên sông Hậu, biểu trưng cho du lịch sông nước.

Xuyên suốt năm 2008, sẽ có tất cả 56 sự kiện, lễ hội được chọn lọc, tổ chức tại tất cả các tỉnh thành trong khu vực.

Cần Thơ  và các địa phương đã chuẩn bị như thế nào cho sự kiện trọng đại này?

Sau tuần lễ khai mạc, các lễ hội được tổ chức xuyên suốt 12 tháng trong năm. Năm nay, các lễ hội độc đáo tại ĐBSCL như đua ghe ngo (Sóc Trăng), Hội Nghinh Ông (Cà Mau), Đua bò Bảy Núi, Vía bà chú Xứ Núi Sam (An Giang)… sẽ được đầu tư cơ sở vật chất và mở rộng về quy mô để đáp ứng nhu cầu.

 

Đã có hàng trăm đơn vị, doanh nghiệp lữ hành lớn nhỏ tại TPHCM và ĐBSCL sẵn sàng đưa du khách đến với các sự kiện này.

Cho đến nay, chỉ tiêu 30 tỷ đồng kinh phí tổ chức năm du lịch gần như đã hoàn tất. Tại Cần Thơ, tất cả các nhà hàng, khách sạn và cơ sở kinh doanh du lịch đều đã được nâng cấp, 20 khách sạn mới đạt chuẩn sao, 7 khu du lịch miệt vườn mới đưa vào sử dụng và hàng loạt doanh nghiệp lữ hành mới ra đời.

Tại các dia phương tham gia năm du lịch đều đã đầu tư nâng cấp các sự kiện, lễ hội tại địa phương lên một tầm cao mới để thật sự làm thỏa mãn du khách.

Sự đón nhận của ngành du lịch, du khách và nhân dân trong vùng trước sự kiện này như thế nào, thưa ông?

Đối với ngành du lịch, được hưởng lợi trực tiếp từ hoạt động này, tất cả đều đón nhận háo hức. Hầu như 100% doanh nghiệp du lịch trên địa bàn đều tham gia vào năm du lịch bằng các hoạt đọng trực tiếp hoặc tài trợ.

Lãnh đạo các tỉnh, thành cũng đã có những tâm huyết tích cực trong việc cùng nhau xây dựng một năm du lịch thành công. Riêng đối với cư dân đồng bằng, tất cả đều hưởng ứng nhiệt tình, giúp sức với lãnh đạo bằng những việc ý nghĩa như: thi tìn hiểu về năm du lich, học hỏi cách giao tiếp hiện đại, trang trí nhà cửa để sẵn sàng đón tiếp và để lại ấn tượng trong long du khách về du lịch đồng bằng.

Có ý kiến cho rằng năm du lịch 2008 là một cuộc chơi quá tầm đối với ngành du lịch còn nhiều ngổn ngang tại ĐBSCL?

Đây là lần đầu tiên chúng tôi được giao trọng trách tổ chức một sự kiện trọng đại nên tất nhiên sẽ có những khó khăn nhất định. So với các tỉnh, thành như Huế, Hạ Long hay Đà Lạt, ĐBSCL không có những điều kiện về cơ sở vật chất, tài nguyên du lịch cũng như kinh nghiệm tổ chức.

Tuy nhiên, lợi thế lớn nhất của năm du lịch là sự đồng lòng nhất trí giữa các địa phương, cộng với lòng nhiệt huyết của nhân dân ĐBSCL, chúng tôi tin tưởng sẽ đủ sức vượt qua mọi áp lực để thực hiện tốt.

Năm du lịch quốc gia có là một “liều thuốc” cải thiện du lịch ĐBSCL, bản thân ngành du lịch đã nhận thức và hành động như thế nào cho vận hội này?

Chúng tôi xem đây là một cơ hội để lột xác, năm du lịch là một ngày hội mà trong đó, cả cộng đồng sẽ chung tay làm du lịch, mở ra hướng đi trong công tác xã hội hóa. Điều quan trọng nhất là môi trường du lịch sẽ được cải thiện tốt hơn, các loại hình, sản phẩm du lịch mới sẽ ra đời thay thế cho sự trùng lắp, nhàm chán của ĐBSCL từ trước đến nay.

Lệ Thủy (thực hiện)