1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Cải tạo kênh rạch ô nhiễm ở TPHCM

Nhập mô tô CSGT về để…lưu kho

Trong khi Cảnh sát giao thông đường bộ Công an TPHCM đang rất thiếu mô tô phục vụ công tác tuần tra, kiểm soát giao thông, thì lô hàng 150 chiếc mô tô nhập khẩu (vay vốn của Ngân hàng Thế giới - WB) nhằm trang bị cho lực lượng này lại "ngủ" trong kho suốt hơn 1 năm trời...

Cho nhập về rồi... hành!

 

Ngày 24/5/2005, một chiếc xe mẫu được đưa tới Phòng CSGT đường bộ Công an TPHCM để chạy thử. Nhiều cán bộ, chiến sĩ CSGT đã nhận xét: xe quá lùn, không phù hợp công tác tuần tra... Thực ra, những nhận định này cũng đã được chính Công an TPHCM đưa ra trong công văn 194 ngày 29/3/2004, như: xe nhập về là xe Honda - Rebel 234cc, trong khi hợp đồng quy định là xe Kawasaki Model EL252F (250cc); màu sơn xe là đen và đỏ, không đúng với màu sơn đặc chủng của CSGT; xe lùn thấp (chiều cao trọng tâm so với mặt đường thấp); khung thùng phía sau xe không nhập về theo xe mà  sản xuất tại Việt Nam...

 

Nếu chỉ xét những thông tin này thì rõ ràng nhà thầu cung cấp xe (Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại - Dịch vụ Nguyễn Giáo) đã vi phạm hợp đồng. Nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi, "xe lùn" là do chính sự lựa chọn của CSGT. Trước khi nhập xe về, nhà thầu cung cấp đã có văn bản xin thay đổi loại xe mô tô cung cấp (lý do là loại xe Kawasaki EL252F đã ngưng sản xuất từ tháng 4/2003), kèm đó là một loạt loại xe khác được đưa ra để chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư công trình giao thông đô thị TPHCM (PMU) lựa chọn.

 

Để chọn mẫu xe mới, PMU đã cùng đơn vị tư vấn và CSGT ngồi bàn rất kỹ, cuối cùng thống nhất chọn mẫu xe mô tô Honda - Rebel. Sau đó, CSGT còn có văn bản chính thức thông báo "nhất trí chọn mẫu xe mô tô Honda-Rebel" gửi PMU để PMU thông báo tới nhà thầu.

 

Chủ đầu tư, tư vấn quá yếu kém

 

Theo nhận xét của PMU, trong việc cung cấp lô hàng 150 mô tô CSGT, nhà thầu đã tự ý thực hiện không xin ý kiến của PMU như việc sơn lại màu trắng, tháo lắp xe, thùng xe sản xuất tại Việt Nam. PMU đề xuất phạt nhà thầu 3.750 USD vì những sai lệch này và buộc nhà thầu phải bỏ kinh phí thuê một đơn vị có chức năng kiểm định về chất lượng sơn, chất lượng lắp ráp xe và chất lượng thùng xe; phạt 10% giá trị lô thiết bị radio hai chiều với số tiền 6.382 USD...

 

Thế nhưng, phía nhà thầu cho biết, vào các ngày 21/11/2003 và 19/12/2003, họ đã có văn bản gửi PMU thông báo hàng về Tân Cảng và khẳng định "đang vận chuyển lô hàng còn lại bằng máy bay và có một số lô hàng đang sơn, gắn thiết bị đi kèm". Nhưng các văn bản này đã không được hồi âm, để đến ngày cuối cùng của năm 2003 các bên liên quan mới xuống kiểm tra và "trói" doanh nghiệp vào chuyện nhập xe không đúng màu, tự ý sơn lại màu xe.

 

Thực ra, nguyên nhân sâu xa của những rắc rối trên là từ hợp đồng thiếu chặt chẽ. Trong hợp đồng chỉ quy định "Xe mô tô được giao phải có màu sắc và các dấu hiệu tương ứng của CSGT TPHCM" chứ không quy định phải là xe chuyên dùng của CSGT; trong tiến độ thực hiện cũng có cho 1 tháng để "nhập khẩu và lắp ráp hàng hóa"; hình xe mẫu Kawasaki EL252F kèm hợp đồng ghi màu sơn không phải màu trắng (Colours: Ebony)... Với những quy định như vậy, nhà thầu đã nhập về xe sản xuất đại trà, rồi cho sơn lại, lắp ráp hoàn chỉnh thành xe tương ứng của CSGT.

 

Về lô thiết bị thông tin cho xe, hợp đồng ghi: "Radio hai chiều... tương thích với các thiết bị thông tin khác được cung cấp theo tinh thần của hợp đồng khác bao gồm ổ nghe gắn vào lỗ tai và micro của người lái xe", nên nhà thầu viện cớ hiểu là thiết bị cung cấp thông tin được tách ra bởi một hợp đồng khác, chứ không phải trong hợp đồng này...

 

Trách nhiệm trong việc thiết lập một hợp đồng không chặt chẽ thuộc về PMU và đơn vị tư vấn Ove Arup (Hongkong). PMU đã tự nhận trách nhiệm "không có cán bộ chuyên ngành về thiết bị cho CSGT, thiếu kinh nghiệm trong việc thực hiện hợp đồng quốc tế, nên đã để xảy ra những sai sót..."; đồng thời cũng quy trách nhiệm của tư vấn Ove Arup là: "Hồ sơ mời thầu do tư vấn lập quy định về màu sắc xe, dấu hiệu trên xe, chi tiết gắn trên xe không đủ rõ ràng, mà có dẫn chiếu đến quy định của CSGT, đã dẫn đến những vướng mắc trong thực hiện hợp đồng. Với trách nhiệm theo dõi giám sát nhà thầu trong quá trình thực hiện hợp đồng, tư vấn đã không có biện pháp hữu hiệu đảm bảo nhà thầu tuân thủ đúng các nội dung hợp đồng".

 

Trách nhiệm tưởng đã rõ ràng, nhưng trong các văn bản chỉ đạo của UBND TP lại không thấy đả động đến việc xử lý tư vấn giám sát. Cũng cần biết thêm, Ove Arup chính là nhà thầu tư vấn việc phân luồng giao thông tại ngã sáu Phù Đổng vào tháng 8/2004, gây nhiều thiệt hại về kinh tế, xã hội mà báo chí đã từng đề cập. Thế nhưng, sau vụ việc đó, Ove Arup chỉ bị đề nghị rút kinh nghiệm...

 

Chỉ đạo xoay như chong chóng!

 

Đến thời điểm hiện nay, theo các cơ quan chức năng, hầu hết những yêu cầu của PMU đã cơ bản được nhà thầu cung cấp hoàn thành, chỉ còn việc chờ thử và lắp đặt đại trà thiết bị thông tin theo xe. Còn theo nhà thầu cung cấp, ngoài tiền phạt nêu trên, sau hơn 1 năm nhập về, chờ giao xe, công ty này đã thiệt hại hàng trăm ngàn USD, bao gồm lãi vay ngân hàng, tiền lưu kho bãi, tiền bảo hiểm hàng trong kho, tiền đội lên từ chi phí vận chuyển...

 

Tuy nhiên, vấn đề gây bức xúc cho nhà thầu lại chính là cách xử lý của các cơ quan liên quan tại TPHCM. Trên thực tế, hợp đồng cung cấp lô xe và thiết bị phụ trợ cho CSGT là hợp đồng kinh tế giữa PMU và nhà thầu cung cấp. Theo quy định hiện hành cũng như ý kiến của WB thì "Tất cả các vấn đề thực hiện thuộc hợp đồng này phải được giải quyết bởi chính các bên nêu trong hợp đồng căn cứ vào các điều kiện và điều khoản của  hợp đồng đã ký kết". Thế nhưng, trong quá trình thực hiện dự án, nhà thầu cho biết đã vấp phải rất nhiều khó khăn không xuất phát từ PMU. Chẳng hạn, hợp đồng ký kết quy định tiến độ thực hiện là 7 tháng kể từ khi ký hợp đồng nhập khẩu, nhưng chỉ một chi tiết xin hay đổi loại xe nhập khẩu, nhà thầu đã phải chờ 45 ngày để được chấp thuận của Sở Kế hoạch - Đầu tư. Đây cũng là lý do nhà thầu phải thuê máy bay vận chuyển 71 xe mô tô từ Mỹ về Việt Nam cho kịp tiến độ hợp đồng, thay vì bằng đường biển, làm tốn chi phí vận chuyển gần 80.000 USD. Hoặc với việc xác định màu sơn xe, thay vì PMU phải có trách nhiệm tham khảo ý kiến của các đơn vị liên quan, đưa ra các thông số kỹ thuật về chủng loại sơn, mẫu chữ... và nhà thầu cứ thế thực hiện, thì thực tế nhà thầu lại phải đi xác minh thực tế, gặp các cơ quan liên quan, để rồi nhận được những thông số chung chung và cuối cùng bị... phạt!

 

Cũng không thể không đề cập đến vai trò chỉ đạo của UBND TPHCM trong vụ việc này. Trong khi vụ việc phát sinh nhiều rắc rối, thay vì trực tiếp kiểm tra để có kết luận cuối cùng, thì lãnh đạo UBND TP chỉ dựa vào những báo cáo của các cơ quan tham mưu để ra những văn bản, chỉ đạo hoàn toàn trái ngược nhau. Cụ thể, vào tháng 5/2004, xét báo cáo của Sở Giao thông - Công chính UBND TP chỉ đạo chấp thuận tiếp nhận lô hàng mô tô CSGT. Đến tháng 12/2004, sau khi nghe ý kiến của Sở Kế hoạch - Đầu tư và Công an TP, UBND TP lại chỉ đạo "không chấp nhận lô hàng 150 xe mô tô..." và rồi đến tháng 5/2005 lại "chấp thuận tiếp nhận lô hàng 150 xe mô tô..." và phạt nhà thầu 10% hợp đồng (75.000 USD)!

 

Theo Đức Trung

Thanh Niên